Mảnh đất của “Thập Tháp”
Tháp Chàm ở tỉnh Bình Định hầu hết đều được xây dựng rất sớm (từ thế kỷ thứ 11-15), với kiến trúc vừa to, cao và vừa hoành tráng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước thì Tháp Chàm tại Bình Định có qui mô lớn nhất ở Đông Nam Á.
Đến nay, hệ thống Tháp Chàm Bình Định có 14 tháp, được quy hoạch xây dựng trong thành “Đồ Bàn” có chu vi đường kính từ 15-20 km, nằm tập trung chủ yếu ở ba huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và thành phố Quy Nhơn.
Tại phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn có một quần thể di tích độc đáo là Tháp Đôi được xây dựng khoảng thế kỷ 13, trong đó Tháp Bắc cao chừng 16m và Tháp Nam thấp hơn một chút.
Cách thành phố Quy Nhơn chừng 10km là một khu tháp uy nghi được tọa lạc trên một quả đồi cao chừng 100m bên cạnh Quốc lộ IA, thuộc thôn Đại Lộc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước là Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là Tháp Bạc).
Tháp Bánh Ít là quần thể có nhiều tháp nhất tại Bình Định với bốn ngọn tháp. Các tháp này được xây từ thế kỷ 11-12, cao chừng 20m và trên bình đồ vuông, mỗi chiều khoảng 11m.
Tháp Bình Lâm tọa lạc tại xóm Long Mai, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước; nằm cách thị trấn Tuy Phước chừng 15km về phía Đông. Toàn bộ tháp cao 20m và được chia thành ba tầng rỏ rệt. Đây là một trong những tháp được xây dựng sớm nhất tại Bình Định vào cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11.
Đến huyện An Nhơn, có tháp Cánh Tiên hay gọi là Tháp Đồng, tọa lạc trên một gò đất không cao lắm tại thôn Nam An, xã Nhơn Hậu. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, có nét đặc sắc khác hẳn so với các tháp khác tại Bình Định về trang trí cầu kỳ vì từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh Tiên bay lên.
Tháp Phú Lốc hay Tháp Vàng, nằm trên quả đồi cao chừng 80m thuộc thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành; được xây vào thế kỷ 12, với cấu trúc bình đồ tháp hình vuông mỗi chiều đo được 9,7m và toàn tháp cao 15m.
Nhưng có lẽ hoành tráng và đẹp nhất là khu Tháp Dương Long - tháp Ngà. Tháp được xây dựng ở hai thôn Vân Tường thuộc xã Bình Hòa và thôn An Chánh của xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Tháp này được xây dựng vào thế kỷ 12-13, có chiều cao tới gần 40m là quần thể cấu trúc bề thế và đẹp nhất của Tháp Champa còn sót lại trên đất miền Trung.
Tại huyện Tây Sơn, còn có tháp Thủ Thiện - tháp Thau, được xây dựng vào thế kỷ 11, tọa lạc tại thôn Thủ Thiện xã Bình Nghi. Tháp được xây cao khoảng 8,5m, khác với các tháp khác, bên trong có gắn hình phù điêu và tượng thờ.
Nhiều phát hiện mới qua khai quật khảo cổ để trùng tu
Nhằm góp phần vén bức màn nhiều bí ẩn của hệ thống tháp cổ Bình Định, trong nhiều năm qua, ngành văn hóa và các nhà khảo cổ đã tiến hành nhiều đợt khai quật khảo cổ tại các tháp.
Việc khai quật khảo cổ học các tháp Chàm Bình Định đã cho nhiều phát hiện mới về kỹ thuật cấu trúc, vật liệu chính để xây tháp, niên đại của các tháp và nhiều cổ vật quý khác làm cơ sở vững chắc cho công tác nghiên cứu, thiết kế, lập dự án trùng tu.
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban quản lý Di tích lịch sử tỉnh Bình Định cho biết đến nay, hầu hết các tháp Chàm Bình Định đã được khai quật khảo cổ và trùng tu chống xuống cấp. Trong đó, Tháp Đôi được khai quật khảo cổ và trùng tu với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng đã hoàn thành vào năm 1991; tiếp đến là Tháp Bánh Ít, cũng được trùng tu vào năm 2004, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng.
Đến năm 2006-2007, khai quật khảo cổ và trùng tu lần thứ nhất Tháp Dương Long và hiện nay đang tiếp tục khai quật, trùng tu lần 2 với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Tháp Cánh Tiên, được chính thức khai quật khảo cổ và trùng tu từ năm 2006, với tổng kinh phí 100.000 euro do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ và vốn đối ứng 700 triệu đồng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.
Tại Tháp Cánh Tiên, công nhân của Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Bình Định đang mải miết mài và ghép từng viên gạch trùng tu vào phần gần chân tháp. Ông Thọ cũng cho biết thêm Tháp Cánh Tiên dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ được đưa vào phục vụ khách du lịch.
Tháp Dương Long cũng trong giai đoạn 2 dự toán thiết kế trùng tu với chiều cao 12m trở lên, với nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và Tháp Bình Lâm cũng đang trình các ngành chức năng Bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phê duyệt kinh phí 15 tỷ đồng./.