Nội các Hy Lạp ủng hộ đề xuất trưng cầu ý dân

Ngoài sự ủng hộ đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân, nội các Hy Lạp cũng nhất trí với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sáng 2/11 đã nhận được sự ủng hộ của nội các về đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đối với thỏa thuận cứu trợ tài chính mới của châu Âu dành cho nước này.

Theo người phát ngôn chính phủ Elias Mossialos, ngoài sự ủng hộ đối với đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, nội các Hy Lạp cũng nhất trí với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Người phát ngôn của chính phủ nêu rõ: "Cuộc trưng cầu ý dân sẽ là một sự ủy thác rõ ràng, đồng thời là thông điệp rõ ràng cho cả bên trong và bên ngoài Hy Lạp về kế hoạch của châu Âu cũng như tư cách thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone). Cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi các điểm cơ bản của thỏa thuận cứu trợ được hoàn tất".

Trong khi đó, các đảng phái đối lập trong Quốc hội Hy Lạp vẫn bác bỏ đề xuất của Thủ tướng về việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân cũng như bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Một số nghị sĩ kêu gọi ông Papandreou từ chức vì cho rằng quyết định của ông càng đẩy Hy Lạp đến bờ vực phá sản.

Các nhà phân tích cũng cho rằng mặc dù nhận được sự ủng hộ của nội các, song đề xuất nói trên có khả năng không được Quốc hội hậu thuẫn, bởi theo Hiến pháp Hy Lạp, để thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân cần phải có sự ủng hộ của 180 trên tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội. Trong khi đó, đảng Xã hội cầm quyền (PASOK) chỉ có 153 ghế trong Quốc hội và cần giành thêm sự ủng hộ của phe đối lập.

Tuyên bố của Thủ tướng Papandreou cũng gây sốc cho toàn bộ chính giới châu Âu. Các nhà lãnh đạo và giới phân tích đều cho rằng quyết định tiến hành trưng cầu ý dân của Hy Lạp sẽ đẩy nước này đối mặt với tình trạng phá sản, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của nước này trong Khu vực đồng euro. Nếu người dân Hy Lạp nói "không" trong cuộc trưng cầu ý dân, thỏa thuận cứu trợ mới đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 26/10 vừa qua, coi như bị vô hiệu hóa.

Giới kinh doanh cũng cho rằng thái độ "tiêu cực" của người dân Hy Lạp đối với thoả thuận cứu trợ mới này của EU sẽ khiến việc giải ngân, được dự kiến vào giữa tháng 11 này, khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ 110 tỷ euro dành cho Athens, được EU/IMF nhất trí hồi năm ngoái, bị bỏ ngỏ.

Trước đó, theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 31/10, gần 60% số người dân Hy Lạp đánh giá gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro của EU là "tiêu cực". Sáu trong số 10 người được hỏi ý kiến bác bỏ gói cứu trợ và đa số người dân đều phản đối việc tiến hành cuộc bầu cử sớm. Những số liệu này cho thấy khả năng Hy Lạp bác bỏ thỏa huận cứu trợ vỡ nợ là rất cao. Hiện Thủ tướng Papandreou đang chịu nhiều sức ép do chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ không được lòng dân của chính phủ đang thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối trong nước.

Lo ngại trước tuyên bố của Thủ tướng Hy Lạp, ngày 1/11, Điện Elysee ra thông báo khẳng định gói cứu trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp là "cách duy nhất" để cứu Aten thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi Hy Lạp nỗ lực hết sức để tự cứu mình. Ông Sarkozy cho rằng kêu gọi sự đồng lòng của người dân là cần thiết, song cũng không thể bỏ qua sự đoàn kết của tất cả các nước Khu vực đồng euro.

Trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" ở Hy Lạp hiện nay, cùng ngày 1/11, Tổng thống Pháp Nicola Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí tổ chức một hội nghị khẩn cấp tại thành phố Cannes (Pháp) vào ngày 2/11 với sự tham dự của tân Chủ tịch Ngân hang Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarder.

Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo EU, ECB và IMF sẽ tiến hành thảo luận về phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục