Nỗi đau xé lòng của gia đình Việt có con gái trên phà SEWOL

Gia đình ông Chạy, bố đẻ cô dâu Việt mất tích trong vụ chìm phà SEWOL, sống trong tâm trạng hy vọng rồi đau khổ khi tìm được thi thể người thân.
Nỗi đau xé lòng của gia đình Việt có con gái trên phà SEWOL ảnh 1Đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đến thăm hỏi và động viên gia đình chị Thanh. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnma+)

Trong những ngày vừa qua, cùng với người dân trên toàn thế giới, cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước đang cùng hướng về Hàn Quốc chia sẻ nỗi đau với gia đình những nạn nhân trong vụ chìm phà SEWOL.

Đối với cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc, sự mất mát trên dường như được nhân lên gấp bội khi một gia đình cô dâu người Việt là chị Phan Ngọc Thanh cũng là nạn nhân trong chuyến phà định mệnh trên.

Mỗi ngày trôi qua, tại Nhà thi đấu quận Jindo, nơi cư trú dành cho thân nhân những người còn mất tích, lại có những gia đình chuyển đi sau khi đã tìm được thi thể người thân, nhưng vẫn còn đó những thân nhân đang héo mòn và dần kiệt sức vì chờ đợi trong vô vọng. Trong số những thân nhân đó, có gia đình của chị Phan Ngọc Thanh mới từ Việt Nam sang.

Trong ngày đầu mới đặt chân tới quận Jindo, ông Phan Văn Chạy, bố đẻ chị Phan Ngọc Thanh, và con gái út Phan Ngọc Hạnh đã được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đón, bố trí nơi ăn nghỉ và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng tại hiện trường.

Nhận được tin gia đình chị Thanh đã sang Hàn Quốc để chờ đợi tin tức cứu hộ, một số anh chị em người Việt hiện đang sinh sống, lao động và học tập tại khu vực lân cận đã đến thăm hỏi, giúp đỡ và động viên gia đình.

Đặc biệt phải kể đến các tình nguyện viên của Hội Những người con đất Việt, đại diện là chị Nguyễn Tường Vy đã tích cực hỗ trợ cho gia đình chị Thanh trong việc ăn ở, đi lại, thông dịch, chăm sóc sức khỏe, tiếp nhận thông tin từ cơ quan cứu hộ cũng như kêu gọi cộng đồng người Việt ở khu vực chung tay chia sẻ, giúp đỡ gia đình chị Thanh.

Bên cạnh đó, Chi hội người Việt tại khu vực Chonnam và Kwangchu do anh Nguyễn Viết Phong làm Chủ tịch cũng đã cắt cử các tình nguyện viên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình chị Thanh những lúc cần thiết. Phóng viên đã nhiều lần chứng kiến cảnh ông Chạy nắm chặt tay chị Vy nói: “Cảm ơn các con. Không có các con, chú không biết làm sao nữa.”

Do trường hợp gia đình chị Thanh, đặc biệt là con gái Kwon Ji-yeon, hành khách nhỏ tuổi nhất may mắn được cứu sống trong chuyến phà định mệnh trên, thu hút sự chú ý rất lớn của báo chí Hàn Quốc ngay từ những ngày đầu xảy ra tại nạn nên ngay trong ngày đầu tiên xuống Jindo, phóng viên đã liên hệ với người dân địa phương để bố trí chỗ ăn nghỉ nhằm tránh sự chú ý quá mức của báo chí tại hiện trường.

Bà Cha Yeon-han, Trưởng thôn Yuong-do, xã Jindo, quận Jindo, tỉnh Chonlanam-do, người đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho phóng viên và gia đình chị Thanh tại chính nhà của mình, nói: “Nỗi đau của gia đình ông Chạy cũng chính là nỗi đau của người dân Hàn Quốc chúng tôi. Nếu có việc gì có thể giúp gia đình ông ấy vơi bớt nỗi đau này, hãy cho chúng tôi biết.”

Những ngày sau đó, bà Cha Yeon-han cũng như bao tình nguyện viên của Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Jindo, các tổ chức từ thiện, y tế Hàn Quốc… tiếp tục đến thăm hỏi, động viên, mang đồ ăn, vật dụng cá nhân… đến cho gia đình ông Chạy với sự tận tụy và thành tâm như những người thân trong gia đình.

Nỗi đau xé lòng của gia đình Việt có con gái trên phà SEWOL ảnh 2Gia đình các nạn nhân trong vụ chìm phà SEWOL ngóng chờ tin tức người thân tại Nhà thi đấu quận Jindo. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Khi gia đình ông Chạy chuyển đến ở tại Nhà thi đấu quận Jindo, đối diện với cảnh hàng trăm gia đình Hàn Quốc đang chờ đợi tin tức cứu hộ người thân trong tuyệt vọng, niềm đau của ông và người con gái út dường như nhân lên gấp bội.

Cứ khoảng bốn tiếng một lần, hàng trăm gia đình lại hướng lên màn hình để nghe thông tin nhận dạng các thi thể đã trục vớt được. Không khí trầm lặng đến run sợ, chốc chốc lại bị xé toang bởi tiếng gào thét thảm thiết của người thân khi biết tin đã vớt được thi thể con em mình.

Những lúc đó, ông Chạy, người đàn ông với nước da ngăm đen rắn chắc của một ngư dân vùng biển Cà Mau, cũng không kìm được nước mắt. Nhưng ông vẫn cố gắng nén lại để động viên cô con gái út vốn đã kiệt sức vì quá đau buồn và phải cấp cứu nhiều lần.

Những lúc bình tĩnh, chị Hạnh chia sẻ: “Dẫu biết rằng điều kỳ diệu rất khó xảy ra, nhưng em và gia đình vẫn nuôi hy vọng, sống thì gặp người, chết thì phải thấy xác.”

Rồi những tin tức về chị Thanh cũng đã đến. Vào lúc 21 giờ 58 ngày 23/4, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thi thể của chị với số hiệu là hành khách thứ 159 tử nạn. Trong suốt đoạn đường từ Nhà thi đấu quận Jindo ra bờ biển Bengmok, nắm chặt tay chúng tôi, ông Chạy vẫn luôn động viên “chú không sao đâu… chú không sao đâu.”

Nhưng đến khi nhìn thấy mặt con, ông đã bật khóc. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén, bao nhiêu áp lực của việc chờ đợi trong tuyệt vọng đã vỡ òa. Chị Hạnh, con gái út của ông thì ngất lên ngất xuống khi nhìn thấy thi thể chị gái với tiếng gào thiết thảm thiết “Sao không đi máy bay mà lại đi tàu.”

Nỗi đau xé lòng của gia đình Việt có con gái trên phà SEWOL ảnh 3Chị Hạnh phải cần đến sự chăm sóc của y bác sỹ sau khi biết tin lực lượng chức năng đã tìm được thi thể chị gái mình. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Bước sang ngày 24/4, ngày thứ chín và là ngày cuối cùng tổ chức công tác cứu hộ nạn nhân để chuyển sang giai đoạn trục vớt phà, chính quyền Hàn Quốc đã huy động tổng lực các lực lượng để tiếp tục tìm kiếm tại tầng ba, tầng bốn của chiếc phà. Tính đến 16 giờ cùng ngày, đã vớt được thêm 12 thi thể, nâng tổng số người bị thiệt mạng lên 171 người.

Gia đình ông Chạy lại tiếp tục chờ đợi những tin tức về con rể và cháu trai. Còn những tình nguyện viên Việt Nam lại tiếp tục hàng ngày viết tiếp những lời cầu chúc điều thần kỳ trên những “tấm thiệp màu vàng hy vọng” dán trước cửa chính Nhà thi đấu quận Jindo. Cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với ông và gia đình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục