Nơi tìm về của người lính Vị Xuyên trong những ngày tháng Bảy

Những người lính trở về từ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) mong muốn Đảng, Nhà nước, quân đội, các đơn vị tiếp tục tìm kiếm hài cốt đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa.
Nơi tìm về của người lính Vị Xuyên trong những ngày tháng Bảy ảnh 1Một cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã nằm lại lại Mặt trận Vị Xuyên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Những ngày trung tuần tháng Bảy, từng đoàn xe đưa các nhóm người, cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước cùng tìm về Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Nơi đây hơn ba thập kỷ trước, mưa bom bão đạn đã đổ xuống, biết bao anh hùng liệt sỹ đã nằm lại để giữ lấy từng tấc đất thiêng liêng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những chiến công ấy đã ghi vào lịch sử chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Vị Xuyên, Hà Giang) từ sáng sớm 12/7, ông Nguyễn Quang Huy - cựu chiến binh Sư đoàn 365 và 314 tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa - bồi hồi nhớ lại hơn 30 năm trước, Mặt trận Vị Xuyên luôn là nơi hứng chịu rất nhiều đạn, pháo, hỏa lực mạnh của đối phương. Những điểm cao 1509, 1200, 772, 685 ngày trước đạn cày đi xới lại, đất trời nhuốm một màu xám xịt. Tại điểm cao 685, đá hóa thành vôi.

Với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử," hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, hầu hết đều ở độ tuổi thanh xuân. Hiện nay, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là nơi quy tụ gần 1.900 phần mộ các anh hùng liệt sỹ.

[Vị Xuyên - Chốn linh thiêng trên miền biên ải phía Bắc Tổ quốc]

Theo Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang), bộ đội hy sinh chủ yếu ở địa bàn rừng núi hoang vu hẻo lánh, núi cao, vực sâu, bị pháo cày xới hoặc bị mưa lũ xói mòn làm thay đổi địa hình. Thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ ngày càng khó khăn. Mặt khác, trên địa bàn còn sót nhiều vật cản, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Từ khi được thành lập đến nay (năm 2018), Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã tìm kiếm, quy tập trên 120 hài cốt liệt sỹ và 1 mộ tập thể.

Nơi tìm về của người lính Vị Xuyên trong những ngày tháng Bảy ảnh 2Thanh niên tình nguyện chăm sóc mộ phần các liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Huy bày tỏ: "Giờ đây, sau hơn 30 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lùi xa, đất bạc đã hóa xanh nhưng đồng đội của tôi còn nằm lại, bản thân tôi cũng như những người lính đã trở về từ Mặt trận Vị Xuyên đều mong muốn Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, quân đội, các đơn vị tiếp tục tìm kiếm hài cốt đồng đội của chúng tôi còn nằm lại nơi chiến trường xưa để đưa về quê nhà, đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên."

Là những người lính đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên năm xưa, ông Đỗ Đình Thành và ông Hoàng Hữu Thùy (đều quê Hưng Yên) xúc động chia sẻ đến thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những địa danh đã gắn bó cả thời tuổi trẻ, dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, hai ông và các đồng đội không kìm được nước mắt, nhớ về một thời máu lửa.

Được gặp lại những đồng đội năm xưa, ôn lại chuyện cũ, được thắp cho những anh em còn nằm lại nén hương thơm là những cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.

Các ông cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân đã quan tâm, xây dựng, tu sửa Đền thờ Liệt sỹ điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và một số nơi khác. Đây là biểu hiện sinh động cho việc ghi nhớ công lao, sự hy sinh của những chiến sỹ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian vừa qua, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên đã được tôn tạo, mở rộng khang trang, là nơi an nghỉ của gần 1.900 anh hùng liệt sỹ, một mộ liệt sỹ tập thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục