Nông dân Việt hội nhập: Nước mắt, mồ hôi vẫn nặng trĩu trên vai

Đất nước vào hội nhập là một thực tiễn khách quan, song làm thế nào để có thể chủ động và đàng hoàng “bơi ra biển lớn” thì đó vẫn là câu chuyện còn khá xa vời cho người nông dân Việt
Nông dân Việt hội nhập: Nước mắt, mồ hôi vẫn nặng trĩu trên vai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Hạnh phúc” trên đồng ruộng có lẽ vẫn tiếp tục là giấc mơ đối với bao người nông dân chân lấm, tay bùn. Bởi, đất nước vào hội nhập là một thực tiễn khách quan, song làm thế nào để có thể chủ động và đàng hoàng “bơi ra biển lớn” thì đó là câu chuyện còn khá xa vời cho người nông dân Việt Nam.


"Tịt" thông tin thị trường

Nói đến Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) thì người dân Việt Nam hầu như đều biết đây là vùng đất của vải thiều, loại cây trồng thế mạnh của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân nơi đây.

Song “thần tài” không phải lúc nào cũng mỉm cười với họ, khi mà cứ phải lo thon thót từng mùa, năm may thì trúng giá, năm rủi thì bán "tháo chạy" không kịp.

“Được mùa, mất giá là đương nhiên,” điều này đã đi vào tiềm thức ông Lê Văn Sáu (Lục Ngạn-Bắc Ngạn) sau hơn 20 năm gắn bó với cây vải thiều, “những năm 2002-2003, 2006-2007 chúng tôi điêu đứng vì thị trường thu mua quá rẻ mạt. Ba năm gần đây, thương lái Trung Quốc thu mua vải thiều rất mạnh, nhờ đó thu nhập cũng khả quan. Với diện tích đất trồng 2 mẫu (7.200 m2), năm nay gia đình tôi thu lãi về khoảng 100 triệu đồng.”

Tuy nhiên, nỗi lo về thị trường đầu ra lúc nào cũng canh cánh bên lòng, bởi theo ông Sáu, kinh doanh với tư thương Trung Quốc rất thất thường, bên cạnh đó cũng hay bị ép giá. Song bán ở thị trường trong nước thì không ăn thua, bởi chi phí trung gian (như vận chuyển, bán lẻ…) quá lớn.

“Chi phí vận chuyển từ Bắc Giang vào tới Thành phố Hồ Chí Minh, giá một kg vải tăng gấp đôi, chưa kể qua các khâu trung gian bán buôn, bán lẻ khiến sản phẩm đội giá gấp bội,” ông Sáu nói.

Về công tác hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, mở rộng thị trường từ các cơ quan chức năng, hội ngành, ông Sáu cho biết, “họ chỉ được hướng dẫn về kỹ thuật cây trồng, còn những thông tin dự báo về thị trường đầu ra thì chúng tôi không được hay biết. Do đó, người nông dân như tôi chỉ biết trồng trọt, đến mùa thị trường phản ứng ra sao cũng phải chịu, chỉ còn biết thuận theo sự may, rủi thôi.”

Câu chuyện trên trở nên quá quen thuộc với mỗi người nông dân Việt Nam. Trong tháng Sáu vừa qua, các nhà vườn tại Hậu Giang, Tiền Giang vừa trải qua một vụ mùa “đong đầy nước mắt” khi mà trái dâu bòn bon chỉ được thương lái thu mua 1.000 đồng/kg, xoài 5.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 3.000-5.000 đồng/kg, măng cụt, xoài, mít, chôm chôm… giá cũng giảm một nửa so với đầu mùa, mà bán ra cũng không dễ.

Nhiều chủ vườn thậm chí còn chấp nhận để mặc quả rụng đầy gốc, bởi không đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch.

Nông dân Việt hội nhập: Nước mắt, mồ hôi vẫn nặng trĩu trên vai ảnh 2Người dân huyện Lục Ngạn thu hoạch tại vườn. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Quanh quẩn “trong ao” vì chất lượng thấp

Sắn cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sau gạo và cà phê. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai thế giới về sắn và các sản phẩm từ sắn (sau Thái Lan) thu được 1,35 tỷ USD [số liệu từ Hiệp hội Sắn Việt Nam.]

Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam chỉ ra, tính đến cuối tháng 6/2014, tồn kho sắn lát của Việt Nam khoảng 300.000 tấn. Bên cạnh đó, giao dịch tinh bột sắn cũng trầm lắng do các doanh nghiệp không thỏa thuận được đầu ra cho các đơn đặt hàng mới. Ước tồn kho tinh bột sắn Việt Nam đến 20/6 khoảng 150 nghìn tấn trong đó có đơn vị tồn nhiều nhất cũng phải trên dưới 20 nghìn tấn.

Ông Hà cũng cho hay, vì tình trạng công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu nên chất lượng sản phẩm tinh bột sắn sản xuất của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình, so với Thái lan còn thua về độ trắng, tạp chất, độ mịn …

“Thị trường tinh bột sắn, sắn lát Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nhưng thời gian gần đây, Trung quốc chuyển sang mua hàng từ Thái lan, trong khi trước đây họ mua hàng của Việt Nam là chủ yếu.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu mở rộng một số thị trường khác như Nhật, Hàn Quốc, Nga… nhưng khối lượng xuất khẩu không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò. Những thị trường này đặc biệt khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và nghiêm ngặt về các chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi sản phẩm Việt Nam chưa đáp ứng được,” ông Hà cho biết.

Đồng tình với nhận định trên, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, do đặc điểm ruộng đất tại Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, khả năng tích tụ ruộng đất thấp nên nông sản Việt Nam gặp nhiều yếu kém.

Dẫn đến, chất lượng nông sản không đồng đều, mẫu mã không đồng nhất, không ổn định.  Bên cạnh đó, việc không kiểm soát được các dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu đã khiến các sản phẩm nông sản chưa đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Ngoài ra, ông Hương cũng chỉ ra thực tế, các hộ sản xuất đã không đảm bảo việc thực hiện các chứng nhận quốc tế cho nông sản như GlobalGap…, công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Thêm vào đó, khâu chế biến sau thu hoạch còn rất yếu kém, máy móc chế biến nông sản thiếu tính đa dạng, công nghệ thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu thế giới. Đa số các sản phẩm sản xuất ra chưa hội đủ các chứng nhận quốc tế để có thể bán vào các thị trường khó tính nhưng bền vững.

“Muốn mở rộng thị trường thì chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ bổ sung cho nhau, từ Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân đều phải theo quy luật kinh tế thị trường và toàn cầu hóa,” ông Hương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục