Đến thời điểm này, mặc dù đã cận kề mùa thu hoạch vải chính vụ (20/6-20/7), tuy nhiên, hầu hết các hộ dân trồng vải tại tỉnh Bắc Giang vẫn đang “vò đầu bứt tai” với nỗi trăn trở làm sao bán ra hết hàng và không bị mất giá.
Điệp khúc được mùa, mất giá
Theo đánh giá của các huyện và các ngành chức năng trong tỉnh Bắc Giang, năm 2014, thời tiết không thuận lợi trong thời điểm cây vải ra hoa và kết trái, tuy nhiên với sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao theo dõi tình hình của các ban ngành, sản lượng vải vẫn đạt lớn. Ước sản lượng vải năm 2014 đạt trên 140.000 tấn quả tươi; cao hơn so với năm 2013 khoảng 5.000 tấn.
Với đặc tính, vụ thu hoạch vải thiều chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (bán trong ngày và thu hoạch trong vòng 1 tháng) trong khi sản lượng thu hoạch lớn, thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, việc mua bán còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái nên giá bán sản phẩm trong ngày không ổn định.
Anh Đỗ Văn Thắng (thôn Trại 3, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) chủ hộ trồng hơn nửa hécta vải cho biết, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 6,5-7 tấn vải/mùa, tuy nhiên, hầu hết việc thu mua đều bán thông qua các thương lái, mỗi tạ vải lại bị chiết khấu mất từ 8-10kg.
“Chỉ 1 người mua mà có đến cả nghìn người bán, tình trạng này khiến người dân thường bị ép giá do không thể không bán khi hàng đã thu hoạch về trong khi thiếu các kho bảo quản. Đặc biệt, nhà nào bán chậm thì sẽ bị tụt giá, theo kiểu nếu đầu buổi sáng giá 20.000 đồng/kg thì buổi trưa chỉ còn 12.000 - 15.000 đồng/kg và nếu để lâu thì vải sẽ hỏng,” anh Thắng chia sẻ.
Nêu rõ nguyện vọng của mình, anh Đỗ Văn Thắng cho hay, các hộ trồng vải hy vọng chính quyền sẽ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm và ổn định giá của thị trường, nhằm tránh tình trạng người nông dân được mùa lại nơm nớp lo mất giá.
Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, vào mùa thu hoạch vải thiều, toàn huyện có khoảng 1.000 điểm thu mua lớn, nhỏ (chủ yếu là thu mua quả tươi) với khoảng 1.000 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua vải thiều. Việc bán, cân hàng không có hợp đồng ký kết giao kèo 2 bên, chủ yếu là tự thỏa thuận mua bán; do đó, thị trường thiếu tính ổn định.
“Năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng đầu tư; địa hình, mặt bằng sản xuất; sự chủ động về nước tưới, kinh nghiệm thâm canh... của các hộ dân trên địa bàn huyện còn chưa đồng đều, nên sản phẩm thiếu sự đồng đều về chất lượng, dẫn đến giá vải thiều có sự chênh lệch cao từ 7.000 - 32.0000 đồng/kg,” Chủ tịch Trần Quang Tấn nói.
Giải pháp đồng bộ
Đứng trước tình hình trên, các ban ngành chức năng của các địa phương đã cùng nhau xây dựng nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho người nông dân trong mùa vụ thu hoạch vải năm nay.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo ngành ngân hàng cần tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ tài chính, tín dụng, thanh toán... tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo chủ trương kích cầu của Chính phủ để thu mua, chế biến vải thiều.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu chi nhánh Hải quan tỉnh phối hợp với Hải quan các cửa khẩu biên giới tạo điều kiện về giấy tờ thủ tục một cách nhanh chóng, thuận lợi khi xuất khẩu vải thiều qua biên giới như tại cửa khẩu Kim Thành-Lào Cai, cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn...
Cùng với đó, các địa phương cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ cân không được trừ lùi cân (trừ hao trọng lượng lá, cành, quả dập nát), tránh gây thiệt hại cho người bán; nâng cấp các đường giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa và ưu tiên cung cấp điện đầy đủ cho các huyện có sản lượng tiêu thụ vải lớn đồng thời kiểm tra các hệ thống đường dây điện bắc qua đường để không cản trở xe container và các xe chuyên chở vận chuyển lưu thông hàng hóa .
Nhấn mạnh thêm về công tác đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Dương Văn Thái yêu cầu các địa phương cần hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để kéo dài thời vụ và bảo quản vải thiều sau thu hoạch bảo đảm chất lượng; hướng phát triển xây dựng thương hiệu vải với những sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm bớt lệ thuộc vào thị trường truyền thống.
Thông qua đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các đơn vị, các tỉnh cần tăng cường hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang trong công tác thông tin xúc tiến, quảng bá thương hiệu vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân trong việc vận chuyển, bảo quản, tìm đối tác và tiêu thụ vải thiều.
“Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ có sự kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, tìm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho quả vải thiều đồng thời phối hợp với bộ Công Thương về chương trình xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Úc…
Đặc biệt, địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu, có sự liên kết sâu hơn nữa giữa các doanh nghiệp và người nông dân, tạo chuỗi giá trị an toàn nâng cao giá trị gia tăng, cùng với đó hình thành các vùng quy hoạch nhằm đa dạng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao và có tính luân phiên mùa vụ,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ./.
Ước sản lượng thu hoạch vải thiều các huyện trên tỉnh Bắc Giang trong năm 2014, bao gồm: Huyện Lục Ngạn ước đạt 90.000 tấn, Lục Nam 25.000 tấn, Tân Yên 5.500 tấn, Lạng Giang 6.000 tấn, Yên Thế 11.400 tấn, Sơn Động 4.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh khoảng 17.500 tấn (chiếm 12%), vải chính vụ khoảng 124.400 tấn (chiếm 88%).
Dự kiến thời gian thu hoạch vải thiều: vải sớm từ 2/6 đến 20/6 (tập trung chủ yếu ở Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn), vải chính vụ từ 20/6 đến 20/7.