'Nước cờ sai lầm' của Nga trong cuộc chiến dầu mỏ

Cùng với sự lây lan của đại dịch COVID-19, giá dầu trên thế giới giảm mạnh đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nga và trong tương lai gần, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
'Nước cờ sai lầm' của Nga trong cuộc chiến dầu mỏ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo Forbes.ru, giá dầu giảm là một cú đánh căng thẳng trực diện quy mô lớn đối với nền kinh tế và hệ thống chính trị ở Nga. Đây là đánh giá được tổng hợp trong các bài phân tích đăng gần đây trên trang mạng Forbes.ru.

Những toan tính sai lầm

Đà lao dốc không phanh của giá dầu sau sự sụp đổ của liên minh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, là sự kiện được quan tâm nhất trong ngành công nghiệp dầu khí kể từ đầu năm đến nay. Đây hoàn toàn không phải là điều bất ngờ. Những kịch bản như vậy đã được xem xét ở Nga và vẫn còn nằm trong tiềm thức. Tuy nhiên, mọi thứ đã xảy ra ở định dạng nghiêm trọng nhất.

Về bản chất, trong một nền kinh tế hành vi, điều chính yếu không phải là các tính toán và mô hình kinh tế, không phải là tương quan của nhu cầu thực và nguồn cung thực sự, mà là phản ứng của các thực thể kinh tế đối với tin tức. Ở đây, sự sụp đổ của việc đi đến một thỏa thuận đã trở thành tác nhân khiến giá dầu lao dốc.

Phần lớn, đây là một sản phẩm của sự hỗn loạn đến từ Saudi Arabia. Bộ trưởng Năng lượng của nước này Abdulazis bin Salman đã đến dự cuộc họp của OPEC+ với tối hậu thư mà Nga không thể đáp ứng.

Người Saudi Arabia hiểu điều này rất rõ và bắt đầu tích cực cung cấp dầu cho người tiêu dùng châu Âu của họ với mức giá giảm và siêu khuyến mãi.

Trên thực tế, Saudi Arabia đã tuyên chiến với Nga, và đây không phải là định nghĩa quá thảm hại cho đến khi xuất hiện những yếu tố không lường trước được khác.

Virus SARS-CoV-2 đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu ở Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, nhu cầu của họ không tăng - điều này là hiển nhiên. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc bắt đầu giảm tiêu thụ dầu của Saudi Arabia. Điều này đã không ảnh hưởng đến dầu của Nga - sản phẩm được cho là phù hợp hơn với các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và châu Âu. Vì lẽ đó, người Saudi cố gắng đánh bật dầu của Nga thông qua việc giảm giá mạnh.

Trong khi đó, đối với nước Nga, có một điều khá ngạc nhiên đó là các chính sách của Nga được hình thành từ hai lập trường khá đối lập trong không gian kinh tế và chính trị. Đó là CEO của Tập đoàn Rosneft Igor Sechin và Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Trong khi Rosneft đặc biệt không che giấu lập trường của mình là muốn tăng sản lượng khai thác, Bộ trưởng Anton Siluanov ngay từ đầu năm 2020 đã liên tục nhấn mạnh rằng Nga đã hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến giá cả, thậm chí với giá dầu ở mức 30 USD/thùng.

Tuy nhiên, sự thật là các lý lẽ và quan trọng nhất là động cơ của mỗi người lại hoàn toàn khác nhau. CEO Igor Sechin ban đầu muốn chống lại thỏa thuận và liên tục đề xuất về điều này với Tổng thống Vladimir Putin.

Cuối năm 2019, trong bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn ở Verona, ông Sechin đã trình bày một lập luận mới của mình, đó là OPEC+ hoàn toàn không có ảnh hưởng đến giá cả mà ở đây, cơ chế giá được hình thành thông qua sự kết hợp của bốn công cụ.

Bốn công cụ đó là: sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch thanh toán trên thị trường dầu mỏ (chiếm tới 90% thương mại dầu và các chế phẩm dầu mỏ); việc sử dụng tích cực các cơ chế tương lai; cơ hội mới cho xuất khẩu dầu đá phiến Mỹ và trừng phạt chính trị chống lại các nước sản xuất dầu khác.

Với lập luận đó thì chìa khóa của thị trường dầu mỏ đều nằm ở Washington. Vì vậy, CEO Igor Sechin đã lập luận rằng Moskva không cần cắt giảm sản xuất cùng với người Saudi Arabia, mà cần đấu tranh chống lại sự thống trị của Mỹ. Trong bối cảnh đó, chính dầu đá phiến của Mỹ là đối thủ cạnh tranh chiến lược của các loại dầu nhẹ Nga, trong khi Rosneft là công ty hàng đầu trong sản xuất loại dầu này.

Trong khi đó, động cơ của Bộ trưởng Siluanov lại khó hiểu hơn nhiều. Thoạt nhìn, thỏa thuận OPEC+ nhằm làm tăng giá dầu thế giới hoàn toàn tương ứng với tiến trình tự do của chính phủ. Dưới thời Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, Chính phủ Nga đã đề xuất tối đa hóa dự trữ, bao gồm tước bỏ tất cả doanh thu bổ sung từ môi trường giá dầu cao của các công ty dầu khí quốc doanh để làm lợi cho ngân sách. Quỹ dự trữ được hình thành nhằm giúp ổn định ngân sách khi giá dầu giảm.

Kết quả là trong thời gian tồn tại thỏa thuận OPEC+, các nhà tài chính tự do của Nga trong chính phủ có nhiều khả năng giành chiến thắng, vì giá dầu hợp lý giúp đảm bảo thu ngân sách ổn định và không tạo ra rủi ro mất giá cũng như mối đe dọa chung đối với sự ổn định tài chính.

Tuy nhiên, khi Quỹ phúc lợi quốc gia đạt 7% GDP, hoạt động tích cực của những người vận động hành lang muốn tiếp cận với số tiền này để thực hiện các dự án của họ (Sechin với nhà máy đóng tàu Zvezda, Rotenberg và Gazprom với dự án của họ ở Ust-Luga, Tập đoàn Đường sắt Nga với ý tưởng phát triển vận tải hành khách tốc độ, Novatek với các dự án LNG, Rosatom với dự án Tuyến đường hàng hải phía Bắc...) đã trở thành một vấn đề lớn đối với Bộ Tài chính và ban quản trị quỹ. Vì theo triết lý của họ, dự trữ ở mức lớn như vậy mới là có giá trị.

Cựu Bộ trưởng Kudrin kịch liệt chống lại việc sử dụng dự trữ vì các mục tiêu trong nước. Theo ông, điều này chỉ làm tăng lạm phát và tham nhũng.

Kết quả là tích trữ đã trở thành mục đích tự thân của chính các nhà tự do chính phủ. Trái phiếu Mỹ được phục vụ như một cách lý tưởng để duy trì nguồn dự trữ. Ngay cả sau khi lấy lại Crimea, khối lượng dự trữ của Nga được duy trì bằng cách nắm giữ trái phiếu Mỹ đã vượt quá 100 tỷ USD. Nhưng về mặt chính trị, cơ chế này lại trở thành đề tài gây tranh cãi mà những nhà vận động hành lang theo các ngành đã chỉ ra điều này với ông Putin. Sau đó, người ta lại buộc phải bán trái phiếu. Các lệnh trừng phạt cho phép những người vận động hành lang nhận tiền từ Quỹ phúc lợi quốc gia như một dạng ngoại lệ ngay cả trước khi Quỹ này đạt đến ngưỡng 7% GDP theo quy định.

Do đó, khối tài chính và kinh tế vĩ mô bắt đầu gặp khó khăn hơn để bảo vệ dự trữ. Dường như, trong lập trường của họ, khái niệm “không cho bất cứ ai” bắt đầu thắng thế.

Một biểu hiện của nguyên tắc này là kế hoạch bất ngờ của Chính phủ trong việc dùng tiền của Quỹ phúc lợi quốc gia để mua lại ngân hàng Sberbank từ Ngân hàng Trung ương.

Như vậy, hai nhà lãnh đạo Sechin và Siluanov, mỗi người vì lý do riêng của mình, đã thuyết phục ông Putin rằng việc rút khỏi thỏa thuận là không quá tệ đối với Nga. Moskva đã chấp nhận tối hậu thư của Saudi Arabia và tham gia vào cuộc chiến dầu mỏ. Trong bối cảnh đó, tất nhiên, họ sẽ phải chiến đấu trên cả hai mặt trận, đó là với Saudi Arabia và Mỹ.

Chiến lược của Nga hoàn toàn có thể hiểu được. Trong trường hợp với Mỹ, Moskva hy vọng rằng các nhà sản xuất đá phiến Mỹ sẽ không chịu được mức giá thấp. Chi phí trung bình của việc sản xuất dầu đá phiến là khoảng 45 USD. Trong khi đó, Nga có chi phí sản xuất ở Tây Siberia ngay cả bao gồm phí vận chuyển, vẫn chỉ ở mức dưới 25 USD/thùng chưa tính thuế. Thậm chí, một số công ty dầu quốc doanh khác còn tự hào nói về mức giá khai thác dưới 10 USD/thùng.

Tuy nhiên, sự thật là những tính toán này có thể là thiếu sót. Mỹ sở hữu khả năng to lớn để hỗ trợ cho ngành dầu khí đá phiến của họ. Thật ngây thơ khi nghĩ rằng họ sẽ không làm như vậy. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã chứng minh rằng Washington sẵn sàng cứu doanh nghiệp tư nhân. Đối với Tổng thống Trump, dầu khí đá phiến vừa là tăng trưởng kinh tế, vừa là việc làm ở các bang có đông đảo cử tri ủng hộ ông.

Trong nhiều năm, báo chí Nga được nuôi dưỡng bởi những câu chuyện về sự phá sản quy mô lớn của dầu khí đá phiến Mỹ, nhưng thực tế, hoạt động sản xuất của họ vẫn đang phát triển. Các nhà sản xuất Mỹ có thể gặp khó khăn nhẹ, ức chế tăng trưởng có thể được dự kiến, nhưng họ hoàn toàn không sụp đổ.

Còn đối với Saudi Arbia, nước này đã không công bố ngân sách của mình. Do đó, tất cả các số liệu được rút ra không phải từ tài liệu chính thức, mà từ các nhà phân tích bên ngoài, chủ yếu là phương Tây và không phải là mới nhất. Có thể người Saudi Arabia sẽ chi tiêu ít hơn, chủ yếu cho các cuộc chiến ủy nhiệm và các câu chuyện địa chính trị khác, song điều này cũng không đến nỗi tệ.

Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng khai thác của Saudi Arabia cao hơn 2 triệu thùng so với Nga và điều này sẽ mang lại cho họ một dòng tiền bổ sung. Nga cần phải dựa vào nhu cầu về Urals từ các nhà tiêu dùng châu Âu.

Cách tiếp cận khác biệt

Chiến tranh sẽ không đơn giản. Giá dầu giảm là một cú đánh căng thẳng trực diện rất mạnh đối với toàn bộ nền kinh tế Nga, cũng như hệ thống chính trị. Nhưng điều đặc biệt thú vị là chiến lược sản xuất trong ngành dầu mỏ sẽ bắt đầu thay đổi như thế nào. Và ở đây, lập trường của hai nhà lãnh đạo Sechin và Siluanov lại khác biệt như hai đường thẳng song song.

CEO Igor Sechin khẳng định rằng bây giờ cần phải quay lại trợ cấp sản xuất. Ông lấy lý do giá dầu thấp để lập luận cho việc cần phải tăng khối lượng lợi ích và hỗ trợ nhà nước khác cho các công ty dầu khí. Rốt cuộc, nếu Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh về giá dầu, thì phải có nhiều dầu nhất có thể. Cần làm tràn ngập thị trường bằng dầu mỏ, vượt qua cả Saudi Arabia và người Mỹ, cũng như tất cả các đối thủ cạnh tranh khác. Khi đó, Moskva sẽ có thể chiếm thị trường, chờ đợi sự phá sản của đối thủ và phục hồi giá.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đề xuất cách tiếp cận ngược lại. Trong thời kỳ khủng hoảng, Moskva nên ngừng chi tiêu dự trữ cho các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành có chi phí sản xuất cao. Theo cách hiểu này, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi dành tiền dự trữ cho các dự án tốn kém như phát triển các mỏ ở Bắc Cực, trong khi việc sản xuất quá mức dầu vẫn được duy trì trên thế giới và người mua sẽ thanh toán dài hạn cho nhà cung cấp tài nguyên hydrocarbon với số lượng lớn.

Quyết định tất nhiên thuộc về Tổng thống Putin song đây là sự lựa chọn không đơn giản. Một mặt, có một sự cám dỗ khi tham gia vào một trò chơi năng lượng để cảm thấy mình ở đỉnh cao của ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới trong tương lai. Mặt khác, một đặt cược sai lầm có thể đốt hết tất cả các khoản dự trữ và không thu lại được gì. Rất tiếc, một vấn đề nan giải như vậy không được đề cập trong Chiến lược năng lượng. Mặc dù điều này quyết định phần lớn tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước của “xứ Bạch Dương."

Hậu quả nhãn tiền

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày, qua đó làm vô hiệu hóa một thập kỷ tăng trưởng tiêu thụ. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay. Kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 5,9%, trong khi tăng trưởng của toàn bộ khu vực đồng euro sẽ thu hẹp 7,5%. Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế mà IMF tin rằng có thể tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 1,2% mà IMF dự kiến là một sự chậm lại đáng kể so với sự phát triển kinh tế của nước này trong những năm trước.

Trong bối cảnh đó, cú sốc về nguồn cung dầu sẽ ngày càng có vẻ khó khăn khi COVID-19 ào đến và gây ra rối loạn thị trường nghiêm trọng. Do đó, bất kể các hành động tiếp theo của OPEC+ là gì, thế giới đang hướng tới một thị trường với nguồn cung vượt cầu ở mức đáng kinh ngạc và thời kỳ giá dầu giảm đáng kể. Tốc độ phục hồi của giá dầu phụ thuộc chủ yếu vào cách thức virus lây lan và biện pháp nào sẽ được thực hiện để ngăn chặn nó.

Cú sốc chưa từng có hiện nay về nhu cầu dầu mỏ và sự sụp đổ về giá có thể dẫn đến cú sốc cung tiêu cực lớn và giá cả tăng vọt. Quá trình phá hoại này có thể để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với ngành năng lượng toàn cầu và các quá trình địa chính trị liên quan, tạo ra áp lực lạm phát khi hoạt động kinh tế bắt đầu hồi phục sau kiểm dịch và ảnh hưởng đến cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu.

Hậu quả toàn cầu của việc đóng cửa các doanh nghiệp do COVID-19 gây ra vẫn hoàn toàn không rõ ràng, điều đó có nghĩa là không biết khi nào thời kỳ giá dầu thấp sẽ kết thúc. Tính năng phân biệt chính của thị trường dầu là thành phần vật lý. Dầu không giống như chứng khoán, và sự tự tin sẽ không giúp được gì. Sự kiên trì sẽ không cho phép bạn đối phó với lượng dầu dư thừa thực sự với số lượng 5 triệu thùng mỗi ngày. Bạn sẽ không thể thuyết phục rằng thị trường dầu sẽ tăng trưởng và giá đang được giữ ở mức cần thiết, vì lượng cung cầu trên thị trường dầu mỏ và nguyên liệu thô là cơ sở của mọi thứ. Đây là sự khác biệt chính giữa thị trường này với thị trường chứng khoán nói chung.

Cú đòn đúp

Cùng với sự lây lan của đại dịch COVID-19, giá dầu trên thế giới giảm mạnh đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nga. Trong tương lai gần, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Những dự báo bi quan nhất cho thấy nền kinh tế Nga năm nay có thể giảm 10,2% và thu nhập thực tế của dân chúng giảm 6,5%. Do đó, nhiệm vụ phát triển một chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là vô cùng cấp thiết hiện nay.

Có ba yếu tố cần quan tâm khi ước tính sơ bộ về thiệt hại nêu trên. Đầu tiên, sự giảm giá đối với hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Nga. Dựa trên giá dầu Urals trung bình hàng năm trong năm 2019 ở mức 63,6 USD/thùng và giá trị xuất khẩu năng lượng đạt 262 tỷ USD, chúng ta có thể giả định rằng, với mức giá 35 USD/thùng (cho đến nay có vẻ vẫn là một kịch bản rất tốt) và sản lượng giảm bằng 12-15% (theo yêu cầu của thỏa thuận OPEC+, với điều kiện là nó sẽ không có hiệu lực trong cả năm), doanh thu từ xuất khẩu dầu thô sẽ giảm 130 tỷ USD (tương đương 9.500 tỷ ruble, tức là 9,1% GDP của Nga). Cùng với đó, điều này cũng dẫn đến tổn thất về thuế (4.000-5.000 tỷ ruble) và làm giảm lợi nhuận của các nhà cung cấp cho các ngành năng lượng và phụ trợ.

Yếu tố thứ hai là đóng cửa các doanh nghiệp và "đóng cửa" toàn bộ các ngành công nghiệp liên quan đến dịch bệnh. Điều này kéo dài từ cuối tháng Ba đến giữa tháng Năm. Có thể đánh giá hoạt động kinh tế trong giai đoạn này sẽ giảm 40-60% - điều đó có nghĩa là trong kịch bản tốt nhất, GDP sẽ giảm 5-6%.

Yếu tố thứ ba là ảnh hưởng của các yếu tố thứ nhất và thứ hai đối với các lĩnh vực tương đối ít bị ảnh hưởng, tức là một loại hiệu ứng nhân sốc. Ước tính, thiệt hại sẽ vào khoảng 3-4% GDP. Nói cách khác, quy mô của cú đòn đúp nói trên đối với nền kinh tế của Nga là rất lớn. Nếu không thực hiện bất kỳ biện pháp đối phó nào, thì việc giảm 18-20% GDP có vẻ khá thực tế.

Điều gì có thể và nên là phản ứng của chính quyền đối với những gì đang xảy ra? Kinh nghiệm của các nước phương Tây và Nga sau khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng 2008-2009, nói lên sự ủng hộ đối với việc dồn tiền quy mô lớn vào nền kinh tế.

Ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu được ghi nhận ở Mỹ và châu Âu, các quốc gia này đã phê duyệt các chương trình khuyến khích, với khối lượng từ 8-12% GDP - và tiền đã bắt đầu chảy vào nền kinh tế. Phản ứng này nhằm vào việc rót tiền vào các cuộc khủng hoảng, bù đắp cho sự mất mát của các thực thể kinh tế.

Tuy nhiên, dường như Nga không đủ khả năng để chi khoản tiền lớn như Mỹ và các nước châu Âu, nhưng nếu chính quyền không thể bù đắp ít nhất một nửa số thiệt hại cho dân chúng và doanh nghiệp, thì cuộc khủng hoảng có thể kéo dài và sự phục hồi kinh tế đáng kể sẽ không xảy ra vào năm 2021 hoặc thậm chí vào năm 2022. Do đó, khi phát triển một chương trình kích thích thực tế, cần bắt đầu từ nhu cầu huy động ít nhất 10.000-12.000 tỷ ruble.

[Cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu vẫn chưa thực sự kết thúc]

Vậy Moskva sẽ lấy những khoản tiền này từ đâu? Một trong những vấn đề tâm lý quan trọng nhất hiện nay là nguồn dự trữ hạn chế của Quỹ phúc lợi quốc gia. Mặc dù Điện Kremli không thích việc sử dụng Quỹ này, trong bối cảnh bây giờ, Moskva cần đề xuất một phản ứng toàn diện cho cuộc khủng hoảng.

Đầu tiên, tiền bù đắp thâm hụt (ước tính từ 4.000-5.500 tỷ ruble), phát sinh từ việc thiếu hụt thu nhập từ dầu khí và thuế của các cá nhân và pháp nhân, cần được lấy từ việc phát hành trái phiếu cho vay liên bang hàng tháng.

Trái phiếu này sẽ được các ngân hàng thương mại mua lại sau đó ngay lập tức cầm cố tại Ngân hàng trung ương Nga. Cơ chế này sẽ không làm tăng lạm phát, vì hoạt động cho vay sẽ được thực hiện với lãi suất thị trường vượt quá lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương và chỉ những khoản tiền lẽ ra phải có từ ngân sách theo các giới hạn được thiết lập trước đó mới được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, theo cách tương tự, ngân sách liên bang nên huy động vốn để tài trợ cho việc chuyển tiền vào ngân sách khu vực bị thâm hụt và Quỹ hưu trí của Liên bang Nga.

Hình thức vay này sẽ không trở nên nghiêm trọng đối với ngân sách vì hai lý do. Một mặt, nợ nhà nước của Nga cực kỳ thấp, chỉ ở mức 14.400 tỷ ruble (14,1% GDP), và do đó còn dư địa để tăng lên đáng kể. Mặt khác, chi phí dịch vụ, được thể hiện bằng lợi nhuận của Ngân hàng Nga, sẽ được rút miễn phí trở lại về ngân sách liên bang vào năm tới.

Thứ hai, cần sự hỗ trợ có mục tiêu nghiêm túc cho người dân và các khu vực bị ảnh hưởng của nền kinh tế. Hỗ trợ này có thể được thực hiện trong ba lĩnh vực.

'Nước cờ sai lầm' của Nga trong cuộc chiến dầu mỏ ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Một là chuyển tiền trực tiếp cho công dân thu nhập thấp (với mức thu nhập dưới 25.000 ruble) với số tiền bằng một nửa thu nhập hàng tháng của họ.

Hai là nhà nước thanh toán chi phí tiền lương cho nhân viên của những doanh nghiệp bị dừng vì lý do an toàn (hãng hàng không, công ty du lịch, nhà hàng, trung tâm thể dục, tất cả các doanh nghiệp khác có hoạt động bị cấm).

Ba là nhà nước cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, được bảo đảm bằng tài sản hoặc quyền tài sản với tỷ lệ lãi suất căn bản của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga + 1% trong thời gian ít nhất một năm. Người điều hành một chương trình như vậy có thể là Sberbank. Những biện pháp này sẽ giúp duy trì nhu cầu dung môi và tiếp tục công việc của một doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh sau khi các biện pháp cách ly và đóng cửa kinh tế được gỡ bỏ.

Nga không có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức hỗ trợ cho nền kinh tế trong khủng hoảng. Tính toán toàn diện duy nhất về số tiền đã được sử dụng trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 là vào khoảng trong 13,9% GDP. Tuy nhiên, điều này không ngăn được nền kinh tế Nga thiệt hại trong năm 2009 tới 7,9% GDP, nhiều nhất trong số các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). 

Giờ đây, khi tình hình thậm chí còn phức tạp hơn 12 năm trước, nước Nga không thể lặp lại những sai lầm đó. Điều này có nghĩa là hỗ trợ không nên được tài trợ độc quyền từ các quỹ dự trữ mà cần phải được thực hiện cực kỳ nhanh và không bị kéo dài theo thời gian. Cuối cùng, hỗ trợ cần được hướng tới người dân và lĩnh vực tư nhân hơn là các công ty "xương sống" chủ lực.

Tất nhiên, ngay cả khi cố gắng tiến gần hơn đến kế hoạch đề xuất, Moskva sẽ không thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trong năm nay. Nhưng nếu ở trong các kế hoạch đó lấy người dân làm trung tâm, chứ không phải các đầu sỏ chính trị, thì đất nước có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng không chỉ với ít tổn thất hơn mà còn với một “thỏa thuận” mới giữa giới tinh hoa và người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục