Những giọt nước mắt của Julio Cesar, David Luiz, Neymar và cả đội trưởng Thiago Silva ở loạt penalty thắng lợi trước Chile đã khiến cả nước Brazil lo lắng.
Không có một nhật báo hay một kênh truyền hình nào không phỏng vấn một nhà tâm lý, hoặc một ai đó đại loại thế, về những giọt nước mắt đã rơi, không hẳn chỉ vì hạnh phúc sau chiến thắng, mà như một cách giải tỏa tâm lý dồn nén trong suốt 120 phút căng thẳng, kịch tính và cả sợ hãi thất bại.
“Khóc thì có gì mà xấu?”
Graca tuyên bố mình là một người rất vững tim. Bà không tỏ ra sợ hãi, lo lắng hay có bất cứ điều gì căng thẳng trước các trận đấu của Brazil.
Là một người hâm mộ hơi thái quá đội tuyển vàng-xanh và lúc nào cũng nằm ghế salon xem tivi, không bỏ lỡ bất cứ một trận đấu nào của World Cup, bà chủ nhà to béo nơi tôi trọ khẳng định rằng, cách tốt nhất để người hâm mộ Brazil giảm stress là đừng tin rằng, đội tuyển sẽ vô địch.
Không phải thực tâm họ mong Brazil thất bại, mà đấy là mê tín, vì người ta tin rằng, càng nhắc đến một điều gì đó mà họ mong đợi, nó sẽ càng không xảy ra.
Còn làm thế nào để đội tuyển Brazil giảm được áp lực từ những trận đấu của họ, để nước mắt xả bớt nỗi sợ hãi thất bại? Graca: “Khóc thì sao chứ, có gì mà phải xấu hổ? Nếu khóc mà giảm bớt được sức ép thì việc gì phải dồn nén?”.
Graca có thể được coi là một bác sỹ tâm lý, đương nhiên, theo kiểu của bà. Ở đất nước có 200 triệu huấn luyện viên, và ai trong số đó cũng có thể gạt những bình luận viên nổi tiếng nhất đất nước sang bên để ngồi trước micro bình luận, cũng có 200 triệu nhà tâm lý. Ai cũng có thể sẵn sàng đóng góp cho Scolari hay Neymar một lời khuyên từ tận trái tim cách về việc làm thế nào để vượt qua sự căng thẳng và sợ hãi nhằm vươn tới chiến thắng.
Một ca sỹ, có lẽ không nổi tiếng lắm, được kênh Band phỏng vấn, đã nói rằng, một trong những cách giảm stress tốt nhất là cứ hát lên, hát to lên, không cần hay, mà chỉ cần cho “phổi nở ra.”
Sau trận đấu, trong phòng thay đồ, David Luiz, Thiago Silva, Neymar và vài đồng đội của họ đã hát như một lũ rồ dại trước camera của chương trình truyền hình “Mais você” cứ như thể họ vừa vô địch World Cup. Bài hát có đoạn, “giờ là lúc vui vẻ thôi/thật vui được chia sẻ cùng em.”
Một người khác được phỏng vấn trên đường bảo, hãy ngủ thật nhiều và đừng quên uống Coca-Cola. Một người dân khác thì tuyên bố rằng, mỗi khi ông bị stress, ông thường về ngủ với vợ và sáng hôm sau tỉnh dậy, luôn thấy đầu trong veo.
Trong khi ấy, Scolari thì có cách của riêng ông, đó là mời một bác sỹ tâm lý nổi tiếng đến đội để giúp các học trò của ông giải tỏa tâm lý.
Hồi World Cup 2002, chính bà bác sỹ tâm lý ấy cũng đã đóng quân trong trại của đội tuyển và góp phần giúp họ đoạt “O Penta” (Cúp vàng thứ 5). Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ngày ấy, hàng công Brazil có những Ronaldo, Rivaldo và Ronaldinho, còn ở phía dưới có những Roberto Carlos và Cafu. Bây giờ, ngoài Neymar, họ có ai?
Sự thật là Brazil, đội tuyển của những chàng trai thần kinh thép trước chấm phạt đền, đã từng chiến thắng nhiều trận bằng loạt đá cân não như thế trên con đường đến chức vô địch gần nhất vào các năm 1994 và 2002, chưa bao giờ căng thẳng đến thế trước chấm 11m.
Sự mong manh về tâm lý của Brazil, đội bóng đã phản ứng như những đứa trẻ sau trận gặp Chile, là một khía cạnh quan trọng để người ta đánh giá lại họ và xem xét tính khả thi của việc đoạt Cúp vàng ở World Cup này.
Huyền thoại Tostao, người đã cùng Pele và nhiều danh thủ khác đưa Brazil đến chức vô địch thế giới năm 1970, viết trên tờ Folha de Sao Paulo rằng, việc đánh bại Tây Ban Nha 3-0 trong trận chung kết Confederations Cup 2013 đã tạo ra quá nhiều kỳ vọng lên Brazil.
Việc được đăng cai World Cup càng tạo ra áp lực cho Brazil và việc đội tuyển Brazil được coi là ứng cử viên chẳng qua cũng chỉ vì họ là đội chủ nhà. Tostao kết luận: Brazil hầu như không có hàng tiền vệ, trong khi chất lượng nhân sự của cả đội đều thấp.
Huyền thoại Pele, hình như lâu lắm không được ai nhắc tới và World Cup này chỉ xuất hiện một cách hoành tráng trong các quảng cáo đồ ăn và siêu thị trên tivi, cũng lên tiếng. Ông bảo: “Cả một quốc gia phụ thuộc vào Neymar. Nếu là tôi, tôi sẽ triệu tập Kaka, Ronaldinho và Robinho để tăng thêm sức mạnh cũng như các phương án khác nhau cho hàng công.”
Đội tuyển khóc, người Brazil cũng mếu
Những lời nói thẳng của Tostao và Pele dễ khiến những người Brazil yếu đuối càng trở nên căng thẳng hơn nữa. Cả một đất nước hồi hộp, hoài nghi, lo lắng và sợ hãi vì đội tuyển cũng rất cần những bác sỹ tâm lý cho chính họ.
Sau trận thắng Chile, trên sân vận động Belo Horizonte, có một người đã chết vì trụy tim và 137 người được đưa vào bệnh viện vì lí do tương tự.
Ở ngoài sân, có 68 người được đưa đi cấp cứu. Số điện thoại cấp cứu khẩn được thông báo trên tivi và đài phát thanh cứ như Brazil là một đất nước của những kẻ cần trợ giúp đặc biệt bất cứ lúc nào.
Bây giờ là Colombia, đội bóng còn mạnh hơn Chile và Colombia gây ra những nỗi lo sợ. Nhưng thực ra, người Brazil lại sợ chính những cầu thủ của mình hơn, rằng họ không đủ nghị lực, bản lĩnh và cái đầu lạnh của những người đàn ông thực sự để vượt qua nỗi sợ hãi thất bại của chính mình.
Trái tim của người Brazil đã được trao gửi hết cho đội tuyển, và nếu trái tim đội tuyển ngừng đập, có lẽ cả nước này sẽ chìm trong hỗn loạn và đau khổ.
Nhật báo thể thao Lance viết rằng, ngay cả khi Brazil đá penalty với Italy trong trận chung kết World Cup 1994, người dân cũng không đến nỗi đau tim như vậy.
Và điều gì sẽ xảy ra, một khi trận đấu với Colombia lại trở thành địa ngục với những trái tim yếu đuối ở Brazil? Những tivi bị đập vỡ, những chiếc xe cấp cứu hú còi inh ỏi trên phố, những đường dây nóng cấp cứu rung lên liên tục, các bác sỹ phải trực chiến 24/24 nếu Brazil thua và số vụ tự tử tăng vọt?
Phải chờ trận đấu diễn ra mới biết được, nhưng có một điều được ghi nhận: Trái bóng, niềm vui chứng kiến World Cup và sự căng thẳng đã khiến người ta quên cả cưới. Số đám cưới giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca sinh trong tháng cũng giảm hẳn. Chỉ có số ca cấp cứu vì tim mạch tăng 30% và có thể sẽ còn tăng nữa.
World Cup đã khiến hầu như tất cả quên đi những vấn đề thường nhật mà họ phải đối mặt. Vật giá đã tăng từ 10-20% và chắc sẽ không xuống kể cả khi World Cup kết thúc. Và vẫn tiếp tục những câu chuyện dài tập không có hồi kết về sự quan liêu, như một thói quen, một phong cách sống, một bản sắc Brazil.
Một độc giả trên tuần báo Veja viết: “Bây giờ, cả đất nước này đang phát điên vì mấy cầu thủ yếu đuối rơi nước mắt và rồi cảm thấy căng thẳng vì chính những đứa trẻ khóc nhè ấy. Cả đất nước làm bác sỹ tâm lý cho họ vì một giải đấu, trong khi không một ai có thể giúp họ giải tỏa tâm lý vì một cuộc sống quá bức bí và bất công. Như tôi đây, tôi sắp phát điên vì phải chờ đến bốn tháng để hoàn tất thủ tục đóng cửa hàng, và trong thời gian ấy, tôi vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng. Ai có thể là bác sỹ tâm lý giúp tôi đây?”./.
Một đội tuyển sợ hãi, không, đấy không phải Brazil
Cả một đất nước nín thở trước chấm phạt đền ở trận gặp Chile, bây giờ lại nín thở một lần nữa cho trận đấu với Colombia. Không đơn giản, tất cả đều biết thế.
Gánh nặng kỳ vọng của cả một đất nước đang đè lên vai họ. Brazil là thế, có bao giờ họ vào World Cup mà lại không bị đè bẹp bởi những kỳ vọng đâu, nhưng tại sao bây giờ áp lực lại lớn đến thế? Brazil của một thứ bóng đá vui vẻ và nhảy múa trên sân bây giờ yếu đuối đến thế sao?
Regina Brandao, một bác sỹ tâm lý đã được triệu tập và Scolari tin rằng, vấn đề chủ yếu của đội tuyển là tâm lý chứ không phải kỹ thuật. Ông vẫn tin một cách tuyệt đối vào các cầu thủ mà mình lựa chọn. Ông không thể làm khác được. Ông đã chọn họ, và giờ, ông chỉ có cách khích lệ họ tối đa để Brazil thay đổi bộ mặt trong trận gặp Colombia.
Trước khi mời các bác sỹ tâm lý, “Felipao” đã viết những câu châm ngôn vào các mẩu giấy và đút dưới cửa phòng cầu thủ như ông đã làm trước trận chung kết Brazil-Đức ở World Cup 2002. Hồi đó, chiêu này hiệu nghiệm, vì Brazil đã đoạt “O Penta.”
Trước trận gặp Mexico, là một câu nói của nhà thần học người Anh George Ward “Người bi quan sợ gió, người lạc quan hy vọng vào những thay đổi, còn người thực tế chuẩn bị một con tàu.” Rồi những câu như “Đừng kiếm tìm những rắc rối, hãy tìm giải pháp, vì ai cũng có thể kêu ca,” và “Không thể xuất sắc chỉ một nửa.”
Trước trận đấu với Chile, là câu nói của Tổng thống Mỹ Reagan, đại ý là không hề có giới hạn cho những gì mà bạn sẽ làm hoặc sẽ đi nếu như bạn không quan tâm đến việc ai sẽ được hưởng thành quả. Scolari giống như một linh mục cho những tâm hồn sợ quỷ Satan như vậy đó, nhưng vô ích, vì các cầu thủ vẫn khóc, và Brazil của những tiền đạo xuất sắc hàng đầu thế giới phải nhờ đến một thủ môn đang thi đấu ở tận Canada (và chỉ chơi có bảy trận ở giải vô địch Canada từ đầu năm nay) để cứu vớt họ.
Ở France 98, Brazil cũng được Taffarel, bị coi là một thủ môn xoàng, đóng vai Chúa cứu thế trong trận thắng Hà Lan ở bán kết trên chấm phạt đền.
Khi Carlos Alberto Perreira, người đã đưa Brazil đến chức vô địch World Cup 1994, hiện là cánh tay phải của Scolari nói rằng, có một âm mưu chống lại đội tuyển vàng-xanh, có lẽ có nhiều người tin ông, nhưng những người tỉnh táo như Graca thì chắc chắn là không.
Thuyết âm mưu đã được sử dụng như một cách để đánh lạc hướng dư luận ra chỗ khác, che giấu những vấn đề thực sự về kỹ chiến thuật mà Brazil đang mắc phải, và sự mong manh về tâm lý của các cầu thủ ở cuối trận gặp Chile đã phơi bày những điểm yếu mới của họ cho thiên hạ. Những thay đổi người của Scolari trong cả bốn trận đấu đều không hiệu quả.
Những cầu thủ mới vào sân chơi còn tệ hơn cả những người vừa được thay ra. Từ đó, đã bắt đầu nhen nhóm những hoài nghi rằng, thế hệ hiện tại không đủ khả năng để đưa Brazil đến “Hexa” (Chức vô địch thế giới lần thứ sáu).
Trong khi sự nghi ngờ đang tăng lên, thì Scolari tiếp tục trấn an các cầu thủ và hy vọng sẽ đền đáp sự kỳ vọng của tất cả. Không biết trong những ngày qua, ông đã viết những gì vào các mẩu giấy và đút dưới chân cửa phòng cầu thủ trước giờ ngủ, theo kiểu, “Các con có thư. Ký tên: Huấn luyện viên.” Ông sẽ trích dẫn những câu của Napoleon, Mao, Che Guevarra hay Machiavelli?