Palestine trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO

Với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, UNESCO nhất trí để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này.

Ngày 31/10, với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã nhất trí để Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này, một thắng lợi lớn mang tính biểu tượng trên con đường giành được tư cách thành viên LHQ đầy đủ của Palestine.

Cuộc bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên đầy đủ của Palestine diễn ra ngày 31/10 tại khóa họp thường niên của Đại Hội đồng UNESCO ở Paris, Pháp. Pháp cùng các nước Arập, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đã bỏ phiếu ủng hộ Palestine.

 

Với kết quả này, UNESCO đã trở thành cơ quan đầu tiên thuộc Liên hợp quốc (LHQ) dành cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ. Ngày 23/9 vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đệ đơn xin làm thành viên chính thức của LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này trong tháng 11 tới.

 

Hồi đầu tháng Mười, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua một khuyến nghị về dành cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ. Palestine là quan sát viên của UNESCO từ năm 1974.

 

Trong một phản ứng đầu tiên, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki khẳng định cho rằng "đây là thời khắc lịch sử trả lại cho Palestine các quyền của mình."

 

Cả Mỹ và Israel đều phản đối mạnh mẽ quyết định trên, điều diễn ra chỉ một tháng sau khi Palestine nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.

 

Israel cùng ngày đã cảnh báo rằng quyết định của UNESCO có thể làm tổn hại tới các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel.

 

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel nói: "Israel phản đối quyết định của Đại hội đồng UNESCO chấp nhận Palestine là thành viên của tổ chức này. Hành động đơn phương này của Palestine sẽ không đem lại bất cứ thay đổi nào trên thực tế, mà chỉ làm tăng khả năng hai bên không đi tới được một thỏa thuận hòa bình."

 

Phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, đại diện Israel Nimrod Barkan cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ chấm dứt tài trợ cho UNESCO. Hiện tài trợ của Israel tương đương 3% ngân sách hàng năm của UNESCO.

 

Trong những năm 1990, Mỹ đã cấm cấp tiền cho bất cứ tổ chức nào của LHQ chấp nhận Palestine là thành viên đầy đủ, điều này đồng nghĩa với việc UNESCO sẽ mất khoảng 70 triệu USD tiền tài trợ của Mỹ, tương đương 22% ngân sách hàng năm của tổ chức này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục