PGII của G7 - thách thức mới đối với BRI của Trung Quốc

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thử thách trong bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc do COVID-19 và BRI phải đối mặt với sự cạnh tranh bổ sung từ PGII.
PGII của G7 - thách thức mới đối với BRI của Trung Quốc ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức), ngày 26/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết trên báo The Straits Times, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại về kinh tế, trong đó có sự cạnh tranh từ hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII) mới do Mỹ dẫn dắt.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đang thích ứng với những sự chỉ trích trước đây cũng như những thách thức mới.

BRI của Trung Quốc dường như đang đứng trước thử thách. Khi ảnh hưởng từ những hạn chế phòng dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, khả năng của Trung Quốc trong việc tài trợ cho BRI đang bị giới hạn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các nước đang phát triển cũng làm giảm mong muốn của họ đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Giờ đây, BRI đang phải đối mặt với sự cạnh tranh bổ sung từ PGII, được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 26/6 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức.

Cùng với G7, Tổng thống Biden cam kết huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo, nhằm đối trọng với BRI đầy tham vọng của Trung Quốc.

Được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố vào năm 2013, BRI là chính sách đối ngoại ghi dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

Mục đích của sáng kiến là liên kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua một mạng lưới các cảng biển, đường bộ và đường sắt cũng như các trung tâm thương mại, phản chiếu các tuyến đường thương mại cổ xưa.

Đây là phương tiện để vừa mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài vừa mang lại cơ hội để phát triển kinh tế - các công ty Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng được các ngân hàng Trung Quốc cấp vốn bằng các khoản vay.

Kể từ khi bắt đầu, gần 150 quốc gia đã ký kết tham gia BRI, nhưng đó không phải là một hành trình suôn sẻ.

Trong quá trình này, Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện "ngoại giao bẫy nợ" với các nước nghèo bằng những khoản cho vay khổng lồ, các dự án không bền vững và đầu tư vào cơ sở hạ tầng gây ô nhiễm như các nhà máy điện chạy bằng than.

Sự suy giảm kinh tế hiện nay cũng sẽ lấy đi động lực của BRI. Chuyên gia Yu Hong của Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá: “Việc thực hiện BRI sẽ chậm lại. Một số dự án nhất định sẽ bị thu nhỏ lại hoặc có thể bị chấm dứt, vì đối với một số nước BRI, tài chính và nền kinh tế trong nước của họ đã bị phá vỡ do COVID-19.”

Nói cách khác, BRI của Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất.

Những “cơn gió ngược” kinh tế

Những khoản đầu tư và tài trợ cho BRI của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp, giảm so với trước đại dịch. Theo Báo cáo đầu tư BRI Trung Quốc 2021 của Trung tâm tài chính và phát triển xanh thuộc Đại học Phúc Đán của Thượng Hải, các khoản đầu tư và hợp đồng BRI của Trung Quốc đạt 59,5 tỷ USD vào năm ngoái, giảm gần một nửa so với con số 112,56 tỷ USD năm 2019 trước dịch bệnh.

Phó Giáo sư Christoph Nedopil Wang, tác giả của bản báo cáo, cho rằng điều này một phần là do những khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Những “cơn gió ngược” kinh tế này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều này sẽ chỉ hạn chế hơn nữa những tham vọng BRI của Trung Quốc.

Vào cuối tháng 5/2022, tại cuộc họp khẩn cấp gồm 100.000 quan chức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo về “những thách thức nghiêm trọng” mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt vì những hạn chế do COVID-19 gây ra. Trung Quốc được cho là sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5,5% trong năm nay.

PGII của G7 - thách thức mới đối với BRI của Trung Quốc ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viết cho tổ chức tư vấn chiến lược Bruegel có trụ sở ở Brussels hồi tháng trước, nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero và học giả về Trung Quốc Eyck Freymann cho rằng chính sách COVID-19 hạn chế của Trung Quốc đã cản trở việc trao đổi và thiết lập các thỏa thuận kinh doanh xuyên biên giới, đồng thời cũng khiến cho nền kinh tế giảm tốc một cách nhanh chóng trong nửa đầu năm nay.

Hai chuyên gia này cho rằng tăng trưởng chậm lại đang gây thêm áp lực buộc các ngân hàng Trung Quốc phải cho vay trong nước thay vì nước ngoài. Trong khi đó, việc cho vay này là cần thiết trong việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nước ngoài.

Giáo sư Christoph Nedopil Wan nhận xét sự suy giảm kinh tế tác động đến cả hai bên và các nước BRI cũng đang cảm nhận được “sự nhức nhối.” Nhiều nước trong số đó không còn có thể tài trợ được cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Theo ông, khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đã làm cho nhiều dự án phụ thuộc vào sự bảo lãnh của chính phủ trở nên thiếu bền vững.

Nói một cách đơn giản, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang dẫn đến việc thắt chặt hơn những túi tiền ở khắp mọi nơi, và hạn chế sự hào phóng của Trung Quốc vốn đã thúc đẩy sự phát triển của BRI trong những ngày đầu.

[Báo Ấn Độ nhận định về những tham vọng kinh tế của BRI]

Một trường hợp điển hình là Sri Lanka, quốc gia đã thu hút sự chú ý đối với các dự án BRI như cảng Hambantota do Trung Quốc xây dựng gây tranh cãi. Nước này hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Sri Lanka và cũng chịu trách nhiệm đối với khoảng 10% nợ nước ngoài của nước này.

Sri Lanka cho biết, họ cần 5 tỷ USD trong năm nay để mua các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và phân bón. Họ đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc cấp hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD, nhưng cho đến nay Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về đề nghị này.

Tiến sỹ Yu cho biết: “Trung Quốc thực sự đang do dự về điều này, và bạn nhìn thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với Trung Quốc. Nước này muốn duy trì BRI nhưng với nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, rất khó để họ có thể đưa ra những sự nhượng bộ trong tương lai cho các quốc gia BRI.”

Phương Tây đẩy lùi

Giờ đây, BRI phải đối mặt với thách thức mới là PGII. Sáng kiến này là sự thay đổi thương hiệu của kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn'' (B3W) mà Tổng thống Biden đã công bố ban đầu vào năm ngoái.

Chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ huy động 200 tỷ USD thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, tài trợ liên bang và tận dụng các khoản đầu tư của lĩnh vực tư nhân. 400 tỷ USD còn lại sẽ được lấy từ các đối tác khác.

PGII không chỉ ra một cách cụ thể là BRI, nhưng rõ ràng hiệp định này tính đến Trung Quốc, với việc các nhà lãnh đạo G7 đã nêu lên trong một tuyên bố chung rằng mục tiêu của họ là cung cấp cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển “dựa trên sự hợp tác tăng cường, những giá trị dân chủ và tiêu chuẩn cao.”

Và cũng giống như cách mà các nhà quan sát phương Tây coi BRI là nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc định hình trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm, các học giả Trung Quốc coi PGII là nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong thế giới đang phát triển.

PGII của G7 - thách thức mới đối với BRI của Trung Quốc ảnh 3Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu sau khi tới khu hành chính đặc biệt Hong Kong, ngày 30/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà cựu ngoại giao Wang Yiwei, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Renmin, bình luận: “Hãy nhìn vào các lĩnh vực mà họ muốn tập trung là chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây là những lĩnh vực phát triển then chốt mà thế giới đang tập trung sau đại dịch… Rõ ràng họ muốn hướng đầu tư vào những lĩnh vực này đồng thời định hình trật tự quốc tế theo nguyên tắc và giá trị của họ.”

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ đối với PGII, đặt vấn đề liệu chính quyền Mỹ có thể huy động được đủ nguồn tài trợ theo dự kiến, và liệu sáng kiến này có kéo dài sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden hay không.

PGII vẫn còn trong những ngày đầu, với các chuyên gia như Tiến sỹ Yu chỉ ra rằng sáng kiến này chỉ có khoảng 3 tỷ USD cho các dự án đang trong quá trình triển khai, khác xa so với hàng trăm tỷ USD mà Trung Quốc đã rót vào BRI.

Kế hoạch mới

Nhưng BRI từ giờ sẽ đi đến đâu? Tiến sỹ Yu nhận xét: “BRI là nền tảng cho sự nổi lên của Trung Quốc, và thông qua sáng kiến này Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu của mình ở châu Á cũng như các khu vực khác của thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên thế giới sẽ củng cố lòng tin và tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tiếp tục thúc đẩy BRI.” Sáng kiến này đã được đưa vào Hiến pháp của Trung Quốc, và các chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo nước này sẽ không từ bỏ.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục hiệu chỉnh BRI kể từ khi hình thành để đáp lại những lời chỉ trích đối với sáng kiến này. Ví dụ, BRI đã có tên gọi “Một vành đai, Một con đường” - dịch trực tiếp từ tên tiếng Trung Quốc - khi ra mắt.

Tuy nhiên, cái tên này nghe có vẻ quá tập trung vào Trung Quốc và vì vậy sáng kiến này đã được đổi sang cái tên hiện nay nghe có vẻ mang tính bao trùm hơn.

Các chuyên gia cho rằng sự suy giảm kinh tế hiện nay có khả năng sẽ dẫn tới sự thay đổi sang các dự án nhỏ hơn, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng sạch, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Và để đối phó với những nỗ lực của Mỹ nhằm làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong thế giới đang phát triển thông qua PGII, vào tháng 9/2021 Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI).

GDI, được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho các nước nghèo đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ), đã ngày càng nhận được sự quan tâm trong những tháng gần đây, và được Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các nhà ngoại giao khác của Trung Quốc đưa ra nhiều lần với các đối tác nước ngoài của mình.

Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đã mô tả sáng kiến này là “sự bổ sung và mở rộng” của BRI. Và mặc dù ít tập trung hơn vào cơ sở hạ tầng so với BRI, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn là trọng tâm của GDI.

Tại một cuộc đối thoại gần đây diễn ra dưới hình thức trực tuyến với các nhà lãnh đạo từ 17 quốc gia đang phát triển chỉ vài ngày trước khi PGII được ra mắt, Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra một danh sách gồm 32 biện pháp theo GDI, bao gồm các mục như hợp tác năng lượng sạch và nâng cao năng lực công nghệ của các nước nghèo – vốn cũng là những lĩnh vực trọng tâm của PGII.

Nói về GDI, Tiến sỹ Yu cho rằng cơ sở hạ tầng vẫn ở vị trí hàng đầu của chương trình nghị sự hoặc ít nhất là một trong những lĩnh vực ưu tiên.

GDI không phải là sự thay thế cho BRI, và các chuyên gia như Tiến sỹ Yu hi vọng cả hai sáng kiến này sẽ tồn tại song song. Kế hoạch mới của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy rất nhiều triển vọng bất chấp những khó khăn.

Dường như Trung Quốc vẫn đi trước Mỹ một bước trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở khu vực phía Nam toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục