Sự đổi hướng của Italy: Từ BRI đến quay lại với Mỹ

Sau phản ứng dữ dội do MoU BRI năm 2019 gây ra, Italy nhận ra một mức độ thực dụng khi đề cập đến Trung Quốc là tốt nhất cho các lợi ích quốc gia của họ, dựa trên sự hợp tác với EU, đối thoại với Mỹ.
Sự đổi hướng của Italy: Từ BRI đến quay lại với Mỹ ảnh 1(Nguồn: beltandroad.news)

Theo bài phân tích trên trang mạng của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IAI), Italy đã chính thức tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc vào ngày 23/3/2019 trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Rome.

Quyết định này khiến Italy trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chính thức gia nhập dự án kết nối và thương mại đặc trưng của Trung Quốc.

Thỏa thuận được thực hiện dưới hình thức Biên bản ghi nhớ (MoU) trên cơ sở thúc đẩy hợp tác song phương trong 6 lĩnh vực khác nhau, bao gồm đối thoại chính sách; vận tải, logistics và cơ sở hạ tầng; thương mại và đầu tư không bị cản trở; hợp tác tài chính; kết nối nhân dân và hợp tác phát triển xanh.

Mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý (chưa có dự án cụ thể nào được xác định), việc ký MoU là một sự kiện mang tính biểu tượng sâu sắc trong lịch sử gần đây của chính sách đối ngoại Italy.

Việc Italy tham gia BRI là lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ, đồng thời cũng bị các đảng đối lập của quốc gia Nam Âu tranh cãi vào thời điểm đó, do họ lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ thách thức các khuôn khổ liên minh truyền thống của Italy.

Ký kết MoU khi ấy là do chính phủ liên minh, mà những thành viên chính bao gồm Phong trào Năm sao (M5S) và đảng Liên đoàn cánh hữu, thực hiện. Tuy nhiên, vào tháng 9/2019, một chính phủ liên minh mới đã ra đời với việc M5S hợp tác cùng Đảng Dân chủ (PD) trung tả, với ông Giuseppe Conte giữ chức Thủ tướng.

Với việc bổ nhiệm ông Mario Draghi làm Thủ tướng vào tháng 2/2021, Italy đã hoàn thành một bước thay đổi mang tính quyết định, tách mình khỏi sự cởi mở trước đây đối với Trung Quốc.

Bằng cách này, Thủ tướng Draghi đã đưa Italy trở lại khuôn khổ kép Đại Tây Dương và châu Âu của họ, song hành với nỗ lực củng cố chủ nghĩa đa phương và hệ thống dựa trên luật lệ khi Italy là Chủ tịch luân phiên năm 2021 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Cạnh tranh thương mại và công nghệ

BRI ban đầu được nhìn nhận là một dự án thương mại và kết nối đơn thuần, mặc dù những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khởi động một hình thức mới của chủ nghĩa toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm là rõ ràng đối với nhiều người ngay từ đầu.

[Italy khẳng định lợi ích tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường]

Về mặt này, BRI được mô tả như một chiếc “túi càn khôn” chiến lược mà hầu như mọi thứ đều có thể được đưa vào. Nói cách khác, BRI thể hiện một sáng kiến chính trị với các mục tiêu chiến lược lâu dài.

Sự hoài nghi ngày càng tăng của Italy đối với Trung Quốc đã trở nên rõ ràng vào tháng 3/2021, khi Thủ tướng Draghi sử dụng cái gọi là quy tắc “quyền lực vàng” để phản đối việc Shenzhen Invenland Holdings Co, công ty Trung Quốc có một phần thuộc sở hữu nhà nước, tiếp quản LPE, một công ty bán dẫn nhỏ có trụ sở gần Milan.

Đây là lần đầu tiên chính phủ của ông Draghi sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc nước ngoài mua lại các tài sản chiến lược, mặc dù các biện pháp tương tự đã được chính phủ Thủ tướng Giuseppe Conte trước đây sử dụng để ngăn Trung Quốc tham gia mạng 5G tại Italy.

Mối quan hệ Italy-Trung Quốc thực sự cũng bị ảnh hưởng bởi quan ngại rộng rãi hơn về sự thâm nhập của Trung Quốc vào các mạng 5G châu Âu. Vào tháng 5/2021, Rome đã cho phép chi nhánh Italy của Vodafone sử dụng thiết bị 5G của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trong các điều kiện bảo mật nghiêm ngặt.

Điều này xảy ra sau khi chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte ngăn chặn 4 giao dịch công nghệ 5G có liên quan đến các công ty Italy và các công ty Trung Quốc. Lệnh cấm do Mỹ đứng đầu đối với công ty Huawei, cũng đã ảnh hưởng đến các giao dịch của Italy và châu Âu với công ty này, phản ánh sự cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng với Trung Quốc.

Trên thực tế, công nghệ đã trở thành chiến trường cốt lõi trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc do tính liên quan chiến lược trong các lĩnh vực từ an ninh quốc gia đến thương mại, các chính sách môi trường và nhân quyền.

Những căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italy

Về phía Trung Quốc, việc tăng cường các chính sách đổi mới và phát triển công nghiệp đang được đẩy mạnh với trọng tâm là “tự lực cánh sinh.”

Một ví dụ là kế hoạch phát triển công nghiệp “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào nước ngoài. Trong khi đó, BRI đại diện cho tham vọng của Trung Quốc trong việc định nghĩa lại toàn cầu hóa với “đặc sắc Trung Quốc” thông qua các khoản đầu tư và cho vay lớn.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc cũng đã lan sang châu Âu và các tổ chức đa phương quan trọng như G7, G20 và Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), chưa kể đến Liên hợp quốc và các tổ chức khác như Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sự đổi hướng của Italy: Từ BRI đến quay lại với Mỹ ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) ngày 12/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2021 tại Cornwall (Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày dự án Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của Mỹ nhằm thay thế BRI của Trung Quốc. B3W tuyên bố cam kết chắc chắn đối với quyền con người, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, pháp quyền và phòng chống tham nhũng. Đây là những yếu tố phân biệt kế hoạch này với BRI.

Theo cách tương tự, EU gần đây đã đưa ra các sáng kiến khác, chẳng hạn như Chương trình nghị sự cho Địa Trung Hải và sáng kiến Cổng toàn cầu, cả hai đều có mục tiêu là đối trọng với BRI của Trung Quốc. Bên cạnh những sáng kiến này, sự chỉ trích ngày càng tăng đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng mới và các biện pháp trừng phạt qua lại giữa các quốc gia EU và Trung Quốc.

Việc Italy đã trở nên nổi bật trong năm 2021 phần lớn nhờ vào việc họ đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 và đồng Chủ tịch COP26 cùng với Vương quốc Anh. Tại cả hai diễn đàn này, những căng thẳng Mỹ-Trung Quốc hay EU-Trung Quốc đã tác động đến các cuộc thương thuyết. Trọng tâm nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italy là tình trạng khẩn cấp về y tế do đại dịch COVID-19 đang diễn ra, khả năng tiếp cận vaccine và phục hồi kinh tế.

Các chính sách môi trường cũng cần được giải quyết, bởi vì các nước thành viên G20 chiếm khoảng 80% tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Trong khi đó, với tầm quan trọng của Trung Quốc đối với tất cả những vấn đề kể trên, người ta có thể hiểu được việc nhiều kỳ vọng đã hướng về các Hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cả hai hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26 ngay lập tức làm dấy lên lo ngại rằng cả hai hội nghị sẽ khó mang lại kết quả cụ thể. Sự vắng mặt nay càng phản ánh sự rạn nứt của hệ thống đa phương trong bối cảnh căng thẳng Đông-Tây đang hồi sinh.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người ngạc nhiên khi đưa ra một tuyên bố chung trong COP26, trong đó hứa hẹn đạt mục tiêu giới hạn việc tăng nhiệt độ tối đa 1,5 độ C được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì nhiều quan ngại vẫn tồn tại về khả năng hợp tác thực sự của hai nước này trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Ngoài kết quả của các cuộc thương thuyết, rõ ràng là chức Chủ tịch G20 và đồng Chủ tịch COP26 đã mang lại cho chính phủ của ông Draghi cơ hội tuyệt vời để “đánh bóng” lại thiên hướng xuyên Đại Tây Dương của Italy và thúc đẩy sự ủng hộ của Italy đối với chủ nghĩa đa phương.

Trong đó, việc tuyên bố ngừng áp thuế của Mỹ và EU đối với thép và nhôm nhập khẩu đã giúp quảng bá hình ảnh về sự khởi đầu mới trong quan hệ EU-Mỹ sau kỷ nguyên của cựu Tổng thống Donald Trump.

Quan hệ Italy-Trung Quốc

Trong khi Italy dưới thời Thủ tướng Draghi dường như đã hoàn thành việc thay đổi đường lối này, đưa quốc gia Nam Âu hoàn toàn trở lại vị trí trong các khuôn khổ liên minh truyền thống của Italy, rõ ràng là nước này có những lợi ích kinh tế sâu rộng đang bị đe dọa với Trung Quốc.

Sự đổi hướng của Italy: Từ BRI đến quay lại với Mỹ ảnh 3Thủ tướng Italy Mario Draghi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 45,1 tỷ euro (khoảng 51,1 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc là 12,8 tỷ euro. Trong khi đó, trong giai đoạn 2000-2020, Italy nằm trong số những nước hưởng lợi chính từ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. 16 tỷ euro đã được đầu tư vào Italy trong 20 năm đó, chỉ đứng sau Vương quốc Anh (khoảng 51,9 tỷ) và Đức (khoảng 24,8 tỷ), nhưng lại cao hơn Pháp (15 tỷ). Đáng chú ý là Đức và Pháp chưa bao giờ chính thức tham gia BRI, nhưng cả hai nước đều tham gia các dự án được thực hiện trong sáng kiến này.

Vì lý do này, Italy - giống như nhiều quốc gia khác ở châu Âu và xa hơn - phải phát triển các con đường sáng tạo để cân bằng quan hệ của mình với Mỹ và EU, những “mỏ neo” chiến lược cơ bản của Italy, với cái giá là thương mại và các lợi ích thương mại với Trung Quốc. Không có một giải pháp dễ dàng nào cho thách thức này. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng dường như là một cách tiếp cận phù hợp hơn so với những nỗ lực ngăn chặn hoặc lui lại mạnh mẽ hơn mang đầy tính ý thức hệ.

Chủ nghĩa thực dụng như vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của Italy với các quốc gia EU tương tự - chẳng hạn như Pháp, Đức và các nước khác - để cùng xác định thông số can dự hoặc chỉ trích Trung Quốc, cũng như đối thoại chính trị quốc gia tại Italy để xác định cách tiếp cận chung và đa đảng đối với Trung Quốc trên nhiều hồ sơ khác nhau.

Ở trong nước, việc thảo luận nhiều hơn giữa các bộ trong chính phủ, khu vực tư nhân, giới học giả, các đảng chính trị, xã hội dân sự và cộng đồng chuyên gia có thể giúp thúc đẩy cách tiếp cận quốc gia thực sự đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, giúp củng cố quan điểm trong nước của Italy và tránh đấu đá chính trị hoặc sự chia rẽ làm suy yếu lập trường của Italy.

Điều đó nói lên rằng Italy, cùng với các đồng minh, cần duy trì quan điểm kiên định về ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật lệ. Cụ thể hơn, các nước này cần cam kết hơn nữa trong việc chống lại xu hướng trả đũa ngày càng tăng của Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt hoặc phong tỏa kinh tế đối với các công ty tư nhân, cá nhân và/hoặc nhà cung cấp xuất bản tài liệu bị chính quyền Trung Quốc coi là nhạy cảm.

Về vấn đề này, Italy có thể chủ động ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc tạo ra một công cụ chống ép buộc, cho phép các thể chế của EU ngăn chặn các trường hợp ép buộc kinh tế từ các nước thứ ba.

Cuối cùng, sau phản ứng dữ dội do MoU BRI năm 2019 gây ra, Italy đã nhận ra rằng một mức độ thực dụng khi đề cập đến Trung Quốc là tốt nhất cho các lợi ích quốc gia của họ, dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với EU và đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đồng minh đang tỏ ra là một thách thức.

Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi lập trường đối đầu hơn, EU đang cố gắng tránh gây phản cảm quá mức với Trung Quốc trong khi tìm cách phát triển một cách tiếp cận thống nhất và ít ngây thơ hơn đối với nước này.

Về điều này, Italy và châu Âu nên nỗ lực để tái trao quyền cho các tổ chức đa phương, bởi vì các diễn đàn như vậy là nơi tốt nhất để tham gia một cách xây dựng với Trung Quốc, đặc biệt là để giải quyết các thách thức toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục