Phân tích rủi ro từ vụ va chạm tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông

Mỹ phủ nhận cáo buộc của Trung Quốc cho rằng nước này đã bưng bít thông tin về một vụ va chạm tàu ngầm xảy ra vào đầu tháng 10 trong khu vực Biển Đông.
Phân tích rủi ro từ vụ va chạm tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông ảnh 1Trung Quốc kêu gọi cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ va chạm của tàu USS Connecticut với một vật thể bí ẩn ở Biển Đông. (Nguồn: AP)

Theo scmp.com/RFA đưa tin Mỹ phủ nhận cáo buộc của Trung Quốc cho rằng nước này đã bưng bít thông tin về một vụ va chạm tàu ngầm xảy ra vào đầu tháng 10 trong khu vực Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 11/10 đã gọi việc trì hoãn công bố thông tin về vụ việc này là “một thái độ vô trách nhiệm và là một thực tiễn mang tính cản trở và che đậy.”

Khi được hỏi về tuyên bố này của người phát ngôn Trung Quốc, ông John Kirby, Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 12/10 nhận xét: “Khi bạn ra thông cáo báo chí về một cái gì đó và được gọi là che đậy thì thật là kỳ cục.”

Ông Kirby không cung cấp thêm chi tiết về vụ việc xảy ra ngày 2/10 vừa qua và cho rằng đây là vấn đề của hải quân.

Ngày 7/10, tức 5 ngày sau khi vụ việc diễn ra, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra tuyên bố cho biết tàu USS Connecticut (SSN 22) - tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf - đã đâm vào một vật thể trong khi hoạt động trong “vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” nhưng không có thiệt hại về người.

Tuyên bố cũng cho biết “khu vực dẫn động hạt nhân và các khoang tàu đã không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường."

Theo hãng tin AP, tàu ngầm USS Connecticut đã cập cảng Căn cứ Hải quân Guam vào ngày 8/10.

Tại đây USS Connecticut có thể được giám định và sửa chữa ban đầu trong khi Hải quân Mỹ điều tra nguyên nhân vụ việc.

[Tàu ngầm Mỹ va chạm vật thể lạ tại Biển Đông, 11 thủy thủ bị thương]

Trong khi đó, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, một tổ chức chuyên nghiên cứu về Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết những hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu ngầm USS Connecticut đã được phát hiện ở vùng biển ngoài khơi khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 3/10, một ngày sau khi vụ va chạm xảy ra.

Tổ chức này cho rằng tàu ngầm của Mỹ có thể đã được “giao nhiệm vụ bảo vệ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hoặc do thám các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc."

Mặc dù không bình luận về suy đoán nói trên của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc James Goldrick, một học giả tại Trung tâm sức mạnh biển - một viện nghiên cứu hải quân của Australia, cho rằng theo Luật Biển của Liên hợp quốc, tàu ngầm có quyền hoạt động dưới nước ở bất cứ vùng biển nào bên ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia ven biển.

Trung Quốc gia tăng chỉ trích

Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích việc trì hoãn thông tin về vụ va chạm, cho rằng điều này khiến “cộng đồng quốc tế thêm nghi ngờ về ý định của Mỹ.”

Người phát ngôn Trung Quốc nói rằng Mỹ “cần có một thái độ mang tính trách nhiệm, giải trình chi tiết và sớm nhất có thể về những gì đã xảy ra” và “đưa ra một giải thích thỏa đáng” về địa điểm của vụ va chạm và về việc có xảy ra rò rỉ hạt nhân hay ô nhiễm biển hay không.

Ông Alexander Neil, một chuyên gia tư vấn an ninh và quốc phòng tại Singapore, bình luận: “Trung Quốc đang thổi phồng những rủi ro này lên bởi vì tuyên bố AUKUS (thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ)."

Hiệp định đối tác quốc phòng ba bên được công bố vào tháng trước sẽ giúp Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân.

Động thái này được nhiều người nhìn nhận là một trở lực giúp ngăn cản Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực.

Trung Quốc đã và đang chỉ trích hiệp định này là “cực kỳ vô trách nhiệm”, đồng thời nói rằng AUKUS “đe dọa nghiêm trọng hòa bình khu vực và làm gia tăng chạy đua quân sự.”

Ông Neil nhận định: “Ở góc độ AUKUS và câu chuyện chống AUKUS của Trung Quốc, đây là may mắn bất ngờ đối với Bắc Kinh, hoàn hảo cho câu chuyện rằng Mỹ và đồng minh đang hạt nhân hóa Biển Đông và vi phạm các cơ chế chống phổ biến hạt nhân.”

Tuy nhiên ông cho rằng không có rò rỉ hạt nhân hay thiệt hại nào đối với hệ thống lò phản ứng hạt nhân của tàu USS Connecticut dù vẫn còn ít thông tin về nguyên nhân của vụ va chạm.

Những nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính từ Bộ Quốc phòng Mỹ được báo giới trích lời vào cuối tuần qua cho biết đã có 11 thủy thủ bị thương trong vụ việc này.

Một lĩnh vực nhiều rủi ro

Theo chuyên gia Alexander Neil, các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm khá rủi ro và đôi khi nguy hiểm.

Ông chỉ ra rằng “luôn có nguy cơ đâm phải rác trên biển như xác tàu hoặc container bị thất lạc, tàu cá và thậm chí cả động vật biển.”

Năm 2003, sau khi nổi lên trong một khu vực băng đá giữa Bắc cực và Alaska, tàu ngầm USS Connecticut đã bị một con gấu Bắc cực bám theo trong 30 phút.

May mắn thay, con gấu chỉ gặm một chút bánh lái và không gây ra thiệt hại nào cho tàu.

Tuy nhiên, một số sự cố tàu ngầm khác đã gây tử vong. Vào năm 2005, tàu USS San Francisco đã đâm vào núi ngầm dưới đại dương khi đang chạy với tốc độ tối đa gần đảo Guam, khiến 1 thủy thủ tử vong và 24 người khác bị thương.

Vào năm 2001, tàu ngầm USS Greeneville đã va chạm với một tàu Nhật Bản ở vùng biển gần đảo Hawaii, làm 9 ngư dân Nhật Bản thiệt mạng.

Ông Neil đặt câu hỏi: “Một tàu ngầm của Indonesia bị đắm vài tháng trước đây và Singpore đã đề nghị cử một tàu ngầm ra cứu. Nếu Trung Quốc hay Mỹ gặp tai nạn tương tự, liệu họ có giúp nhau? Điều gì sẽ xảy ra nếu tàu ngầm Mỹ đâm phải tàu Trung Quốc và gây chết người? Đó có thể là ngòi nổ cho một sự leo thang nhanh chóng với Trung Quốc.”

Theo ông Neil, “điều này chứng tỏ rằng luôn tiềm ẩn nguy cơ leo thang không quản lý được trong lĩnh vực tàu ngầm."

Chuẩn Đô đốc James Goldrick nhận định: “Cần có những quy định về cách hành xử trong những cuộc chạm trán và sự cố ngoài ý muốn ở biển. Việc đảm bảo một chiếc tàu ngầm không va vào bất cứ thứ gì là tùy thuộc vào bản thân tàu ngầm đó. Tuy nhiên, nếu có vật cản lạ ở độ sâu mà nó đang hoạt động, thì thực tế tàu ngầm đó có thể không phát hiện được khi nó đang hoạt động lặng lẽ và không bật hệ thống định vị thủy âm chủ động.”

Mark J. Valencia, một nhà phân tích chính sách hàng hải nổi tiếng, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc - giải thích rằng phần lớn các tàu ngầm đều có cả hệ thống định vị thủy âm chủ động và bị động. Hệ thống thủy âm chủ động phát đi những tiếng "ping...ping" có nhịp điệu. Tiếng "ping...ping" này sẽ dội ngược lại khi va phải một vật thể, nhưng các tàu ngầm hoạt động ở chế độ tàng hình sẽ tắt hệ thống thủy âm chủ động bởi vì những tiếng động phát ra sẽ khiến tàu ngầm bị lộ.

Trong bài phân tích mới đây đăng trên trang mạng South China Moring Post, ông Valencia cho biết những vụ tai nạn như vậy trước đây thường hiếm khi xảy ra, nhưng hiện nay đang trở nên phổ biến.

Hơn nữa, khả năng xảy ra các vụ va chạm này ngày càng tăng do tàu ngầm xuất hiện ngày một nhiều ở Biển Đông.

Chuyên gia hàng hải này cho rằng việc Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia như một phần của thỏa thuận AUKUS chỉ càng làm tình hình thêm phức tạp.

Theo ông Valencia, đáng lo ngại hơn, Biển Đông là một môi trường tàu ngầm rất khó hoạt động. Khu vực này đặc biệt "ồn ào," có địa hình khá phức tạp và hay thay đổi. Một tai nạn xảy ra làm rò rỉ bức xạ hạt nhân có thể gây thiệt hại cho nguồn cung cấp thủy hải sản cho tất cả các quốc gia ven biển.

Mặc dù bức xạ có thể không đáng kể hoặc nhanh chóng giảm xuống mức an toàn, nhưng thiệt hại về danh tiếng đối với nghề cá của khu vực sẽ còn kéo dài.

Chuyên gia hàng hải này đánh giá: "Một tai nạn như vậy sẽ là cơn ác mộng đối với khu vực. Mỹ và các nước khác cần cân nhắc việc tập trận ở Biển Đông, đặc biệt là các cuộc tập trận yêu cầu tàu ngầm hoạt động ở chế độ tàng hình với vận tốc tối đa. Các quốc gia ven biển trong khu vực có lý do chính đáng để lo ngại về điều này."

Ông Valencia bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cuộc họp liên quan, diễn ra từ ngày 26-28/10 ở Brunei, và sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 sẽ đề cập tới vấn đề này.

Giới quan sát cho rằng Biển Đông đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và là khu vực tiềm ẩn xung đột giữa hai cường quốc này.

Bản thân Trung Quốc cũng rất chọn lọc trong việc công bố các hoạt động hàng hải của mình ở Biển Đông.

Những yêu sách chủ quyền quá đáng của nước này tại Biển Đông không được luật pháp quốc tế công nhận và bị các quốc gia láng giềng bác bỏ.

Năm 2009, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với một hệ thống thiết bị thủy âm gắn với tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ gần Vịnh Subic ngoài khơi Philippines, gây ra thiệt hại cho hệ thống định vị thủy âm này. Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết về vụ việc này.

Trung Quốc là quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, bao gồm cả 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân.

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 21 chiếc vào năm 2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục