Phản ứng của các nước lớn về đảo chính ở Ai Cập

Nga kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập "kiềm chế" và hạn chế bạo lực sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Morsi.
Theo AFP, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 4/7 tuyên bố Anh sẽ hợp tác với chính quyền lâm thời của Ai Cập, mặc dù London không ủng hộ việc quân đội nước này lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Hague nêu rõ: "Chúng tôi phải hợp tác với bất kỳ ai lên nắm quyền tại Ai Cập. Chúng tôi làm điều này vì sự an toàn của công dân Anh và vì hiện có rất nhiều công ty Anh tại đó (Ai Cập)."

Ngoại trưởng Hague cũng giảm bớt sự chỉ trích trước việc quân đội Ai Cập can thiệp vào chính trường khi cho rằng đây là "một sự can thiệp hợp lòng dân."

Cùng ngày, Nga kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập "kiềm chế" và hạn chế bạo lực sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Morsi.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập cần kiềm chế để cân nhắc những lợi ích đại cục của đất nước trước khi hành động, và để chứng minh rằng họ đang nỗ lực giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế-xã hội rối ren theo một khuôn khổ dân chủ, phi bạo lực và tính tới lợi ích của tất cả các thành phần xã hội cũng như tôn giáo."

Trong khi đó, giới chức Chính phủ Israel, vốn thường phản ứng nhanh về các diễn biến trong khu vực, vẫn giữ thái độ im lặng trước việc Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập Morsi bị quân đội lật đổ.

Một quan chức giấu tên cho biết Tel Aviv đang thận trọng theo dõi diễn biến tình hình.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng việc quân đội Ai Cập hạ bệ Tổng thống Morsi là "một bước thụt lùi của nền dân chủ tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi "đối thoại và thỏa hiệp chính trị."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh ủng hộ "lựa chọn của người dân Ai Cập" và kêu gọi xúc tiến đối thoại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục