Phản ứng của Nghị viên châu Âu về việc áp thuế carbon đối với hàng hóa

Thuế biên giới carbon là một phần quan trọng trong Thỏa thuận Xanh của EU, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris về khí hậu.
Phản ứng của Nghị viên châu Âu về việc áp thuế carbon đối với hàng hóa ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy gần Darlton, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 10/3 đã ủng hộ việc thiết lập thuế biên giới carbon nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) trước tình trạng hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ các quốc gia có tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn.

Cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc trên của EP là bước đi đầu tiên trong kế hoạch dài hạn nhằm thiết lập một chính sách thuế mà dự kiến có thể phải đối mặt với quá trình phê chuẩn rất khó khăn ở 27 quốc gia thành viên EU.

Thuế biên giới được coi là một phần quan trọng trong Thỏa thuận Xanh của EU, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đáp ứng những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

[Cả thế giới cùng nhau thay đổi để tái lập Hành tinh Xanh]

Cơ chế này nhằm đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU không được hưởng lợi thuế nếu quá trình sản xuất phát thải lượng khí carbon lớn hơn.

Mối quan ngại lớn nhất là đối với ngành công nghiệp nặng, như luyện thép, lĩnh vực mà các nước châu Âu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu rẻ hơn của Trung Quốc vốn được sản xuất theo tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn.

Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS).

Giá khí thải carbon tại EU đã đạt mức cao kỷ lục, một bước tiến mới sau nhiều năm mức giá thấp không đem lại hiệu quả trong việc khuyến khích ngành công nghiệp nặng phát triển theo hướng "xanh" hơn.

Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - sẽ đưa ra đề xuất chính thức về kế hoạch thuế biên giới nói trên vào tháng 6 tới, sau đó các nước thành viên sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Dự kiến, quá trình thảo luận sẽ rất khó khăn và có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn nữa để đạt được một đạo luật có thể có hiệu lực vào năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục