Pháp, Anh thảo luận về chống phiến quân Hồi giáo tại Syria

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo tại Syria.
Pháp, Anh thảo luận về chống phiến quân Hồi giáo tại Syria ảnh 1Cảnh đổ nát tại Kobane, miền Bắc Syria sau các cuộc giao tranh với lực lượng PKK. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo THX/Reuters, ngày 8/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo tại Syria cũng như tình hình người tị nạn tại châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo đồng thời thảo luận về cách thức thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria, nơi bạo lực đã buộc hàng triệu người phải đi lánh nạn ở nước ngoài, trong đó có cả các nước châu Âu.

Về cuộc khủng hoảng di cư tại “lục địa già,” Tổng thống Pháp cho rằng cần phải có một cơ chế lâu dài và mang tính ràng buộc để đảm bảo việc phân bổ cân bằng người di cư tại các nước châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cùng ngày tuyên bố phản đối việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư, song khẳng định Warsaw có thể tiếp nhận nhiều hơn con số 2.000 người xin tị nạn (được công bố trước đó) với những điều kiện nhất định.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter đã hối thúc các quốc gia tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn làn sóng những người di cư chạy trốn sang châu Âu từ Trung Đông.

Ông đồng thời nhấn mạnh cam kết của Thụy Sĩ sẽ chào đón 3.000 người tị nạn Syria.​

Trong bối cảnh dòng người di cư, tị nạn vẫn không ngừng đổ về châu Âu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã điện đàm với lãnh đạo một số nước trong khu vực để thảo luận về vấn đề này.

Cụ thể, ông Ban đã thảo luận với lãnh đạo các nước như Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan và Slovakia để bàn về các biện pháp hỗ trợ, giải quyết vấn đề người di cư, tị nạn tại các quốc gia châu Âu.

Tổng Thư ký Ban nhấn mạnh rằng các nước Liên minh châu Âu (EU) cần thực thi các trách nhiệm và tiêu chuẩn mà họ đã đặt ra, đồng thời cho rằng một trong những vấn đề quan trọng để giải quyết vấn đề này là các nhà lãnh đạo châu Âu phải chống lại nạn bài ngoại, phân biệt đối xử và bạo lực đối với người di cư.

Tổng thư ký chia sẻ rằng Liên hợp quốc sẵn sàng thông qua các cơ quan của của mình, đặc biệt là Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), để tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực trong việc triển khai các biện pháp hành động hiệu quả, khả thi và phù hợp với các quyền phổ quát của con người cũng như các tiêu chuẩn nhân đạo, trong đó có quyền có nơi tạm trú an toàn.

Ông Ban cũng mời các lãnh đạo châu Âu tham dự cuộc họp cấp cao về di dân và tị nạn tại New York (Mỹ) vào ngày 30/9 tới.

Cùng ngày, UNHRC cảnh báo đạo luật di trú khẩn cấp mới hà khắc của Hungary, vốn sẽ có hiệu lực vào tuần tới, có nguy cơ gây hỗn loạn nếu không được thực thi một cách thỏa đáng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục