Pháp và Anh thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hậu Brexit

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson nhất trí cùng thúc đẩy thỏa thuận Anh-Liên minh châu Âu trong giai đoạn hậu Brexit để nhanh chóng kết thúc tiến trình đàm phán.
Pháp và Anh thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hậu Brexit ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Nguồn: Bloomberg)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm thảo luận một số vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó lãnh đạo hai nước nhất trí cùng thúc đẩy thỏa thuận Anh-Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn hậu Brexit để nhanh chóng kết thúc tiến trình đàm phán.

Ngoài mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, lãnh đạo Pháp, Anh cũng thảo luận về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống buôn người, tình hình ở Liban và các vấn đề quốc tế khác.

Trước đó, ngày 6/9, trước thềm vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh và EU được nối lại tại London, Thủ tướng Johnson đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào ngày 15/10 tới, qua đó phần nào xoa dịu những quan ngại về sự hỗn loạn "không thỏa thuận" nếu đàm phán giữa hai bên thất bại.

[Đàm phán thương mại Anh-EU chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm"]

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, nếu hai bên không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác.

Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO).

Tiến trình Brexit rơi vào nguy cơ bế tắc khi ngày 7/9 nổi lên vấn đề Chính phủ Anh đang có kế hoạch sẽ đặt lên bàn đàm phán với EU vào ngày 9/9 tới về việc Anh có quyền đơn phương giám sát các yếu tố trong quyết định Bắc Ireland.

Điều này đã làm nổi sóng bất bình vì nghị định này theo pháp lý ràng buộc là phải tuân theo trực tiếp luật của EU ở một số phần đặc biệt trong thỏa thuận liên quan đến hai lĩnh vực Bắc Ireland và các quyền của công dân.

Nếu như xảy ra tranh chấp hai bên sẽ có ba tháng để trọng tài xem xét tìm cách giải quyết tranh chấp mâu thuẫn này.

Các chuyên gia luật cảnh báo rằng EU có quyền trừng phạt Anh nếu nước này vi phạm hiệp ước Brexit.

Những tranh cãi mới đây về Brexit có thể đưa ra Tòa án Công lý châu Âu nếu Anh vi phạm thỏa thuận rút khỏi EU mà Thủ tướng Johnson đã ký với EU hồi tháng 1 vừa qua. Theo đó, tòa án có thể áp dụng lệnh trừng phạt nặng đối với Anh, treo một phần trong thỏa thuận rút khỏi EU, phát động các cuộc chiến tranh thương mại và áp thuế đối với Anh, thậm chí là còn có thể ra lệnh trừng phạt hàng xuất khẩu của Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục