Phạt 11 năm tù đối với 'cô đồng' lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo cáo trạng, Phùng Thị Tâm (tên gọi khác là “cô đồng Tâm,” hành nghề cô đồng, lập điện thờ tại nhà mình và thường xem bói, cúng lễ... đưa ra nhiều thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền.

Bị cáo Tâm tại phiên tòa ngày 13/6.
Bị cáo Tâm tại phiên tòa ngày 13/6.

Ngày 13/6, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 11 năm tù đối với bị cáo Phùng Thị Tâm (tên gọi khác là “cô đồng Tâm,” sinh năm 1974, trú tại xã Phú Đông, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Tâm “hành nghề” cô đồng, lập điện thờ tại nhà mình và thường xem bói, cúng lễ cho mọi người để lấy tiền. Lợi dụng việc này, Tâm đưa ra nhiều thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của 2 gia đình.

Vụ đầu tiên xảy ra vào tháng 4/2022, anh T (sinh năm 1994, ở Ba Vì, Hà Nội) có biểu hiện không bình thường về thần kinh, nói năng không kiểm soát nên gia đình anh tới gặp bị cáo Tâm để xem bói.

Cô đồng phán, anh “căn cao số nặng,” cần làm lễ giải hạn. Gia đình anh T tin tưởng nên mang 7 kg gạo và khoảng 50 triệu đồng tới một ngôi đền ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) để Tâm cúng bái. Xong việc, bị cáo yêu cầu họ mang gạo về nhà rải ở đường còn tiền để mình cầm về điện thờ, hết hạn sẽ trả lại.

Tối cùng ngày, bị cáo lại yêu cầu gia đình anh T chuyển hơn 1,3 triệu đồng để đặt lễ “giữ vía” cho anh. Các ngày sau đó, Tâm đưa ra nhiều thông tin gian dối về việc các thành viên trong gia đình anh T cần phải làm lễ giải hạn và yêu cầu chuyển tiền cho Tâm để làm lễ. Trong đó, Tâm yêu cầu người nhà anh T tiếp tục chuyển 4,9 triệu đồng để làm lễ “giữ vía,” 21 triệu đồng để làm lễ đặt “dấu bình an” cho một phụ nữ mang thai trong gia đình, 33,6 triệu đồng để làm lễ “giải bản mệnh,” 54,2 triệu đồng để làm “dấu giải hạn”...

Tâm còn yêu cầu gia đình anh T rải 9 triệu đồng từ cổng ra ngõ nhưng chính Tâm sau đó đi nhặt lại, mang về “làm lễ.”

Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 5-6/2022, Phùng Thị Tâm đã chiếm đoạt của gia đình anh T gần 442 triệu đồng để trả nợ, chi tiêu.

Tuy vậy, bệnh tình của anh T không thuyên giảm và gia đình sau đó phát hiện anh T dùng ma túy nên thần kinh bị ảnh hưởng, hoàn toàn không có chuyện “âm binh” hoặc “cao số.” Họ đòi tiền nhưng Tâm chỉ hoàn lại hơn 66 triệu đồng.

Một trường hợp khác cũng bị lừa trong năm 2022, bà Q (sinh năm 1973, ở tại Ba Vì, Hà Nội) thấy con trai là anh C (sinh năm 2002) có biểu hiện tâm thần bất ổn không rõ nguyên nhân nên đến gặp Tâm, nhờ xem bói. Bị cáo nói anh C bị “vong theo, vong nhập” nên cần làm lễ cúng.

Tâm báo giá, tiền cúng là hơn 44,6 triệu đồng cùng 178 triệu đồng xin “dấu ấn giữ vía.” Tâm hứa hẹn, khi anh C khỏi bệnh và “tạ lễ” đủ 100 ngày thì Tâm sẽ trả lại tiền.

Tin lời Tâm và mong muốn con được khỏi bệnh, bà Q đã nhiều lần chuyển cho Tâm với tổng cộng hơn 228 triệu đồng.

Vài ngày sau, thấy con trai bình thường trở lại nên bà Q yêu cầu Tâm trả tiền như đã hứa hẹn nhưng bị cáo khất lần, không trả. Do đó, bà Q đã làm đơn tố giác Tâm tới cơ quan Công an./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục