Phát động chiến dịch phòng, chống mua bán người

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỉnh Tây Ninh vừa phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người qua biên giới.
Với chủ đề “Chung tay phòng chống mua bán người qua biên giới”, sáng 18/12 tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người qua biên giới.

Tại buổi lễ, bà Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết hiện nay tình hình tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên thế giới diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng và quốc tế hóa, tập trung chủ yếu ở các nước nghèo.

Ở Việt Nam, mua bán người xảy ra ở tất cả các tỉnh, song tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Qua hơn 6 năm (2005-2011) thực hiện chương trình 130/CP của Chính phủ về phòng chống nạn buôn người qua biên giới, các ngành chức năng đã phát hiện gần 2.300 vụ, với 4.151 đối tượng, lừa bán hơn 5.300 nạn nhân.

Trong đó 25 tỉnh biên giới đã xảy ra 978 vụ/1.570 đối tượng, lừa bán 2.688 nạn nhân. Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, bọn tội phạm lợi dụng địa hình hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đường tiểu ngạch thuận tiện để lừa gạt, đưa phụ nữ, trẻ em sang Campuchia bán cho các chủ chứa mại dâm ở thành phố Phnom Penh hoặc trung chuyển sang nước thứ 3 như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… với nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt như đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao, môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, thăm thân nhân, du lịch…

Gần đây, ngành chức năng còn phát hiện một số đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Thái Lan đẻ thuê, lừa bán học sinh trên mạng Internet, khiến tình hình ngày thêm phức tạp.

Để chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả, góp phần giảm tội phạm buôn người Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị mỗi người dân, nhất là trên địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa hãy tự nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống buôn bán người; tham gia phát hiện và tố giác tội phạm có dấu hiệu buôn người.

Các cấp Hội Phụ nữ chủ động phối hợp các sở, ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng tiến tới thay đổi hành vi của cộng đồng về phòng chống mua bán người, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả tại cộng đồng; các ngành chức năng tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn kịp thời các vụ đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm bọn tội phạm buôn người, giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em bị lường gạt hòa nhập với cộng đồng./.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục