Phát huy lợi thế đường thủy Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều cảng biển, kênh rạch, sông lớn chảy qua nhiều địa bàn như sông Sài Gòn, Đồng Nai, luồng Soài Rạp…
Phát huy lợi thế đường thủy Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh 1Các phương tiện thủy lưu thông trên kênh Chợ Gạo. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Về địa hình, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều cảng biển, kênh rạch, sông lớn chảy qua nhiều địa bàn như sông Sài Gòn, Đồng Nai, luồng Soài Rạp…

Đây là lợi thế giao thông mang đặc tính sông nước Nam bộ của khu vực, giúp giao thương hàng hóa diễn ra thuận lợi trong bối cảnh hạ tầng đường bộ chưa được đầu tư tương xứng.

Kết nối vận tải đường thủy nội địa

Trong năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương động thổ dự án cải tạo, nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi và luồng sông Sài Gòn đến cảng Bến Súc theo hình thức BOT. Dự án có điểm đầu là cầu đường sắt Bình Lợi quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là cảng Bến Súc, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ khơi thông luồng sông Sài Gòn cho các tàu có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh, Bình Dương về cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những tuyến đường thủy nội địa quan trọng của hạt nhân liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là sông Soài Rạp và Thị Vải-Cá Mép.

Dọc 2 tuyến sông này có nhiều cảng, khu công nghiệp, trực tiếp kết nối hàng hóa giữa cảng Thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là cảng Cát Lái (quận 2-Thành phố Hồ Chí Minh) với cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Đối với luồng tuyến Soài Rạp, sau khi hoàn thành dự án nạo vét giai đoạn 2 đã đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 30.000 DWT (đầy tải) và 50.000 DWT (giảm tải) ra vào, rút ngắn thời gian hành trình hơn 1 giờ, rút ngắn cự ly 20 km so với hướng lưu thông theo tuyến luồng Lòng Tàu ra biển Đông trước đây.

Tại cuộc họp về triển khai dự án cảng cạn phục vụ khu công nghệ cao quận 9 và Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi), ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng hai cảng cạn nói trên nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố, giảm tải hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ cho Khu công nghiệp Đông Nam và Khu Công nghiệp Tây Bắc huyện Củ Chi, nhất là sau khi cầu sắt Bình Lợi nâng tĩnh không thông thuyền.

Qua đó, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn từ khu vực Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương) về cảng Cát Lái qua sông Sài Gòn.

Phát triển dịch vụ logistics

Với nhiều lợi thế về cảng biển, sông nước, khu vực Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, hậu cần vận tải. Hoạt động logictics, kho vận đang diễn ra nhộn nhịp, đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn và thể hiện rõ sự giao thương, kết nối khu vực.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Chính phủ đã xác định rõ, cảng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm số 5 (Đông Nam Bộ) là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại 1), gồm các khu bến chức năng chính là Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) và Cát Lái (trên sông Đồng Nai).

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố có gần 1.000km sông rạch; trong đó, có 200km là tuyến hàng hải với 4 khu vực cảng biển.

Sản lượng hàng hóa các cảng biển năm 2016 dự kiến đạt 100 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2015 (trong khi, quy hoạch cảng biển đến năm 2020 là đạt 100 triệu đến 130 triệu tấn).

Hiện thành phố có 38 cảng; trong đó có một số cảng lớn, đảm trách phần lớn thị phần vận tải biển của cả nước như Tân Cảng-Cát Lái, Cảng Sài Gòn, Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)… chưa kể 11 cảng cạn kết nối với cảng biển Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cụm cảng Hiệp Phước có Cảng SPCT là cảng container đầu tiên của cụm cảng số 5 (Đông Nam Bộ) có khả năng đón tàu lớn trên 4.500 TEU qua luồng Soài Rạp, đáp ứng việc khai thác các tàu cỡ lớn của tuyến thương mại nội Á.

Đặc biệt là hệ thống cảng biển của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Bộ Quốc phòng) - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, chiếm tới gần 85% thị phần container xuất nhập khẩu phía Nam và gần 50% thị phần của cả nước.

Hiện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý và khai thác 14 cảng, 2 ICD (cảng nội địa) suốt từ Nam ra Bắc; trong đó, cảng Cát Lái (quận 2) nằm trong top 34 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Cảng Cát Lái hiện đang chiếm trên 85% thị phần container xuất nhập khẩu của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, trên 70% khu vực phía Nam và trên 40% của cả nước.

Dự kiến cả năm 2016, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 52 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2015.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy thế mạnh kinh tế biển, thành phố đang triển khai dự án phức hợp Khu công nghiệp, đô thị Cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (quy hoạch 2.000 ha).

Tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp-khu đô thị lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh nằm bên sông Soài Rạp - luồng tàu rộng nhất và ngắn nhất phía Nam có thể đón tàu có tải trọng từ 50.000 đến 70.000 DWT từ Biển Đông vào hệ thống cụm cảng Khu công nghiệp Hiệp Phước; từ đó qua sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lên thượng nguồn qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tiếp cận với vùng công nghiệp miền Đông Nam ​Bộ, gồm tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, rút ngắn cự lý và thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sự phát triển của tỉnh luôn gắn bó mật thiết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh được coi là nội dung phát triển chung của Vùng.

Quy hoạch dọc sông Thị Vải-Cái Mép và Quốc lộ 51 có nhiều khu công nghiệp như Nhơn Trạch, Gò Dầu (Đồng Nai), Mỹ Xuân, Phú Mỹ (I, II, III), Cái Mép… của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ khu Cái Mép-Thị Vải đã có 116 tuyến vận tải trực tiếp đi châu Mỹ, châu Âu.

Hiện nhiều doanh nghiệp hàng đầu về cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến đầu tư tại Bà Rịa Vũng Tàu. Qua đó, góp phần quan trọng giúp ngành logictics của khu vực phát triển mạnh mẽ.

Để phát huy lợi thế biển, mới đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn (Bình Dương)-Quốc lộ 22, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành (Bình Phước) để nối cụm cảng phía Đông thành phố (Phú Hữu, Tân cảng, ITC) với tỉnh Bình Dương, Tây Ninh.

Đối với địa bàn các tỉnh Long An và Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4; trong đó, ưu tiên đoạn Bến Lức-Hiệp Phước để kết nối giao thông với một số cụm cảng, khu đô thị cảng Hiệp Phước với Quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khơi thông luồng các tuyến sông, kênh rạch đường thủy nội địa, đặc biệt sông Kinh nối đến sông Cần Giuộc và kênh An Hạ nối với sông Vàm Cỏ Đông, hệ thống cảng cạn ICD dọc sông Vàm Cỏ Đông để vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục