Phát triển Khánh Hòa bền vững góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo

Theo báo cáo thẩm tra, phát triển tỉnh Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có tác động lan tỏa vùng miền.
Phát triển Khánh Hòa bền vững góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết bởi đây là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững; đồng thời, giao nhiệm vụ “xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý Nhà nước bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc.”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, Khánh Hòa rất khó thực hiện các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng và Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.

Đáng chú ý, để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với định hướng ngành nghề quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó xác định quy mô vốn tối thiểu tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực để đảm bảo các dự án có quy mô đủ lớn tương xứng với tiềm lực của nhà đầu tư chiến lược.

Trên cơ sở Danh mục này, nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư cụ thể để thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đầu tư.

[Kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa nhiều dấu hiệu khởi sắc]

Để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chế độ ưu đãi theo hướng ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế, được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhất trí ban hành Nghị quyết vì Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu phải có chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có tác động lan tỏa vùng miền.

Về phạm vi chính sách trong dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến cho rằng, các chính sách đề xuất chưa mang tính đột phá, chưa khai thác tối đa thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, các chính sách được đề xuất cần đánh giá tác động toàn diện về kinh tế-xã hội, môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cung cấp danh mục dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh Khánh Hòa để thể hiện rõ phạm vi thực hiện chính sách này; đồng thời, nghiên cứu cho phép áp dụng quy định về việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi quy định…

Đa số ý kiến cho rằng chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW. Tuy nhiên, với vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam;” quy định rõ nội hàm chính sách “được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường tái định cư…;” “được tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư….”

Về quy mô chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế Vân Phong, một số ý kiến đề nghị cân nhắc khả năng bổ sung một số chính sách như áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đa số ý kiến cho rằng chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển đối với tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW, góp phần giữ vững biển đảo. Tuy nhiên, việc cấp phép, giao khu vực biển chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam để đảm bảo an ninh, quốc phòng và cần kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư “núp bóng.”

Phát triển Khánh Hòa bền vững góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo ảnh 2Dự án Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 thuộc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Đa số ý kiến cũng cho rằng cần thiết phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mới vào nuôi trồng thủy sản xa bờ. Các mức ưu đãi cụ thể có thể vận dụng theo các ưu đãi dành cho địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn một cách phù hợp.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét phương án cho phép Khánh Hòa thí điểm áp dụng một số cơ chế hỗ trợ đặc thù (thuế, rút gọn thủ tục…) cho các nhà đầu tư chiến lược, nhất là những dự án đổi mới sáng tạo hoạt động trong Khu Kinh tế Vân Phong, phù hợp với thông lệ, xu hướng quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị mở rộng thêm nguồn tài chính hỗ trợ cho huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, không giới hạn ở ngân sách các huyện, thành phố theo quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, mà có thể sử dụng thêm các nguồn thu hợp pháp khác của tỉnh như tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; thống nhất trình Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được thí điểm áp dụng 6 cơ chế chính sách đặc thù như Chính phủ trình.

Đáng chú ý, về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát quy định thêm trách nhiệm của cơ quan được giao thực hiện chuẩn bị thu hồi đất, trách nhiệm phối hợp của Ủy ban Nhân dân cấp xã, trình tự thủ tục triển khai và hiệu lực pháp lý của kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, đánh giá; nghiên cứu thêm việc áp dụng thí điểm cơ chế này cho một số dự án đầu tư công…

Về một số chính sách đặc thù để phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm các điều kiện bảo đảm an ninh, quốc phòng; có chế tài cụ thể trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm các cam kết, nghĩa vụ, quy định phải thực hiện; làm rõ nội hàm chính sách “được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường tái định cư…,” “được tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư….”

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 2 cơ chế thí điểm đặc thù để phù hợp như một số ý kiến đã nêu: Cơ chế được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong.

Đối với một số chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu ý những vấn đề có liên quan đến các khu vực có quy định về quốc phòng-an ninh, rà soát quy định chặt chẽ để thu hồi ưu đãi giấy phép chấm dứt hoạt động các trường hợp được giao trong khu vực biển cấp phép để nuôi trồng thủy sản nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; quy định nghiêm cấm chuyển nhượng cho người nước ngoài sử dụng khu vực biển được giao, được cấp phép.

Đồng thời, nghiên cứu thêm các cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích việc nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, lưu ý các cơ chế chính sách để phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, phòng, chống thiên tai.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục