Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Đám mây ở đường chân trời

Ông Kim Jong-un cảnh báo rằng chế độ này sẽ có những biện pháp mạnh hơn vào cuối năm nay nếu Washington không chấp nhận một quan điểm đàm phán mềm mỏng.
Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Đám mây ở đường chân trời ảnh 1Bệ phóng tên lửa được vận hành trong cuộc diễn tập quân sự dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở phía Tây nước này ngày 9/5/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin trong khi hội nghị thượng đỉnh Singapore hồi năm ngoái được coi là sự kiện lịch sử vì lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau, nhưng cuộc gặp này đã không thể tạo ra bất kỳ sự tiến bộ nào để hướng tới phi hạt nhân hóa thực sự.

Một số người ban đầu nhầm tưởng hội nghị thượng đỉnh này đã đạt được sự tiến bộ.

Thực vậy, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố một cách đầy phấn khích: “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa… Tôi đã giải quyết xong vấn đề này rồi."

Tuy nhiên, kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore, hy vọng đã phải nhường chỗ cho sự hoài nghi.

Rõ ràng, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn khoảng cách xa trong việc định nghĩa “phi hạt nhân hóa,” chứ chưa nói đến tiến bộ để đạt được nó. Hội nghị thượng đỉnh Singapore - và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội - đã cho thấy rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng không sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí như cha và ông nội của ông.

[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về vấn đề Triều Tiên]

Mỹ lâu nay bị chỉ trích vì không sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cho đến khi một thỏa thuận lần đầu tiên được các nhà ngoại giao đưa ra.

Nhưng cách tiếp cận phi truyền thống, chuyên quyền của ông Trump đã không mang lại hiệu quả trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Can dự ngoại giao lớn hơn, kể cả cấp lãnh đạo, đơn giản là để khẳng định những khác biệt không thể hóa giải.

Bình Nhưỡng hiện quay trở lại tình trạng tự cô lập, từ chối những lời thỉnh cầu của các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Mỹ nối lại đối thoại.

Chế độ này thậm chí gạt bỏ những nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo của Hàn Quốc. Thật khó khăn khi có cuộc đối thoại với một nước không muốn trả lời thư điện tử hoặc nhấc điện thoại.

“Chính sách gây sức ép tối đa” bị suy yếu

Chính sách “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump bao gồm các trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự và cô lập ngoại giao. Thật không may, Tổng thống Trump đã làm suy yếu cả ba thành phần này.

Kể từ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump đã ngăn cản chính sách trừng phạt của Mỹ, làm hạn chế năng lực phòng thủ và răn đe của đồng minh khi hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự và ca ngợi ông Kim Jong-un bất chấp các tội ác của nhà lãnh đạo Triều Tiên chống lại nhân loại.

Chính quyền Trump dường như không còn mạnh mẽ như trước.

Trong 18 tháng đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã trừng phạt các thực thể của Triều Tiên nhiều hơn dưới thời chính quyền Obama làm trong 8 năm.

Nhưng giống như những người tiền nhiệm, ông Trump đã không thực thi đầy đủ luật pháp Mỹ, bao gồm cả những luật bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ.

Do đó, chính sách “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump chưa bao giờ là tối đa.

Năm 2018, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ không trừng phạt 300 thực thể Triều Tiên vi phạm luật pháp Mỹ và các nghị quyết của Liên hợp quốc bởi vì “điều đó sẽ là thiếu tôn trọng trước khi diễn ra cuộc gặp với Kim Jong-un” và “chúng tôi đang có cuộc nói chuyện rất thú vị” với Bình Nhưỡng.

Chính quyền Mỹ cũng đã không hành động chống lại danh sách 12 ngân hàng Trung Quốc mà Quốc hội gửi tới Nhà trắng vì lo ngại rửa tiền.

Tháng 3/2019, Tổng thống Trump đã đảo ngược các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với những người vi phạm Trung Quốc.

Hành động ngăn cản của ông Trump sẽ cản trở các hành động thực thi luật pháp của Mỹ và làm tổn hại các nỗ lực quốc tế gây áp lực buộc chế độ Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Quyết định đảo ngược kế hoạch tăng cường thực thi lệnh trừng phạt phản ánh sự xáo trộn trong chính sách của Mỹ và dấy lên nghi ngờ rằng Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung chừng nào các cuộc đàm phán với Kim Jong-un còn tiếp tục.

Sau hội nghị thượng đỉnh Singapore, Tổng thống Trump đã đơn phương hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự.

Mỹ và Hàn Quốc đã hủy bỏ ít nhất 11 cuộc tập trận của đồng minh và áp đặt những hạn chế đối với tập luyện quân sự bổ sung.

Mỹ đã không nhận được những biện pháp ngoại giao và quân sự tương ứng, thay vào đó Triều Tiên tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận.

Việc ông Trump ôm lấy ông Kim Jong-un, người đang trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì vi phạm nhân quyền, là mâu thuẫn với những nỗ lực của Mỹ cô lập Triều Tiên về mặt ngoại giao.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore, Tổng thống Trump đã miễn cưỡng chỉ trích các tội ác của Bình Nhưỡng chống lại nhân loại. Mối quan hệ cá nhân gần gũi của hai nhà lãnh đạo được coi là lý do không áp dụng các trừng phạt bổ sung.

Đám mây ở đường chân trời?

Tổng thống Trump cho rằng thành công của ông là việc Triều Tiên tiếp tục trì hoãn thử hạt nhân và tên lửa.

Ông Trump tuyên bố “Tôi chỉ không muốn các vụ thử. Chừng nào không có thử nghiệm, chúng tôi rất vui mừng.”

Tổng thống Trump đã giảm bớt sự nghiệm trọng của lần thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới đây của Bình Nhưỡng, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đều cho rằng vụ thử vừa rồi của Bình Nhưỡng là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Nhưng việc Bình Nhưỡng không thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân không có nghĩa mối đe dọa Triều Tiên đã được giảm bớt.

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Đám mây ở đường chân trời ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo ước tính, Triều Tiên tiếp tục sản xuất 7 vũ khí hạt nhân mỗi năm. Nước này cũng đã mở rộng các cơ sở sản xuất nguyên liệu phân hạch, phương tiện nạp vũ khí hạt nhân, tên lửa và bệ phóng tên lửa.

Tháng 1/2018, giám đốc CIA khi đó ông Michael Pompeo khẳng định rằng Triều Tiên chỉ còn cách “vài tháng nữa” là có thể nhằm mục tiêu vào lãnh thổ nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Ông Kim Jong-un tuyên bố sự kiên nhẫn của ông không phải là vô hạn.

Ông cảnh báo rằng chế độ này sẽ có những biện pháp mạnh hơn vào cuối năm nay nếu Washington không chấp nhận một quan điểm đàm phán mềm mỏng.

Mỹ hiện muốn hướng tới một hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba về tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, tháng 12/2018, Cố vấn an ninh quốc gia đã nhận xét rằng sự thiếu tiến bộ kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore đã khẳng định quan điểm của tổng thống về sự cần thiết của hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.

Chưa rõ liệu chính quyền Trump sẽ tính đến khả năng tấn công quân sự phủ đầu vào Triều Tiên hay không nếu nước này nối lại việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, nhưng chắc chắn điều đó sẽ đưa bán đảo Triều Tiên trở lại căng thẳng và khó dự đoán hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục