Mặc dù một số quốc gia đã thực hiện việc phi hình sự hóa mại dâm và cho thấy hiệu quả rõ rệt khi quản lý tốt hơn vấn đề này, nhưng vấn đề hợp pháp hóa mại dâm vẫn gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, các hoạt động mại dâm đều bị cấm và bị xử phạt, tuy nhiên, các chính sách phòng, chống mại dâm cũng đang hướng tới tiếp cận dựa trên quyền con người và hỗ trợ để giảm tác hại của mại dâm đến xã hội.
Giảm hại từ loại bỏ những mối lo sợ
Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đưa ra mô hình thí điểm quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội... Bên cạnh phòng chống mại dâm, các hoạt động của giai đoạn mới cũng sẽ tập trung vào việc quản lý, hỗ trợ các đối tượng bán dâm để giảm tác hại từ mại dâm đến xã hội.
Những mô hình thí điểm mới được đặt ra xuất phát từ thực tế những quy định pháp luật khiến đại đa số những người bán dâm mặc dù bị bạo hành, bị bóc lột thậm chí không bảo vệ mình trước việc bị nhiễm HIV nhưng không có sự hỗ trợ nào đối với họ.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Mạng lưới hỗ trợ người lao động tình dục Việt Nam tâm sự: “Những người phụ nữ bán dâm gặp rất nhiều rủi ro như bị cưỡng bức, bị bóc lột và bị tịch thu tài sản nhưng họ không dám đến công an trình báo mà chỉ chia sẻ với nhau, không dám đến đâu tìm sự trợ giúp. Họ chấp nhận tất cả những điều đó như là rủi ro khi làm công việc bán dâm.”
Bà Ritsu Nacken, Phó Đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người hành nghề mại dâm phải sống một cuộc sống đầy sợ hãi, khó khăn và kỳ thị.
Những người hành nghề mại dâm sợ bị bắt giữ; họ sợ bị đánh đập hoặc bị phát hiện có mang bao cao su, hoặc bị khách hàng của họ hãm hiếp; và họ sợ bị từ chối nếu họ tìm cách rời bỏ mại dâm và tái hòa nhập xã hội.
Những nỗi sợ hãi này thường lớn hơn nỗi sợ lây nhiễm HIV và do vậy đã hạn chế họ tiếp cận các dịch vụ phòng tránh HIV. Đây là một phần lý do giải thích tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người hành nghề mại dâm rất cao ở một số địa phương.
“Loại bỏ những mối lo sợ là trung tâm của phương thức giảm hại, được xây dựng trên cơ sở nhân quyền. Các dịch vụ y tế phải trở nên sẵn có, dễ tiếp cận và dễ được người hành nghề mại dâm chấp nhận dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và quyền về sức khỏe. Nó cũng đề cao việc tăng cường vai trò của môi trường làm việc trong các ứng phó với HIV và đảm bảo cho người hành nghề mại dâm tiếp cận được các dịch vụ,” bà Ritsu Nacken nhấn mạnh.
Phi hình sự hoá có gia tăng lao động tình dục?
Để học hỏi kinh nghiệm về những mô hình giảm tác hại của mại dâm đến xã hội, một đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã sang New Zeland tìm hiểu về việc thực thi Luật Cải cách mại dâm. Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hoá mại dâm của New Zeland tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội, các chuyên gia đã chia sẻ một phương pháp mới để quản lý, giảm hại từ mại dâm.
Tại New Zeland, trước năm 2003 mại dâm là bất hợp pháp, các hoạt động liên quan đến mại dâm là tội hình sự, tất cả các hành vi quảng cáo mại dâm, chứa mại dâm, bán dâm, mại dâm đường phố… đều bị xử phạt.
Tuy nhiên, từ năm 2003, Luật Cải cách về mại dâm đã được thông qua và mại dâm đã được phi hình sự hóa, mặc dù số phiếu thông qua tại Quốc hội New Zeland chênh lệch rất ít giữa những người ủng hộ (64 phiếu) và các nhóm phản đối (59 phiếu).
Mục đích của Luật Cải cách mại dâm năm 2003 là tạo ra một khuôn khổ cho việc bảo vệ nhân quyền của người bán dâm, thúc đẩy phúc lợi, sức khỏe và an toàn của người bán dâm.
Luật Cải cách mại dâm năm 2003 được thông qua dấy lên nhiều lo ngại về việc gia tăng mại dâm khiến các nhà lập pháp New Zeland phải nêu rõ mục đích của luật là phi hình thức hóa mại dâm để tạo ra một khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người bán dâm và bảo vệ họ khỏi bị bóc lột. Chính phủ cũng tổ chức các hệ thống hỗ trợ những người bán dâm về kiểm tra sức khỏe, an toàn và hỗ trợ những người muốn rời bỏ nghề này.
Khi luật được triển khai, New Zeland đã xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác quản lý. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các nhà thổ, chủ chứa và người bán dâm hoạt động hợp pháp thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước một cách minh bạch, rõ ràng.
Từ đó, New Zeland từng bước được ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội so với trước đây khi để người bán dâm hoạt động tràn lan không thể kiểm soát được. Các án hình sự về mại dâm được kéo giãn rõ rệt, việc lây truyền qua đường tình dục thông qua các hoạt động mai dâm được kiểm soát chặt chẽ.
Bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, các nghiên cứu của New Zeland cho thấy, không có bằng chứng về sự bùng nổ của ngành công nghiệp tình dục hoặc gia tăng số lượng lao động tình dục ở New Zeland. Phi hình sự hóa mại dâm cũng đã không dẫn đến tha hóa đạo đức như một số dự đoán.
Sau hơn 10 năm thực thi luật, do tính hiệu quả của luật, tỷ lệ ủng hộ Luật Cải cách về mại dâm tại New Zeland đã thay đổi đáng kể, năm 2015 đã có 109 thành viên ủng hộ luật, chỉ có 12 thành viên phản đối. Tỷ lệ ủng hộ đã tăng từ 52% (năm 2003) lên đến 90% (năm 2015).
Tiếp cận về quyền con người
Đánh giá cao hiệu quả từ các chính sách của New Zeland nhưng các chuyên gia cho rằng mỗi quốc gia có điều kiện để thực thi chính sách khác nhau, ở Việt Nam vẫn chưa thể phi hình sự hóa mại dâm. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học hỏi một số mô hình hỗ trợ giảm hại, quản lý các dịch vụ “nhạy cảm.”
Ông Lê Văn Quý, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đều thừa nhận rằng, hoạt động mại dâm đã diễn ra từ lâu đời, đó là thực trạng thực tế, mà mỗi người chúng ta không thể chối bỏ và né tránh.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hơn 4.000 năm văn hiến đã có truyền thống xây dựng nên văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đạo đức thuần phong mỹ tục và luôn tôn vinh vai trò phụ nữ. Vì vậy, việc thay đổi quan điểm và tư duy mới và công tác này của cả nước không phải là một câu chuyện dễ dàng.”
“Chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận, cách đánh giá và quan điểm mới về lĩnh vực mai dâm bằng các chính sách pháp luật cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ yếu thế chẳng may sa cơ vào tệ nạn này để được hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ họ, tạo điều kiện để người bán dâm được bảo đảm thực hiện quyền được bảo vệ của chính bản thân mình,” ông Lê Văn Quý nói.
Những kinh nghiệm từ New Zeland cho thấy việc tiếp cận người bán dâm dưới góc độ giúp đỡ, bảo vệ họ về sức khoẻ, an toàn sẽ làm giảm thiểu đáng kể những tác hại của mại dâm, việc quản lý hoạt động mại dâm sẽ hiệu quả hơn.
Bà Lê Thị Hà cho rằng trong thời gian tới cần xây dựng khung pháp luật về mại dâm theo nguyên tắc tiếp cận về quyền con người, tăng cường phối hợp liên ngành trong cung cấp các dịch vụ giảm hại./.