Dù chưa có bằng tốt nghiệp đại học nhưng Nguyễn Thành Vương (sinh năm 1981, quê huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), Phó Chủ tịch xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) vẫn khai nhận là cử nhân kinh tế để ứng cử vào Hội đồng Nhân dân huyện Bù Đăng.
Không dừng lại ở đó, vị Phó chủ tịch này còn chỉ đạo thu chi một cách mờ ám và “rút ruột" cả nhà tình thương
Tự nhận tốt nghiệp đại học để ứng cử đại biểu hội đồng
Nguyễn Thành Vương làm công an viên từ tháng 12/2001 đến tháng 8/2008, rồi chuyển sang làm văn thư văn phòng ủy ban nhân dân. Sau đó, Vương được cử đi học lớp đào tạo xã đội trưởng để về làm xã đội phó, rồi làm xã đội trưởng. Đến tháng 8/2008, được đề bạt chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung đến nay.
Điều đang nói là khi diễn ra cuộc bầu cử (tháng 5/2011), Vương đã khai man trong bản tóm tắt tiểu sử của mình để ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Bù Đăng với trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế.
Tuy nhiên, một cán bộ Phòng Đào tạo Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2005, Vương thi lớp kế toán hệ tại chức thuộc Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với tỉnh Bình Phước. Tháng 1/2006, Vương nhận quyết định trúng tuyển và trong 4 năm học 48 môn, Vương thi lại đến…19 môn!”
Theo bảng điểm mà Phòng Đào tạo trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho chúng tôi có phần lưu ý: “sinh viên chưa tốt nghiệp" vì ông Vương còn nợ môn Cơ sở (thi đợt đầu được 4 điểm, thi lại chỉ được 2 điểm). Như vậy, có thể khẳng định rằng, thời điểm ông Vương khai nhận vào tháng 5/2011 là hoàn toàn sai sự thật.
Không dừng lại ở đó, năm 2010, Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung xin quyết toán ngân sách 51,2 triệu đồng tiền sửa đường. Thực tế, số tiền sửa đường chỉ hơn 10 triệu đồng. Khi các đại biểu yêu cầu giải trình tại kỳ họp thứ 2 của Hội đồng Nhân dân xã Nghĩa Trung thì ông Vương không đưa ra được bất cứ chứng từ nào.
Ông Đinh Quang Suy, Trưởng thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng cho biết họ đã yêu câu ông Vương giải trình việc sửa đường dốc chùa thôn 3 nhưng ông Vương không giải trình được tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân.
Bởi vì, đoạn đường đó chỉ sửa hết hơn 10 triệu đồng và ông Suy là người đã trực tiếp sửa đoạn đường một lần và mức kinh phí chưa tới 10 triệu đồng vào năm 2008. Và do không được sửa chữa chu đáo, con đường hiện có nhiều khoảng sạt lở rất nguy hiểm.
“Đến nay đoạn đường sửa chữa đó ngày nắng thì bụi mù, còn ngày mưa thì lầy lội không thể đi nổi,” ông Suy bức xúc.
“Rút ruột"… nhà tình thương
Cuối năm 2009, đầu năm 2010, Quỹ đầu tư phát triển và Công ty Thành Đạt ủng hộ Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung 48 triệu đồng để xây dựng 4 căn nhà tình thương cho những hộ đồng bào dân tộc có đời sống khó khăn sống trên địa bàn xã.
Nhận tiền xong, ông Vương không cho xây dựng bất cứ căn nhà tình thương nào. Nhiều đại biểu, cán bộ xã bức xúc làm đơn tố cáo. Ngay sau đó, Ủy ban kiểm tra huyện ủy Bù Đăng lập đoàn thanh tra, kiểm tra kết luận lời tố cáo là đúng.
Ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung, cho biết: “Ủy ban kiểm tra huyện ủy Bù Đăng đã có kết luận, yêu cầu phải xây ngay nhà tình thương cho dân, Ủy ban Nhân dân xã đã xây được 1 căn, số còn lại chưa thể vì ngân sách xã hiện nay rất khó khăn.”
Theo điều tra của phóng viên, căn nhà được cấp của hộ Điểu Lúa là 15 triệu đồng nhưng thực chất chủ hộ này mới chỉ nhận được 10 triệu đồng. Một điều rất nghịch lý là tiền ủng hộ đó là xây nhà tình thương cho các hộ đồng bào dân tộc có đời sống khó khăn, nhưng hộ ông Điểu Lúa không thuộc diện hộ nghèo. Chỉ có mẹ ông Điểu Lúa là thuộc diện hộ nghèo nhưng đến nay đã thoát nghèo và bản thân bà cũng được chính quyền hứa sửa nhà 8 triệu đồng (tuy nhiên bà mới nhận được 4 triệu đồng).
Mặt khác, là số tiền xây nhà tình thương cho hộ ông Điểu Lúa chỉ đủ trả tiền thợ xây nhà. Đến giai đoạn tô nhà, vợ chồng ông Điểu Lúa phải mướn thợ khác với giá tiền công vài triệu đồng. Và cho đến nay, căn nhà của hộ ông Điểu Lúa vẫn chưa hoàn chỉnh và không có đoàn cán bộ nào dám đến nghiệm thu vì giá trị thực của căn nhà hoàn toàn khác xa so với báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung.
Trước những sai phạm mang tính chất hệ thống này, Đoàn kiểm tra, Ủy ban kiểm tra, huyện Bù Đăng đã khẳng định Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Trung Nguyễn Thành Vương đã sai phạm trong quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân xã và trong công tác thì lạm quyền. Trong việc thực hiện thu chi tài chính có một số không đúng nguyên tắc và chưa trung thực trong việc báo cáo làm đường giao thông thôn 3, để tổ kiểm tra phải đi lại nhiều lần mới nhận./.