Phó Thủ tướng: Có thêm 3.000km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030

Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như tuyến cao tốc Bắc-Nam đẩy nhanh việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Phương tiện lưu thông trên một tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên một tuyến cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như tuyến cao tốc Bắc-Nam đẩy nhanh việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ bản giữa năm 2021 đưa vào vận hành.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng ngày 2/1/2020.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2019 ngành giao thông vận tải tập trung công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp luật; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; quản lý vận tải được tăng cường về chất lượng dịch vụ, loại hình đã góp phần giảm chi phí vận tải, giảm chi phí đầu vào; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông triển khai tích cực…

Phó Thủ tướng cho rằng ngành giao thông còn đứng trước nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi phải giải quyết thời gian tới, vấn đề giao thông không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải là trong thời gian dài.

“Kết cấu hạ tầng giao thông nhìn chung còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần giải quyết. Đường bộ nước ta có 290.000km đường bộ nhưng chỉ có 1.300km đường cao tốc. Trong chiến lược phát triển 10 năm tới, mục tiêu vào năm 2020 đạt 2.000km đường cao tốc. Không một quốc gia nào phát triển mà không có đường cao tốc. Do đó, ngành giao thông phải dồn lực vào làm để phát triển kinh tế,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

[Nhà đầu tư 'ăn đong' sẽ không dám tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam]

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, tình trạng quá tải tại sân bay chưa được khắc phục, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất; giao thông đường thủy chưa được khai thác có hiệu quả làm tăng áp lực lên vận tải đường bộ; việc kết nối các loại hình giao thông và giữa các khu kinh tế, cảng biển, khu đô thị còn hạn chế; hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đầu tư chậm đặc biệt là đường sắt đô thị làm gia tăng ô nhiễm môi trường...

“Ngành giao thông còn lúng túng trong việc chọn nhà đầu tư dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam vẫn phải bảo cáo nhiều quá nên kéo dài thời gian; lúng túng trong việc phân giao đầu tư xây dựng và quản lý khu bay, doanh nghiệp có tiền nhưng vướng quy định nên chưa thể triển khai,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đưa ra nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tập trung xây dựng pháp luật; phối hợp các Bộ xác định rõ cơ chế đầu tư khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất) nhằm tháo gỡ nhanh, báo cáo Chính phủ; tái cấu trúc vận tải toàn ngành để đảm bảo phát triển hài hòa hợp lý vận tải đa phương thức, logistics; phát triển vận tải hành khách công cộng.

Ngành giao thông cần rà soát cập nhật các quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 theo Luật quy hoạch hướng tới 2040 của toàn ngành; giai đoạn 2021-2030 cố gắng có thêm 3.000km đường cao tốc, quy hoạch đường sắt mạng lưới tổng thể các khu vực để giải quyết các nút thắt; quy hoạch hệ thống Cảng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa.

Phó Thủ tướng: Có thêm 3.000km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030 ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo giai đoạn 2021-2030, ngành giao thông vận tải cố gắng có thêm 3.000km đường cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như tuyến cao tốc Bắc-Nam đẩy nhanh việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ bản giữa năm 2021 đưa vào vận hành; khẩn trương nâng cấp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đầu tư sân bay Long Thành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bao tiến độ đường sắt đô thị, đặc biệt là đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chỉ còn vướng thủ tục nhỏ, cơ bản là trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ nên sớm giải quyết để đưa vào hoạt động phục vụ người dân; xử lý tồn tại các dự án thu phí BOT…

Báo cáo về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của năm 2020, đối với đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 với số vốn dự kiến giải ngân là 35.300 tỷ đồng.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để sớm khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kịp thời giải trình với Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để sớm báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho hay.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục