Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar, ngày 18/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến thăm chi nhánh BIDV Yangon. Đây là chi nhánh ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Myanmar.
Phát biểu tại chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của chi nhánh BIDV Yangon cùng những cố gắng nỗ lực của chi nhánh trong việc kết nối Myanmar với thị trường quốc tế, hỗ trợ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar.
[BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 10.500 tỷ đồng]
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng hy vọng trong thời gian tới với các thế mạnh riêng của mình, BIDV nói chung và chi nhánh BIDV Yangon nói riêng sẽ tiếp tục là cầu nối hiệu quả thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch và đầu tư giữa 2 quốc gia.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV ông Phan Đức Tú cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của chi nhánh, triển khai các hoạt động kinh doanh bài bản, lâu dài, tuân thủ các quy định của luật pháp Myanmar.
Người đứng đầu của BIDV cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam để BIDV có thể tiếp tục có nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực trong hoạt động đầu tư, thương mại của Việt Nam và Myanmar nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2016, BIDV Yangon là chi nhánh ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp đa dạng các sản phẩm ngân hàng cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Myanmar. Tính đến 31/5/2019, chi nhánh BIDV Yangon có tổng tài sản hơn 130 triệu USD, huy động vốn đạt 46,5 triệu USD, dư nợ bình quân đạt 20 triệu USD, lượng khách hàng doanh nghiệp của chi nhánh cũng đã tăng 27% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh các sản phẩm tín dụng và thanh toán, BIDV Yangon đã tập trung đàm phán với các ngân hàng bản địa để triển khai các sản phẩm: Thu hộ, nộp/rút tiền mặt, trong đó, đáng chú ý là đã triển khai thành công sản phẩm thu hộ cho nhiều dự án của các công ty có vốn đầu tư của Việt Nam. Các hoạt động của chi nhánh không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho thị trường Myanmar mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế, hỗ trợ thương mại và quan hệ kinh tế của Việt Nam và Myanmar đang ngày một sôi động. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 860 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 544 triệu USD.
Về đầu tư, Việt Nam đã ổn định ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký tính đến nay là gần 2,2 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam có hiện diện thương mại và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức./.