Phóng viên TTXVN tại Hong Kong: Mạnh mẽ hơn sau những khó khăn

"Những khó khăn đã trải qua dường như giúp chúng tôi mạnh mẽ và trưởng thành hơn, tôi luyện bản lĩnh để đương đầu với thách thức...," phóng viên Lê Anh chia sẻ nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Phóng viên Lê Anh phỏng vấn ông Trần Thanh Huân.
Phóng viên Lê Anh phỏng vấn ông Trần Thanh Huân.

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và điểm du lịch hấp dẫn đối với các tín đồ mua sắm với những tòa nhà cao chọc trời và cuộc sống luôn tấp nập ồn ào. Tuy nhiên, đến tháng 6/2019, tại Hong Kong xảy ra các cuộc biểu tình bạo loạn kéo dài nhiều tháng.

Nơi cơ quan thường trú Hong Kong đặt trụ sở và nhà của các phóng viên đều nằm ở khu trung tâm của đảo Hong Kong. Đêm đến, xe cảnh sát hú còi và tiếng người chạy ngoài đường là cảnh tượng không xa lạ.

Không còn là thiên đường mua sắm nhộn nhịp và tấp nập, thay vào đó, các cửa hàng, các trung tâm thương mại đóng cửa, người dân khi ra ngoài đều có cảm giác lo ngại. Những ngày cuối tuần không còn bình yên.

Sân bay quốc tế Hong Kong - một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới đã phải đóng cửa. Việc tác nghiệp của các phóng viên Hong Kong cũng như phóng viên quốc tế vào thời điểm này rất vất vả, thậm chí còn nguy hiểm.

Để giúp cho công việc tác nghiệp được diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các phóng viên trong các cuộc biểu tình, Hiệp hội báo chí Hong Kong cũng đã tổ chức các lớp học hướng dẫn các phóng viên đưa tin tại hiện trường một cách an toàn, tránh đạn hơi cay và mặc áo dành riêng cho báo chí...

[Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ: Đi giữa những cơn sóng ngầm đang cuộn chảy]

Tiếp đó là đại dịch COVID-19 lan sang Hong Kong vào tháng 1/2020 và chúng tôi lại tiếp tục bắt tay vào đợt thông tin với những khó khăn mới.

Virus SARS-CoV-2 khi đó còn rất mới mẻ, chúng tôi liên tục phải liên hệ với các chuyên gia y tế, người dân sở tại để tìm hiểu tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, đề nghị phỏng vấn thì rất khó vì ai cũng sợ lây nhiễm dịch bệnh, đây cũng là một khó khăn của chúng tôi khi tác nghiệp trong thời gian này.

Ngoài ra, khi đó khẩu trang, nước sát khuẩn cháy hàng, gạo, thực phẩm hay giấy vệ sinh cũng là mặt hàng mà người dân Hong Kong xếp hàng để mua do lo ngại bị phong tỏa.

Cảnh tượng này khi đó đối với người dân thế giới còn khá xa lạ, số ca COVID-19 của Hong Kong tăng lên hằng ngày, thành phố vốn nhộn nhịp trở nên im lìm khi loạt cửa hàng, quán xá đóng cửa và vắng bóng khách du lịch do lệnh hạn chế tụ tập của chính quyền địa phương.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh khi tác nghiệp là rất cao, nhất là khi ra ngoài, tuy nhiên, chúng tôi xác định vẫn phải đảm bảo các thông tin cập nhật kịp thời về tình hình địa bàn, đồng thời cũng cẩn thận tối đa, đặt an toàn cho chính mình và người thân trong gia đình lên trên hết.

Hong Kong đã liên tiếp trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19, rồi chương trình vaccine ngừa COVID-19 được tiêm chủng miễn phí cho toàn bộ người dân đã giúp tình hình dịch bệnh ở đây được cải thiện đáng kể... Tất cả đều được các anh em phóng viên chúng tôi đưa tin và phản ánh tình hình một cách kịp thời.

Một trong những thử thách khó khăn nhất mà anh em phóng viên thường trú tại địa bàn phải vượt qua trong thời kỳ dịch bệnh này là nỗi đau mất người thân ở quê nhà.

Phóng viên TTXVN tại Hong Kong: Mạnh mẽ hơn sau những khó khăn ảnh 1Phóng viên Lê Anh tác nghiệp.

Trước đây, chúng tôi đều nghĩ rằng đi nhiệm kỳ ở Hong Kong là may mắn vì khoảng cách gần, phương tiện đi lại thuận tiện, khi gia đình có việc, chỉ mất chưa đầy 2 giờ là có thể có mặt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, đi lại khó khăn, thủ tục xin về nước rất phức tạp với các quy định cách ly nghiêm ngặt, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy bất lực như những lúc người thân ra đi mà mình không thể về nước để gặp mặt lần cuối. Những lúc như thế lại cảm thấy đường về nhà trở nên quá xa xôi.

Như anh Bùi Xuân Tuấn, cha mất khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, đã không thể về nước tiễn biệt cha lần cuối. Rồi phóng viên Thạch Bình vừa sang công tác được một tháng thì nhận được tin cha mất, lại là con trai duy nhất trong gia đình mà cũng đành gạt nước mắt chịu tang ở xứ lạ.

Rồi một tháng sau, vào ngày Tết cận kề, đến lượt tôi nhận được tin người cha thân yêu qua đời. Khi đó, tôi mới thật sự thấm thía nỗi đau mất mát người thân khi ở nơi đất khách quê người, nỗi đau giằng xé của người con không thể làm tròn được đạo hiếu.

Những lúc cảm thấy vô cùng bế tắc như vậy, chính sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của gia đình, lãnh đạo cơ quan, các anh chị em đồng nghiệp và bạn bè đã giúp chúng tôi vượt qua nỗi đau, tiếp tục công việc.

Những khó khăn đã trải qua dường như giúp chúng tôi mạnh mẽ và trưởng thành hơn, tôi luyện bản lĩnh để đương đầu với những thách thức của cuộc sống và cảm thấy trân quý những giây phút bình yên bên người thân hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục