Bằng nguồn lực trong nước cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 40.000-50.000ha ở các khu vực ô nhiễm bom, mìn. Trong ảnh: Lực lượng công binh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đưa vật liệu nổ rà phá được về nơi tập kết tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (2/2012). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Đội rà phá bom mìn lưu động số 1 thuộc Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam xử lý an toàn một quả bom lớn với trọng lượng khoảng 227kg, đường kính 274mm, chiều dài 1,54m được phát hiện tại mỏ đá thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701). Trong ảnh: Đội công tác rà phá bom, mìn thuộc Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 rà phá bom mìn khu vực Thượng Thành, thành phố Huế để triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế (4/2020). (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Lực lượng chức năng di chuyển quả bom có trọng lượng khoảng 227kg, đường kính 274mm, chiều dài 1,54m tới địa điểm để hủy nổ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Lực lượng chức năng tiến hành trục vớt quả bom chưa nổ dưới sông Hồng, cách chân cầu Long Biên về phía thượng lưu khoảng 600m. Quả bom dài 1,6m, có đường kính khoảng 35cm, nằm sâu 2m. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Các chiến sỹ công binh-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang rà phá thành công vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên tiến hành hủy nổ thành công 2 quả bom MK 82 có chiều dài 2,1m, đường kính 30cm, mỗi quả có trọng lượng trên 200 kg, còn nguyên ngòi nổ. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)
Ký kết Bản ghi nhớ Chương trình hỗ trợ và hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, ngày 16/11/2010. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Ireland ký văn bản ghi nhớ về việc tăng cường cam kết và tài trợ của Chính phủ Ireland cho hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam (29/10/2012). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Cán bộ phụ trách Dự án hợp tác khảo sát, rà phá bom chùm và các loại vật nổ khác tại Quảng Bình giới thiệu các phương pháp hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn. (Ảnh: Đức Thọ/ TTXVN)
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Trong ảnh: Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả Dự án khảo sát kỹ thuật xác định khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ giai đoạn 2 tại Thừa Thiên-Huế (Hà Nội, 17/11/2020). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổ chức RENEW và Viện Humpty Dumpty Institute (tổ chức phi Chính phủ tại Mỹ) tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi cho gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bom, mìn trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (2/2012). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Bà Rose E. Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thăm hiện trường Dự án rà phá bom, mìn của tổ chức MAG (Tổ chức nhân đạo phi Chính phủ tại Anh) và NPA (Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy tại Việt Nam) tại thôn Tràng Soi, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (2/3/2015). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Tổ chức rà phá bom, mìn Đan Mạch (DDG) ký biên bản ghi nhớ về dự án 'Giảm thiểu nguy cơ bom, mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên-Huế' (1/6/2017). (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn ở Việt Nam. Trong ảnh: Bộ Quốc phòng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) ký biên bản thảo luận dự án 'Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh' (14/6/2016). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 504 và các đại biểu tham quan khu trưng bày các hiện vật bom, mìn tại lễ khánh thành Trụ sở Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (20/10/2016). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Trung tá Shahab Udin (Đoàn đánh giá chất lượng và tư vấn (AAV) của Liên hợp quốc) hướng dẫn chiến sỹ công binh tại Lữ đoàn 249 triển khai nội dung rà phá bom, mìn (6/2017). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đoàn viên thanh niên, lực lượng quân đội tham gia diễu hành kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4) tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), sáng 31/3/2019. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Thao diễn các quy trình rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại Lễ míttinh, diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4). (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Nạn nhân bom mìn Trương Hồng Hoàn (sinh năm 1984), ở thôn Tây, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (giữa ảnh) vươn lên trong cuộc sống với nghề điện. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Nạn nhân bom mìn Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1978), ở thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, năm 2018 được dự án hỗ trợ 6 triệu đồng chăn nuôi gà, trâu. Từ hộ nghèo nay đã thoát nghèo, gia đình anh vay ngân hàng chính sách 100 triệu đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế, trừ mọi chi phí sinh hoạt và học hành của con cái, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Hạnh (thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị mất 1 chân vì cuốc phải bom trong một lần làm ruộng vào tháng 3/1995. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Nhóm cố vấn bom mìn - MAG (tổ chức phi Chính phủ nhân đạo của Anh) tổ chức truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn và vật liệu nổ cho học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (4/2013). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Cán bộ Đoàn công binh Tháng Tám (Binh chủng công binh) tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về hiểm họa bom, mìn, cách phòng ngừa tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh cho đồng bào Vân Kiều ở xã Đa Krông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Phạm Thị Huế/TTXVN)
Đội xử lý bom mìn MAG Quảng Bình vận chuyển an toàn quả bom nặng gần 230kg còn sót lại sau chiến tranh gần sát chợ thành phố Đồng Hới. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng công binh tỉnh Bình Dương xử lý di dời an toàn quả bom MK82, có chiều dài 2,2 mét, nặng đến 232kg. Quả bom còn nguyên kíp nổ, bên trong còn chứa 87kg thuốc nổ TNT rất nguy hiểm được phát hiện tại công trình xây dựng Nhà văn hóa xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)
Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre tiến hành thu gom quả bom nặng 250kg tại cồn Nghêu, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)
Diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 (2018). (Ảnh TTXVN phát)
Được thành lập vào tháng 8/2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom, mìn duy nhất trong 40 đội rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, có nhiệm vụ rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Dự kiến phải mất hơn 100 năm nữa Việt Nam mới làm sạch bom, mìn trên toàn quốc. Trong ảnh: Đội rà phá bom, mìn lưu động tỉnh Quảng Trị tiến hành di chuyển quả bom phát hiện trong mùa mưa lũ năm 2013 tại thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, sách, báo, tuyên truyền về phòng tránh bom mìn tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)