Quan hệ Việt Nam-Pháp dưới góc nhìn lịch sử, ngoại giao và kinh tế

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp có lịch sử lâu đời từ cách đây hơn 300 năm, song 45 năm qua đã chứng kiến nhiều sự kiện nhất, nhiều thay đổi nhất và hiện đang đứng trước nhiều cơ hội mới nhất.
Quan hệ Việt Nam-Pháp dưới góc nhìn lịch sử, ngoại giao và kinh tế ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp có lịch sử lâu đời từ cách đây hơn 300 năm, song 45 năm qua đã chứng kiến nhiều sự kiện nhất, nhiều thay đổi nhất và hiện đang đứng trước nhiều cơ hội mới nhất.

Đây là lời khẳng định của các đại biểu tham dự cuộc hội thảo "Quan hệ Pháp-Việt Nam" do Trung tâm châu Á tổ chức ngày 9/4 tại Paris.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, cuộc hội thảo có ý nghĩa quan trọng khi diễn ra vào đúng thời điểm đánh dấu chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm đối tác chiến lược giữa hai nước, và chỉ ít ngày sau thành công to lớn của chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là dịp để các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia quan hệ quốc tế và những người đã nhiều năm gắn bó tâm huyết với quan hệ song phương cùng nhau đánh giá lại chặng đường hợp tác, cùng nhau xác định các cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Theo nhà nghiên cứu Dương Văn Quảng, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, những nhân tố địa chính trị tác động rất lớn đến các mối quan hệ song phương. Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã tiên đoán chiến tranh phải kết thúc bằng giải pháp hòa bình và Hội nghị Paris được tổ chức.

Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Tổng thống Pháp François Mitterrand đã đến thăm Hà Nội năm 1993, xác định lại khuôn khổ mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Gần đây nhất, chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chuyến thăm lịch sử, mở ra cơ hội mới trong quan hệ song phương.

[Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron gặp báo chí]

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp nhận định Pháp đã đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ với Việt Nam, xóa nợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên Câu lạc bộ Paris.

Đại sứ nhấn mạnh quan hệ với Pháp giữ vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam vì từ nhiều năm nay, Pháp không chỉ là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam mà còn là đối tác hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ Việt Nam-Pháp dưới góc nhìn lịch sử, ngoại giao và kinh tế ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois de Rugy đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nghị sỹ Stéphanie Đỗ, chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Hạ viện, đánh giá cao kết quả chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhiều hợp đồng kinh tế đã được ký kết giữa hai bên nhân dịp chuyến thăm.

Bà nhận định Việt Nam dần khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế, nhờ sự phát triển kinh tế năng động từ nhiều năm nay.

Cách đây 5 năm, hai nước đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược, thể hiện sự nâng cấp về tin cậy chính trị và mở ra chiều sâu mới trong quan hệ hợp tác trên 5 lĩnh vực: chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục-đào tạo-nghiên cứu khoa học-luật pháp-tư pháp.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan Đảng, chính phủ, hợp tác giữa các cơ quan nghị viện, giữa các địa phương và nhân dân hai nước ngày càng phát triển đa dạng và phong phú. Sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường.

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội thảo đều thấy rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước chưa được như mong muốn của nhân dân hai nước. Hợp tác kinh tế song phương chưa xứng tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp. Pháp mới chỉ chiếm 1% trao đổi thương mại của Việt Nam.

Với 4,62 tỷ USD trao đổi thương mại năm 2017, Pháp chỉ đứng thứ 5 trong các nước châu Âu. Pháp đứng thứ 16 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Ông Claude Blanchemaison, thống đốc Pháp tại Quỹ Á-Âu, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhấn mạnh cần phải phê chuẩn và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ngay từ năm tới, nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp châu Âu.

Theo ông môi trường Việt Nam rất cạnh tranh do Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Các doanh nghiệp Pháp sẽ cần phải cố gắng nhiều để tiến sâu vào thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân này.

Tiến sỹ Jean-Philippe Eglinger, giám đốc công ty Viet Phap Strategies, nhận định rằng hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam chưa được như mong muốn cho dù có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đồng thời nhấn mạnh hiểu nhau là điều kiện tiên quyết để hợp tác tốt và cùng phát triển.

Quan hệ hai nước đang đứng trước một bước ngoặt rất quan trọng với nhiều thách thức cũng như cơ hội. Bên cạnh sự gắn kết về lịch sử và văn hóa, việc tăng cường hợp tác song phương là yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước, nhất là trong bối cảnh Pháp đang đóng vai trò ngày càng lớn ở châu Âu và trên thế giới, trong khi Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển năng động ở Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục