Quản lý thị trường phía Nam phát hiện hơn 11.420 vụ vi phạm

Trong 6 tháng đầu năm, các Chi cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phía Nam đã phát hiện hơn 11.420 vụ vi phạm, xử lý hơn 10.320 vụ với tổng số tiền phạt và bán hàng tịch thu là hơn 119,4 tỷ đồng.
Quản lý thị trường phía Nam phát hiện hơn 11.420 vụ vi phạm ảnh 1Tang vật được cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các Chi cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phát hiện hơn 11.420 vụ vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016), xử lý hơn 10.320 vụ (tăng 7%), với tổng số tiền phạt và bán hàng tịch thu là hơn 119,4 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016).

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị giao ban công tác phối hợp 19 Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/6.

Theo đại diện ngành Quản lý thị trường khu vực phía Nam, kết quả đạt được là nhờ Quy chế phối hợp được ký kết giữa các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam, góp phần tạo điều kiện cho các Chi cục trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các Chi cục Quản lý thì trường trong khu vực.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, công tác hỗ trợ xác minh thông tin nguồn gốc, chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện là xe gắn máy hai bánh để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu theo quy định tại khoản 4 điều 126, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 còn chậm. Do đó, có nhiều vụ việc đã hết thời hạn tạm giữ tang vật phương tiện là 60 ngày, nhưng lực lượng chức năng vẫn không nhận được kết quả xác minh chủ sở hữu phương tiện.

Đơn cử, các đối tượng buôn lậu sử dụng phổ biến các phương tiện như: xe gắn máy, xe du lịch, xe tải... vận chuyển hàng hóa buôn lậu vào sâu nội địa để tiêu thụ. Khi bị kiểm tra, các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng hoặc bỏ chạy, không nhận là chủ sở hữu phương tiện nên rất khó xử lý.

Để giải quyết những bất cập trong các quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thị trường, các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam kiến nghị Bộ Công Thương đơn giản thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công; ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ; đồng thời tăng khung tiền phạt đối với hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...

Bên cạnh đó, Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục