Quảng Nam chi hơn 200 tỷ đồng làm đường vào KCN Tam Thăng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng và trục chính đường vào Khu Công nghiệp Tam Thăng với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,8km, vốn đầu tư 230 tỷ đồng.
Quảng Nam chi hơn 200 tỷ đồng làm đường vào KCN Tam Thăng ảnh 1(Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Ngày 23/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng và đường trục chính vào Khu Công nghiệp Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Để tạo hạ tầng đồng bộ, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai giao Ban Quản lý dự án hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (đơn vị trực thuộc) làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng với điểm đầu giao với Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, điểm cuối giao với đường cứu hộ, cứu nạn thành phố Tam Kỳ, thuộc địa phận xã Bình Nam, huyện Thăng Bình.

Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,8km, được quy hoạch 4 làn xe với tổng nguồn vốn đầu tư là 230 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam giao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai làm chủ đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng với tổng nguồn vốn là 360 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 200ha.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam thống nhất kế hoạch trung hạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư vào địa bàn thành phố Tam Kỳ và Khu công nghiệp Tam Thăng nói riêng với tổng nguồn vốn là 700 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư là 415 tỷ đồng gồm các hạng mục: hệ thống xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng tái định cư, nhà ở công nhân và khu nghĩa trang nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Kim Nam Yuong, Giám đốc điều hành Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc, cho biết: qua khảo sát, nắm bắt được một số ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư, Hiệp hội đã kêu gọi một số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Khu Công nghiệp Tam Thăng.

Đến nay, Tập đoàn Dệt may Panko (Hàn Quốc) chính thức cam kết đầu tư dự án dệt may vào Khu Công nghiệp Tam Thăng với tổng nguồn vốn đăng ký trên 30 triệu USD, một số doanh nghiệp phụ trợ ngành dệt may của Hàn Quốc cũng đăng ký đầu tư.

Thời gian tới, việc kêu gọi, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị tham gia ngành dệt may của Hàn Quốc đầu tư, xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Tam Thăng được đẩy mạnh, tạo điều kiện phát triển ngành dệt may trong khu vực, góp phần giải quyết việc làm, từng bước chuyển giao công nghệ đối với lực lượng lao động tại địa phương.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2015, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các doanh nghiệp để tiến hành xây dựng nhà máy, xúc tiến sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục