Quảng Ngãi giãn cách thêm 2 huyện, Hậu Giang giám sát lao động đi về

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ngãi và Hậu Giang đã đưa ra các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Quảng Ngãi giãn cách thêm 2 huyện, Hậu Giang giám sát lao động đi về ảnh 1Phong tỏa, lập chốt gác kiểm soát người ra vào khu vực có trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 tại Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ngãi và Hậu Giang đã đưa ra các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Thêm 2 huyện của Quảng Ngãi phải giãn cách theo Chỉ thị 16  

Ngày 9/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 1011/QĐ-UBND, theo đó, kể từ 0 giờ ngày 10/7, hai huyện Trà Bồng và Sơn Tịnh sẽ được áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời hạ mức áp dụng biện pháp hành chính và thực hiện giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị số 15 đối với huyện Lý Sơn.

Như vậy, Quảng Ngãi áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ rất cao” và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Ba Tơ, Tư Nghĩa, Bình Sơn, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

[Hà Nội hỏa tốc tăng cường thực hiện giám sát người về từ vùng dịch]

Các địa phương còn lại như Lý Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức được áp dụng biện pháp hành chính tương ứng với mức “nguy cơ cao” và giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15.

Quảng Ngãi cũng bổ sung quy định, số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị.

Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 153 trường hợp dương tính với SARS- CoV- 2. Tỉnh đang cách ly tập trung gần 2.100 người và cách ly tại nhà hơn 5.000 người.

Hậu Giang giám sát chặt người lao động ngoài tỉnh đi về trong ngày

Chiều 9/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc họp trực tuyến với các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có nhiều lao động cư trú ngoài tỉnh.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp nêu một số khó khăn về việc không có đơn vị nhận cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Các đơn vị xét nghiệm trả kết quả trễ dẫn đến tốn kém chi phí khi quy định kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 có giá trị trong 72 giờ.

Quảng Ngãi giãn cách thêm 2 huyện, Hậu Giang giám sát lao động đi về ảnh 2Hậu Giang diễn tập phòng chống COVID-19 tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Ông Đoàn Thanh Vũ, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 20% người lao động của các doanh nghiệp. Như vậy, hằng tuần, các doanh nghiệp trong tỉnh phải xét nghiệm khoảng 5.000 công nhân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy định các công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng phải ở lại doanh nghiệp hoặc ở lại trong tỉnh.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, lượng công nhân của Vĩnh Long và Sóc Trăng phải ở lại là trên 3.920 người, trong đó, Vĩnh Long có trên 920 người.

Qua khảo sát, tất cả doanh nghiệp có người lao động cư trú trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long có thể sắp xếp nơi ở cho người lao động.

Nhưng đối với lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các doanh nghiệp đề xuất cho người lao động được đi, về trong ngày. Số lao động ở Sóc Trăng phần lớn cư trú tại huyện Kế Sách, giáp ranh huyện Châu Thành (Hậu Giang) và chưa có ca bệnh trong cộng đồng.

Do đó, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề xuất thành lập các tổ kiểm soát đóng tại các khu công nghiệp, có thể trưng dụng cơ sở vật chất của Ban Quản lý các khu công nghiệp và bố trí nhân lực để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cho phép người lao động lưu trú ở tỉnh Sóc Trăng được đi, về trong ngày để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng người lao động cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, không dừng lại dọc đường từ nơi cư trú đến nơi làm việc.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị các doanh nghiệp triển khai ngay cho người lao động cư trú tại thành phố Cần Thơ về việc chuẩn bị tờ khai y tế, bản cam kết và xác nhận cho người lao động theo yêu cầu của thành phố Cần Thơ.

Đồng thời, người lao động phải có xác nhận của trưởng ấp, tổ trưởng Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng ở nơi cư trú khi quay trở lại làm việc tại Hậu Giang.

Các doanh nghiệp đã sắp xếp được chỗ ở tại nơi sản xuất cho người lao động cần duy trì để hạn chế việc di chuyển, đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở tại nơi sản xuất phải vận động người lao động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tỉnh đề ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai cho các chốt kiểm soát thống nhất những người lao động đi, về trong ngày khi vào tỉnh cần có giấy xác nhận của nơi cư trú, tờ khai y tế, bản cam kết.

Chính quyền địa phương liên hệ, nhận mẫu chữ ký của trưởng ấp, tổ trưởng tổ giám sát nơi người lao động ngoài tỉnh cư trú để đối chiếu, quản lý chặt chẽ người lao động.

Sở Y tế tổ chức xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 cho người điểu khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ở các khu công nghiệp để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh nhất, không để doanh nghiệp gặp khó vì kết quả xét nghiệm bị trả chậm.

Nghiên cứu tổ chức 2 điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Khu Công nghiệp Sông Hậu và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh để phục vụ cho các doanh nghiệp; việc xét nghiệm phải đảm bảo an toàn, không tập trung nhiều người cùng lúc.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp là trên 25.500 người. Số lao động ngoài tỉnh là trên 9.700 người. Trong đó, số lao động đi, về trong ngày ở thành phố Cần Thơ là khoảng 5.590 người, tỉnh Sóc Trăng là trên 2.990 người.

Tính đến trưa 9/7, tỉnh Hậu Giang ghi nhận một trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố và 4 ca dương tính lần 1 khác trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang đề nghị tất cả những người từ tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nếu có nhu cầu cần thiết phải trở về Hậu Giang trong thời điểm hiện nay bắt buộc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian không quá 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm đến thời điểm vào tỉnh; nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K trong suốt quá trình di chuyển, kể cả khi về địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục