Quảng Ngãi tăng cường hợp tác với địa phương của Trung Quốc

Tại hội nghị trực tuyến, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất hợp tác phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng, dịch vụ đô thị, du lịch với tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).
Quảng Ngãi tăng cường hợp tác với địa phương của Trung Quốc ảnh 1Quảng cảnh hội nghị. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Sáng 20/6, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị trực tuyến trao đổi cơ hội hợp tác giữa địa phương và tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Tại hội nghị, hai bên đã giới thiệu sơ lược về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và Hành lang kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ ra biển với tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.

Năm 2022, quy mô GRDP đạt 121.668 tỷ đồng, xếp thứ 18/63 tỉnh thành cả nước và xếp thứ 2/5 tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Ngãi đang được tiếp tục hoàn thiện với hạ tầng giao thông thuận lợi cho việc đi lại, kết nối giao thương về đường bộ (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24B, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh), đường thủy (hệ thống cảng biển Dung Quất, cảng Sa Kỳ, cảng Lý Sơn), đường sắt Bắc- Nam, đường hàng không (sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam).

[Hơn 200 doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương Việt Nam-Trung Quốc]

Tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) là cái nôi quan trọng của nền văn minh Trung Hoa, có 6 thành phố được công nhận là thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia.

Phong cảnh tại Bắc Đới Hà và bờ biển vàng Tần Hoàng Đảo mang lại cảm giác dễ chịu cho con người, thành cổ Chính Định và Vĩnh Niên Quảng Phủ là hai nơi có di sản phong phú.

Hà Bắc là vùng sản xuất bông và lương thực trọng điểm của cả nước, với nền tảng nông nghiệp vững chắc, các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp đa dạng.

Ngành công nghiệp đầy đủ các ngành nghề, bao gồm các ngành công nghiệp trụ cột như sản xuất thiết bị, sắt thép, luyện kim, vật liệu xây dựng, hóa chất, y học và thực phẩm, cũng như các ngành công nghiệp truyền thống có lợi thế như công nghiệp nhẹ và dệt may.

Năm 2022, tổng sản phẩm toàn tỉnh đạt 4.237,04 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,8%; tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương đạt 562,90 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,9%.

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất hợp tác phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao với tỉnh Hà Bắc; các ngành công nghiệp mũi nhọn như thép, gốm sứ, điện, dệt may, dầu khí, cảng, ôtô, quang điện và dược phẩm; công nghiệp chế tạo linh kiện điện tử, ôtô; may mặc; chế biến gỗ; phát triển hạ tầng, dịch vụ đô thị, các khu-cụm công nghiệp; cảng biển, hậu cần cảng; logistics; các ngành dịch vụ hỗ trợ, chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-du lịch như tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch địa phương, các lễ hội; trao đổi các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hợp tác về mở tour du lịch giữa các doanh nghiệp lữ hành du lịch Quảng Ngãi- Trung Quốc.

Về phía tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) cho biết luôn sẵn sàng tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền hai bên, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, phát triển giao lưu hữu nghị.

Tỉnh Hà Bắc cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác thương mại, giao lưu văn hóa với tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời mong muốn các hãng lữ hành hai bên đẩy mạnh hợp tác, khuyến khích nhân dân tỉnh Hà Bắc lấy Quảng Ngãi làm điểm đến du lịch, hoan nghênh nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đến Hà Bắc để trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên độc đáo, sự thú vị về văn hóa của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục