Quảng Trị: Phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

Thời gian tới, Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng nói không với thịt thú rừng, xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Sáng 24/3, Lễ míttinh phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã năm 2024 với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi” - “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” đã diễn ra tại Quảng Trị.

Đây là sự kiện do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Sở Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh và Ủy ban Nhân dân thành phố Đông Hà tổ chức.

Hơn 500 người tham gia chương trình, trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như nhảy tập thể “Nhảy vì động vật hoang dã;” diễu hành đi bộ tại đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà với khẩu hiệu “Cùng hành động vì động vật hoang dã,” “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời,” và “Chung tay vì động vật hoang dã.”

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và các cấp các ngành liên quan cùng hành động vì động vật hoang dã.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mỗi người dân, cộng đồng hãy nói không với thịt thú rừng, xây dựng lối sống có trách nhiệm với hệ sinh thái làm điều thiện với thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có rừng tự nhiên, động vật hoang dã, loài di cư sinh sống...

Tỉnh tiến hành ký cam kết thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

ttxvn_dong vat hoang da quang tri1.jpg
Nhảy tập thể “Nhảy vì động vật hoang dã” tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Bên cạnh đó, Quảng Trị tăng cường hợp tác liên ngành nhằm ngăn chặn nguy cơ, xử lý vi phạm liên quan tới săn bẫy và tiêu thụ động vật hoang dã qua kênh nhà hàng, quán nhậu…

Chương trình đã góp phần tăng cường sự tham gia, cùng hành động để bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã trong cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân về vai trò của động vật hoang dã trong cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người. Các hoạt động cũng góp phần kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng hành động để giảm cầu tiêu thụ, bảo tồn động, thực vật hoang dã...

Theo Danh sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hiện có hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, gần 30.000 loài khác có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Vào năm 2019, báo cáo cho thấy 1/4 loài trên trái đất phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái toàn cầu đã suy giảm trung bình gần một nửa so với dự báo trước đây...

Việt Nam vốn là một quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới. Nhưng sau nhiều thập kỷ khai thác gỗ, buôn bán động vật hoang dã trái phép và chuyển đổi nông nghiệp đã dẫn đến thiệt hại đáng kể về rừng tự nhiên và động vật hoang dã. Các loài động vật hoang dã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, săn bắt và khai thác quá mức. Trong đó săn, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng động vật hoang dã.

Tỉnh Quảng Trị có tính đa dạng sinh học cao, hệ động, thực vật ở đây rất phong phú với hơn 110 loài thú, gần 200 loài chim, 83 loài lưỡng cư, bò sát, hơn 336 loài cá và khoảng hơn 2.000 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đã và đang diễn ra, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đang trong tình trạng nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân là do nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã của người dân còn hạn chế, thói quen tiêu thụ thịt thú rừng và chim hoang dã còn khá phổ biến…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục