Sau 10 năm triển khai, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn dở dang, khiến người dân bức xúc.
Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn loay hoay tìm giải pháp “cứu hộ” con đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chức năng cứu hộ, cứu nạn.
Khốn đốn vì dở dang
Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế khu vực hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phê duyệt tháng 6/2010, dự kiến thực hiện trong 5 năm (từ 2011-2015).
Dự án đi qua phường An Đôn, thị xã Quảng Trị và xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong với tổng chiều dài hơn 8km, mặt đường thiết kế rộng từ 7-10m, tùy từng đoạn; tổng mức đầu tư gần 684 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh còn gần 328 tỷ đồng.
Công trình này nhằm phục vụ cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng; ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ trái mùa và nâng cao năng lực kiểm soát lũ, mặn, đảm bảo ổn định và bền vững trong sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thống Nhất là đơn vị thi công.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4/2011.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, do không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn nên công trình không thể hoàn thiện và đã dừng thi công theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc gián đoạn thi công dài ngày, các hạng mục dở dang gây ảnh hưởng đến giao thông, khiến người dân bức xúc.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Bùi Thị Nguyệt, 82 tuổi, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong nằm cạnh một cây cầu trên tuyến đường cứu hộ, cứu nạn này.
Ngày khởi công xây dựng, bà Nguyệt phấn khởi chờ đợi cây cầu kiên cố bắc qua sông, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn mỗi khi có lũ lụt. Thế nhưng, đơn vị thi công chỉ làm 2 mố cầu rồi để đó, khiến cây cầu trở thành điểm thường xuyên xảy ra tai nạn.
Bà Nguyệt cho biết người dân phải tự làm một con đường tạm, vòng xuống phía dưới cây cầu thi công dở dang để đi lại. Đường tạm hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà khiến nhiều người bị tai nạn khi đi qua đoạn đường này.
Nhà bà Trần Thị Hóa, 50 tuổi, thôn Thượng Phước cũng trong cảnh ngộ này chia sẻ, cầu thi công dở dang, sắt thép nằm chỏng chơ qua nhiều năm đã hoen gỉ, hư hỏng. Mặt đường nham nhở, khi nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Chủ đầu tư dự án mới chỉ trả tiền đền bù được 70% cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng Hồ Ngọc Ân cho biết có hơn 1.000 người thường xuyên phải đi trên con đường cứu hộ, cứu nạn làm dở dang này. Sau nhiều năm không thi công, con đường bị sạt lở, lầy lội nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Việc chưa trả hết tiền đền bù cũng khiến người dân bức xúc.
Đoạn đi qua phường An Đôn, thị xã Quảng Trị dài hơn 2km. Từ khi dự án dừng thi công đến nay, năm nào người dân cũng kiến nghị, phản ánh đến các cấp chính quyền về tình trạng đường cứu hộ, cứu nạn xuống cấp nhưng không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, năm nào họ cũng nhận được câu trả lời chung của chủ đầu tư là sẽ triển khai dự án mới trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này.
Trên tuyến đường cứu hộ, cứu nạn này, 6 cầu thi công dở dang đã bị cây cối che kín. Tại những cây cầu lớn, hàng chục dầm bêtông cốt thép dài hàng chục mét nằm ngổn ngang.
Bên cạnh đó, những mố cầu, trụ cầu đang làm dở, để lại phần sắt hoen gỉ nhô lên phía trên. Trên mặt đường, vào mùa mưa nước đọng lại tại các ổ voi, ổ gà tạo thành nhiều hố sâu rất dễ gây tai nạn.
Dự án mắc nợ vẫn đầu tư thêm
Do không có vốn đầu tư để hoàn thiện dự án, tháng 5/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị có chủ trương kết thúc dự án; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị nghiệm thu, quyết toán khối lượng đã thi công. Thế nhưng việc quyết toán công trình cũng gặp khó khăn.
Tháng 9/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo sớm nghiệm thu, quyết toán công trình, nhưng vẫn bị chậm. Đến tháng 1/2019, quyết toán vẫn chưa xong.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị có văn bản đồng ý gia hạn nghiệm thu, quyết toán công trình đến hết ngày 30/6/2019. Tổng giá trị quyết toán công trình trên 177 tỷ đồng; trong đó vốn đã bố trí hơn 125 tỷ đồng, còn thiếu 51 tỷ đồng phải tiếp tục nợ các nhà thầu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị đánh giá đây là công trình phức tạp, thời gian dừng thi công đã lâu, khối lượng công việc lớn, nhiều hạng mục dở dang đã bị bồi lấp, che khuất, phải tiến hành khôi phục các mốc tim tuyến khiến việc kiểm tra, nghiệm thu khối lượng kéo dài.
Đến ngày 18/10/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2854/QĐ-Ủy ban Nhân dân phê duyệt quyết toán dự án này.
Tuy nhiên, việc quyết toán công trình chưa giải quyết được số tiền nợ các nhà thầu.
Cụ thể, trong số hơn 51 tỷ đồng nợ các nhà thầu, năm 2020 chủ đầu tư dự kiến bố trí trên 6 tỷ đồng để trả nợ nhưng trên 45 tỷ đồng nợ còn lại vẫn chưa biết lấy ở đâu để trả bởi Quyết định số 2854/QĐ-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị chưa đưa khoản này vào kế hoạch trả nợ.
Ngày 12/11/2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe ký tờ trình, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị xem xét, có kế hoạch bố trí vốn còn thiếu trên 45 tỷ đồng để chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản, giải quyết khó khăn cho nhà thầu.
Điều đáng nói, trong khi dự án chưa quyết toán xong thì tháng 10/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án mới trùng với dự án trước có tên “Đường nối từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn, thị xã Quảng Trị” với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; trong đó Trung ương hỗ trợ 30 tỷ đồng, ngân sách địa phương 50 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, mục tiêu của dự án mới này là nhằm hoàn chỉnh đấu nối các đoạn đã thi công trước đây, để thông tuyến đường phục cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần nâng cao năng lực hệ thống giao thông tại địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực…
Công trình này dự kiến khởi công tháng 11/2019, hoàn thành vào năm 2022; trong đó, giai đoạn 2018-2020, dự án mới này ưu tiên dùng vốn Trung ương hỗ trợ là 30 tỷ đồng để đầu tư đoạn từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn, thị xã Quảng Trị với chiều dài 2,4km cùng một số hạng mục khác.
Giai đoạn từ 2021-2022, tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương 50 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục dở dang của dự án đường cứu hộ, cứu nạn cũ.
Dự án mới này cũng được điều chỉnh thiết kế, khi mặt đường chỉ còn rộng 3,5m và lề đường mỗi bên rộng 1,5m.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho biết năm 2019 dự án mới này được bố trí 10 tỷ đồng. Dự án mới có đúng tiến độ hay không còn phụ thuộc vào việc bố trí vốn đầu tư.
Trong khi đó, hồi tháng 3/2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thống Nhất đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị được tự ứng vốn khoảng 120 tỷ đồng để tiếp tục thi công hoàn thiện 6 cây cầu và thông tuyến đường dự án đường cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai từ năm 2010.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị không chấp thuận việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thống Nhất tự ứng vốn để tiếp tục thi công công trình.
Lý do được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị đưa ra bởi việc nhà thầu tự ứng vốn để thi công những hạng mục dở dang của dự án sẽ làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Điều này trái với Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn đầu tư công; ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tại văn bản số 1910/Ủy ban Nhân dân-CN ngày 28/5/2015 về việc thực hiện Luật Đầu tư công và tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công, trong đó có quy định "Các công trình phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản"./.