Quay về sau 10 thế kỷ

Du cư về cố hương Mường Than sau 10 thế kỷ

Tâm trạng khắc khoải của người La Ha khi tái định cư về Mường Than, cánh đồng huyền thoại trong truyền thuyết về người anh hùng ImPoi.
“Xá vàng lá” là tên gọi chung cho những tộc người du canh du cư bên trời Tây Bắc. Chính những bước chân du cư, bước chân “xá vàng lá,” mà cái đói ám ảnh trong từng giấc ngủ của người La Ha.

Năm nay, khi chúng tôi vào Tà Mít, dân bản sắp bước vào mùa du cư mới về với cố hương, nơi cánh đồng Mường Than huyền thoại trong truyền thuyết về người anh hùng ImPoi.

Bước chân “xá vàng lá”

Đi dọc sông Nậm Mu bây giờ, bất cứ quả đồi nào, con suối nào cũng từng là “xá” (lán, nhà) của người La Ha. Những mạch nước nhỏ bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên hợp lưu với nước sông Đà thành sông Nậm Mu, là nước uống của người La Ha…

Năm 1970 của thế kỉ trước, khi huyện Than Uyên cũ cho cán bộ vào vận động đồng bào định canh định cư, nguyên Chủ tịch xã Tà Mít, ông Chảo Văn Diết là một trong những người đầu tiên đặt chân vào bản.

Ngày đó, không thể cắt rừng vào bản, ông phải đi ngược dòng Nậm Mu, rồi men theo lối mòn trên rừng hơn ba ngày mới tới được nơi gần nhất, bây giờ chỉ mất nửa ngày đi xe máy và đi bộ đường rừng.

Mỗi lần vào ông đều mang theo một “cái mới”, khi thì giống lúa mới, khi thì đồ dùng sinh hoạt, thuốc men…

Ông Diết nhớ lại: “Chiếc cuốc, cái xẻng đầu tiên phải chở thuyền dọc Nậm Mu. Dòng sông vào mùa lũ, chỉ chở bằng thuyền độc mộc… Thuyền lật, tất cả vật dụng cho bà con đều chìm dưới nước Nậm Mu, vật nặng như xà beng, cuốc, xẻng nhưng cũng trôi xa tới hàng trăm mét.”

Khi đó ông Diết lại phải tổ chức người đi mò lại. Nhưng không phải có cái mới như, cuốc xẻng, phân bón, đồ dùng sinh hoạt là dân bản thích. Họ thích chỉ được vài ngày, dùng chán họ lại rủ nhau lên rừng làm nương…

Thế nên, trong vài tháng đầu cán bộ cũng phải lên nương theo đồng bào. Họ làm gì thì làm theo, cũng phải “phá tạm” vài… hécta rừng với đồng bào. Ông Diết bảo: Làm thế để họ tin mình, mình cũng hiểu họ, thì mới thuyết phục họ được.

Lần đầu tiên vào Tà Mít, cả xã chỉ có hơn 200 hộ, đoàn công tác có bốn người thì mỗi người chia nhau một hướng.

Cứ thế lên rừng, vượt qua bao con suối tách dòng từ Nậm Mu, băng qua những triền đồi đất đen kịt bởi tro tàn, đến bản nói với người La Ha: Làm nương rẫy nhiều chỉ trông chờ mưa nắng vào ông trời, làm nhiều đất bạc màu hết, đến đời con cháu thì trồng trọt  thế nào?

Cán bộ trả lời luôn: Về lại dưới bản, tập trung làm lúa nước…Bà con làm, nếu không cho thu hoạch Nhà nước bù lỗ gấp 2 gấp 3. Nhà nước còn cho tiền hỗ trợ đồng bào trước mắt trồng lúa nước.

Nhưng người La Ha cũng như người Thái, không thích dùng gạo tẻ, họ quen sống bằng nếp nương. Khi vận động dân bản dùng gạo tẻ, thì họ chối nguây nguẩy, bảo: Cái lưỡi không quen, ăn cả tháng cả năm sao được, mà quen trồng lúa nếp ở trên nương rồi sang trồng lúa nước dễ mất mùa…

Ông Diết bảo: Nhà nước trợ cấp tiền cho đồng bào làm lúa nước. Ruộng làm trên đất dễ trả 20 đồng/sào, chỗ khó 30 đồng/sào. Nếu mùa này thu hoạch kém, Nhà nước hỗ trợ gạo, không lo cái đói… Dân bản cũng tin dần, đến năm 1973 thì định canh định cư mới tạm ổn…

Vụ đầu trồng lúa năm 1971, dù không được mùa nhưng người La Ha vẫn không đói vì Nhà nước phát không lúa gạo.

Khắc khoải ra đi

Giờ đây, khi cách thời quá vãng “xá vàng lá” gần 40 năm thì người La Ha và cả xã Tà Mít lại chuẩn bị bước vào một mùa di cư mới. Đất đai, nhà cửa, ruộng nương, núi đồi sẽ ngập trong nước lòng hồ thủy điện Bản Chát. Thời gian di cư, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Tân Uyên chỉ được tính bằng tháng.

Vào khoảng nửa cuối năm nay, những bản làng của xã Tà Mít sẽ thành những bản làng hoang, bỏ không cho trùng điệp núi đồi…

Vào những ngày cuối cùng ở lại đất cũ, thầy cúng Hoàng Văn Păn đang rục rịch cho các con cháu trong nhà dỡ ngôi nhà sàn đã ngót gần nửa thế kỷ. Thầy cúng Păn bảo: Cái bụng ở đây thì no hơn, cái đầu cũng thoải mái. Sống ở Tà Mít tự do tự tại, chưa biết nơi ở mới sẽ thế nào.

Có lẽ cái nôn nao giữa đi và ở là tâm trạng chung của rất nhiều người Tà Mít.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên cho hay kế hoạch di dân thủy điện Bản Chát bao gồm 1.000 hộ. Trong đó số dân di cư của Tà Mít là 9 bản và 5 bản sẽ di dân vén lòng hồ để thành lập xã mới…

Theo kế hoạch, khu vực di dân sẽ là gần với trung tâm thị trấn Tân Uyên, nơi đó sẽ gần với đường giao thông, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với giao thương buôn bán dễ dàng hơn. Mỗi hộ dân khi di cư sẽ nhận được 2.500m2 đất canh tác.

“Hết tháng 4 bắt đầu di dân và cố gắng hoàn thành vào cuối năm,” ông Đức quả quyết.

Như vậy, thời gian chuyển về nơi ở mới đã chốt, chỉ còn được tính bằng tháng. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào Tà Mít thì Ủy ban Nhân dân xã vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể, mọi chuyện vẫn chỉ dựa vào “tin đồn”!

Ông Lò Văn Lai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã khẳng định vẫn chưa nhận được công văn cụ thể nào về kế hoạch di dân của huyện.

Vị Chủ tịch xã này cũng tỏ ra lo lắng nói về công tác vận động bà con di cư ổn định cuộc sống mới. Ông cho rằng nhiều hộ sẽ không dễ dàng di chuyển đi khi diện tích lúa nương của họ ở Tà Mít là hơn 2.500m2.

“Dân bản có người đòi đi xem nơi ở mới trước khi di chuyển,” ông Lai cho hay.

Anh Lò Văn Thầu, bản Pắc Muôn cho hay tuy chưa có hoạch cụ thể nhưng nếu ra ngoài sẽ chỉ canh tác được một vụ lúa. Anh Thầu sợ khi đó gia đình sẽ thiếu đói nhiều hơn bây giờ…

Cộng thêm vào đó là tâm lý ổn định của dân bản khi ở Tà Mít cũng ảnh hưởng kế hoạch di dân của huyện.

“Người dân tin rằng lâu nay, nếu đói thì lên rừng hái măng, ra sông Nậm Mu bắt cá. Ra ngoài sẽ không có măng mà hái, không có cá mà bắt nữa. Người dân một bó rau cũng phải mua. Sẽ rất khó thuyết phục dân bản ở điểm này,” ông Chảo Văn Diết, nguyên Chủ tịch xã Tà Mít cho hay.

Có lẽ, công tác vận động để người Tà Mít sau hàng chục năm định cư sẽ rất khó thuyết phục họ về nơi ở mới.

Thực ra nơi ở mới chính là cố hương của họ, là cánh đồng Mường Than huyền thoại trong truyền thuyết về người tộc tộc trưởng ImPoi kiêu hùng khi xưa…

Trên đường ra khỏi Tà Mít, chúng tôi mới có dịp kiểm chứng sâu hơn cảnh hoang vu của những bản làng. Các bản bên ngoài Tà Mít là những bản hoang nhưng trên nương vẫn có người đến canh tác. Cũng đã xuất hiện cán bộ vận động đến thì bà con đi, cán bộ đi rồi thì bà con lại chuyển về nơi ở cũ… Một số hộ dân canh tác trên đất cũ cho hay, khi nào nước lòng hồ thủy điện ngập thì sẽ di chuyển./.

Thông Chí-Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục