Cách đây vừa tròn 20 năm, Freddie Mercury đã qua đời vì bạo bệnh. Nhưng sự kiện chỉ cho thấy ông tiếp tục cháy sáng hơn cùng Queen và vị thủ lĩnh của ban nhạc rock huyền thoại tiếp tục được ưa thích hơn bao giờ hết. Vẫn tỏa sáng dù thiếu Mercury Đã 2 thập kỷ trôi qua kể từ khi Mercury qua đời, nhưng Queen không vì thế mà lụi tài. Trái lại, các thành viên ban nhạc rock của Anh, hiện đang tổ chức lễ kỷ niệm 40 thành lập, nằm trong nhóm những nghệ sĩ có tác phẩm bán chạy nhất thế giới, với phần lớn doanh thu có được trong 2 thập kỷ kể từ khi Mercury qua đời. Tay guitar Brian May của Queen và tay trống Roger Taylor hiện đang bận bịu hơn bao giờ hết với việc kinh doanh, trong khi các ca khúc của Mercury như "Bohemian Rhapsody" hay "Don't Stop Me Now" vẫn tiếp tục được xem là các tác phẩm kinh điển Tờ Independent trong ấn bản ra số Chủ Nhật nói rằng cái chết của Mercury chỉ giống như một “cú nấc nhẹ trong suốt sự nghiệp” của ông. Những năm sau cái chết của Mercury, hình ảnh của ông không ngừng đi lên, với một thế hệ các nghệ sĩ mới vẫn coi Queen là ban nhạc gây nhiều ảnh hưởng với họ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Lady Gaga, Robbie Williams, Foo Fighters và Muse. Vở nhạc kịch "We Will Rock You", dựa trên các ca khúc ăn khách một thời của Queen, bắt đầu biểu diễn hồi năm 2002 và giờ vẫn được trình diễn ở London với rất đông khán giả tới xem. Nó cũng được “xuất khẩu” ra tới nhiều nước trên thế giới, từ Australia đến Nam Phi, Nhật Bản, châu Âu và cả Las Vegas, Mỹ. Với sự quan tâm của dư luận tới Queen vẫn còn rất cao, một bộ phim về Mercury, trong đó ngôi sao chính là Sacha Baron Cohen, đã được lên kế hoạch sản xuất. Nội dung bộ phim tập trung vào những năm trước khi dẫn tới lần biểu diễn đỉnh cao của Queen tại buổi hòa nhạc Live Aid hồi năm 1985. "Ngay cả khi ông ấy không có hiện diện về mặt thể xác ở đây, hình ảnh của ông dường như vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết” - May viết trên một blog nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 65 của Mercury hồi tháng 9 vừa qua – “Ông ấy sẽ luôn là hình ảnh thu nhỏ của một thủ lĩnh mẫu mực, một sứ giả liên lạc quá đỗi tài giỏi giữa ban nhạc và khán giả. Ông ấy ngấu nghiến cuộc sống, ca ngợi mỗi phút trôi qua. Và giống như một ngôi sao chổi vĩ đại, ông để lại sau một vệt sáng cháy mãi, lấp lánh trong hàng thế hệ tới.” Vị thủ lĩnh bạc mệnh Mercury sinh ra với tên Farrokh Bulsara vào ngày 5/9/1946 tại đảo Zanzibar của Đông Phi và được giáo dục trong một ngôi trường mang phong cách Anh ở Ấn Độ. Ông cùng gia đình tới Anh để trốn chạy khỏi cuộc cách mạng Zanzibar diễn ra hồi năm 1964 và đã thành lập ban nhạc Queen tại đây. Ca sĩ thủ lĩnh của Queen được người ta nhớ tới vì phong cách biểu diễn hút hồn người khác, với giọng ca mê hoặc và các ca khúc đỉnh như "We Are The Champions", "Killer Queen", "Crazy Little Thing Called Love." Một trong những hình ảnh kinh điển của Mercury vẫn được nhắc tới nhiều là khi ông mặc trang phục lưu diễn hồi năm 1986, để ria với một tay giơ cao lên trời. Hình ảnh này sau đó đã được người ta dựng tượng tại Montreux, bên bờ hồ Geneva của Thụy Sĩ. Thật đáng tiếc , con người tài năng như ông lại nhiễm phải virus HIV. Trong một thông báo đưa ra ngày 23/11/1991, Mercury xác nhận trong lúc đang nỗ lực đánh vật với tử thần rằng ông bị AIDS. Chỉ 24 giờ sau đó, ông rơi vào hôn mê và qua đời, hưởng dương có 45 tuổi, sau thời gian lặng lẽ chống chọi căn bệnh và chưa từng than phiền lấy một lời về những sự khổ đau của bản thân.
Là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của AIDS, cái chết của ông đã tác động khiến dư luận nhận thức rõ hơn về virus HIV và giúp xóa đi những định kiến gắn liền với căn bệnh hiện đang tàn phá phía nam châu Phi. Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 1987, Mercury cho phóng viên David Wigg biết rằng ông không sợ việc trở thành một lão già 70 tuổi cô đơn nhưng giàu có. “Tôi đã sống một cuộc đời viên mãn và nếu phải chết ngày mai tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi thực sự đã có tất cả” – ông nói. Ba thành viên còn lại của ban nhạc đã nỗ lực thu gom các đoạn thu âm giọng hát của Mercury, ghi lại khi ông nằm trên giường bệnh hồi năm 1991, để cho ra đời các ca khúc hoàn chỉnh. Khi không thể thu âm được nữa, Mercury cũng đã ngừng hoàn toàn việc điều trị bệnh AIDS. Album sau lần đó mang tên “Made In Heaven", ra mắt lần đầu hồi năm 1995, đã trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất của Queen. Sống mãi trong lòng người hâm mộ Sau khi Mercury qua đời, cuộc sống thiếu ông thực sự vô cùng khó khăn với các thành viên của Queen. May rơi vào trầm cảm nặng nề vì chuyện này, lại thêm việc cha đẻ qua đời và hôn nhân tan vỡ đã khiến ông từng nghĩ tới chuyện tự sát. Taylor cố gắng cho ra đời 2 album solo trong những năm 1990, trước khi cả ông và May nhận ra rằng họ phải tiếp tục đi lên từ di sản của Queen. Tay chơi bass John Deacon đã giải nghệ từ năm 1997 và rút vào im lặng, nhưng vẫn ủng hộ May và Taylor tiếp tục giữ vững cái tên Queen. Vậy là hai người bắt tay nhau thực hiện canh bạc lớn: triển khai vở nhạc kịch "We Will Rock You" hồi năm 2002. Kết quả họ đã được tưởng thưởng. Vở nhạc kịch đã thổi sinh khí mới vào âm nhạc của Queen, khi cho phép người hâm mộ được thưởng thức trực tiếp các tác phẩm ưa thích một thời của họ. Kể từ đó tới nay đã có hơn 13 triệu người tới xem vở nhạc kịch, gồm 5,5 triệu người tại nhà hát Dominion ở London. Hiện một vở nhạc kịch thứ hai đã được lên kế hoạch thực hiện, sử dụng các bài hát không có trong vở nhạc kịch hiện nay. Sau vở nhạc kịch, Queen đã trở lại lưu diễn vào năm 2005, khi họ hợp lực cùng cựu thành viên ban nhạc Free là Paul Rodgers. Sự hợp tác của họ đã đã cho ra đời các tua lưu diễn lớn, cộng với sự ra đời của album ghi âm trong studio, mang tên "The Cosmos Rocks" (2008) trước khi Rodgers trở lại sự nghiệp solo của riêng ông. Có thể thấy ảnh hưởng của Queen vẫn vô cùng lớn lao, khi buổi biểu diễn ngoài trời đầu tiên của họ ở Kharkiv, Ukraina, đã thu hút tới 350.000 khán giả, đồng thời cho thấy sự ủng hộ hết sức dài lâu của người hâm mộ với họ./.
Tường Linh (Vietnam+)