Quốc hội khóa XV: Dự kiến tổ chức họp chuyên đề vào cuối tháng 12

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 13/11, ngay sau Lễ bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16,5 ngày, được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, tại kỳ họp này, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng và đạt kết quả tốt như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thử nghiệm các hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị iPad; tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận ở tổ, giải trình ý kiến ở tổ trước khi thảo luận ở hội trường...

Việc các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu bước đầu ngay sau phiên họp tổ đã giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để chuẩn bị ý kiến kỹ lưỡng hơn, hoàn thiện các dự án, dự thảo, hạn chế phát biểu trùng lắp tại hội trường.

Số lượng ý kiến phát biểu của đại biểu tham gia vào các nội dung của kỳ họp tăng cao hơn hẳn so với các kỳ họp trước (đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 491 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường). Các ý kiến có chất lượng, sâu sắc, toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, được cử tri đánh giá cao.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, gắn bó với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ.

Phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trả lời về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết hiện Quốc hội chưa nhận được Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình làm việc luôn xác định đi trước, nắm trước tìm hiểu thông tin, đồng hành cùng Chính phủ trong việc chuẩn bị nội dung từ sớm, từ xa.

Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn ngày 12/11, Chủ tịch Quốc hội thông tin ngay từ đầu năm 2021 đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan để giúp Chính phủ xây dựng và ban hành triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế xã hội 5 năm đặt trong tổng thể mà vừa qua Quốc hội đã biểu quyết, trong đó thông qua cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, vì đặt mục tiêu gắn với phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 và những năm sau nên Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với 2 nội dung mà Quốc hội vừa thông qua.

Thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào cuộc ngay từ đầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ đang khẩn trương, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và sớm trình Quốc hội xem xét.

Theo bà Mai, chương trình phục hồi kinh tế trước mắt ưu tiên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là chủ quan, vì vậy cần bố trí nguồn lực và kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả, mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, đạt 100% ở độ tuổi cần thiết.

[Bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình]

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022. Trong văn bản, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi nhận đủ tài liệu mà Chính phủ gửi và đảm bảo chất lượng thì sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp sắp tới để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra."

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trong Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội đã chú trọng vào việc điều chỉnh hình thức tổ chức các kỳ họp. Nếu trước đây Quốc hội thường chỉ họp 2 kỳ/năm nhưng căn cứ vào tình hình thực tế, cần phải thay đổi theo hướng linh hoạt để giải quyết những vấn đề đặt ra.

Quốc hội khóa XV: Dự kiến tổ chức họp chuyên đề vào cuối tháng 12 ảnh 1Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN)

“Nếu họp 6 tháng/lần mà phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy cần phải sửa lại nội quy kỳ họp theo hướng linh hoạt hơn, thậm chí có những việc cấp bách thì Quốc hội có thể họp trực tuyến như vừa rồi," ông Bùi Văn Cường cho biết. Hiện Chính phủ đã trình 7 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. Còn 5 vấn đề, cơ quan của Quốc hội cũng đang phối hợp với các cơ quan có liên quan của Chính phủ để xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng để khi trình ra Quốc hội phải đảm bảo chất lượng tốt.

Ông Bùi Văn Cường cho biết về phiên chất vấn tại Kỳ họp này đã diễn ra rất thành công và sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong các kỳ họp tới. Đặc biệt, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tối cao thông qua chất vấn và trả lời chất vấn. Thực tế cho thấy, những đổi mới trong hoạt động chất vấn như chọn đúng vấn đề, hỏi nhanh đáp gọn cho thấy sự kế thừa và phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong các kỳ họp trước được cử tri đánh giá rất cao.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, một nội dung quan trọng là việc ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, định lượng cụ thể; có tiến độ thời gian và đầu việc để giao cho các cơ quan chức năng chuẩn bị, báo cáo trình Quốc hội đã thể hiện sự chuyên nghiệp, khoa học, đem lại hiệu quả cao./.

Hình ảnh phiên Bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục