Quốc hội Ukraine phê chuẩn các dự luật quan trọng thúc đẩy gia nhập EU

EC đánh giá Ukraine đã hoàn thành 90% các cải cách theo yêu cầu của EU, các cuộc đàm phán sẽ chính thức được tiến hành với Ukraine sau khi Kiev chấp nhận các điều kiện còn lại.

Tòa nhà Quốc hội Ukraine ở Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa nhà Quốc hội Ukraine ở Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/12, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn 3 dự luật cần thiết để khởi động các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Trong số các dự luật được thông qua đáng chú ý có dự luật về quyền của các dân tộc thiểu số. Đây là một yêu cầu quan trọng của Hungary, nước phản đối nỗ lực gia nhập EU của Ukraine.

Budapest cho rằng Kiev chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người thiểu số Hungary ở khu vực miền Tây Ukraine, đặc biệt là quyền tiếp cận giáo dục.

Hai dự luật khác được thông qua có liên quan đến việc tăng số lượng nhân viên trong Cục Chống tham nhũng quốc gia và trao thêm quyền cho Cơ quan Phòng chống tham nhũng quốc gia về kiểm tra tài sản.

Trước đó, ngày 5/12, Quốc hội Ukraine cũng đã thông qua dự luật về vấn đề vận động hành lang - vốn là yêu cầu thứ tư trong tiến trình gia nhập EU.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát quá trình mở rộng khối, đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine đàm phán công khai về tư cách thành viên sau khi giải quyết được vấn đề tham nhũng, thông qua luật vận động hành lang phù hợp với tiêu chuẩn của EU và tăng cường các biện pháp bảo vệ dân tộc thiểu số.

Dự kiến, tại hội nghị diễn ra tuần tới, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ quyết định việc liệu có chấp nhận đề nghị của EC về việc mời Ukraine đàm phán về tư cách thành viên hay không.

EC đánh giá Ukraine đã hoàn thành 90% các cải cách theo yêu cầu của EU. Các cuộc đàm phán sẽ chính thức được tiến hành với Ukraine sau khi Kiev chấp nhận các điều kiện còn lại liên quan đến đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thông qua luật vận động hành lang phù hợp với các tiêu chuẩn của EU và tăng cường các biện pháp bảo vệ dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào về vấn đề này đều cần có sự nhất trí ủng hộ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần khẳng định nước này sẽ không ủng hộ đề xuất hiện nay của EC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục