Quy định niên hạn xe máy: Khó truy được “giấy khai sinh” xe cũ nát

Theo đại diện các chuyên gia, cơ quan chức năng và đại đa số người dân, quy định niên hạn xe máy cần có lộ trình cụ thể và nghiên cứu khoa học.
Xe máy “hết đát” vẫn là “cần câu cơm” của một số bộ phận dân lao động, người nghèo. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đại diện các chuyên gia, cơ quan chức năng và đại đa số người dân, quy định niên hạn xe máy cần có lộ trình cụ thể và nghiên cứu khoa học đồng thời lấy ý kiến chính người sử dụng phương tiện để đỡ ảnh hưởng đến người dân.

Xe “hết đát” vẫn là “cần câu cơm”

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tại Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định đến ngày 1/1/2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy.

“Tài sản xe máy được đăng ký quyền sở hữu tức là tài sản của công dân. Vậy thu hồi tịch thu phá hủy phải căn cứ vào luật pháp quy định. Thực tế, người dân mua đăng ký quyền sở hữu sau đó đưa ra lý do bảo vệ môi trường nên tịch thu là không phù hợp, dân chắc chắn không đồng tình,” ông Liên nhìn nhận.

Muốn quy định được niên hạn, ông Liên cho rằng, về mặt giấy tờ, xe máy phải thể hiện được năm sản xuất vì xe máy nhập lậu nhiều, mua phụ tùng linh kiện các nơi về lắp ráp, xe không chính chủ… hoặc là mua xe cũ, “độ” lại thì phương tiện đó là không có nguồn gốc, năm sản xuất nên không thể xác định được xe đã quá hạn hay chưa.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng khuyến cáo cơ quan quản lý Nhà nước phải bàn tính đến hệ quả khi đặt ra hàng loạt các câu hỏi như: tịch thu xe thì để đâu, ai quản lý? Phải chăng đưa ra kiểm định thế buộc người dân không được hoán cải, sửa chữa tận dụng những xe máy đã có tuổi đời cao? Lấy đâu ra cơ sở vật chất để kiểm định?

Do đó, ông Liên bày tỏ quan điểm cần phải xem xét kỹ lưỡng cơ sở lộ trình thực hiện. Xe máy chỉ dừng “bùng nổ” và giảm số lượng khi phương tiện giao thông công cộng phát triển.

Dọc các tuyến phố Giảng Võ, Đê La Thành hay khu vực chợ hoa quả Long Biên (Hà Nội), hàng loạt xe máy “hết đát” vẫn vô tư lưu thông chạy trên đường. Thậm chí, nhiều xe với bộ khung sắt trơ trụi, hệ thống đèn xe không còn chiếc nào, tiếng máy nổ đùng đoàng vì không có pô, khói đen nhả liên tục mỗi lần xe chạy... vẫn được tận dụng để làm phương tiện chở hàng.

​Với chiếc xe Dream cũ nát cạnh gốc cây trên đường Giảng Võ, anh Trần Trọng Hà (Tiên Du, Bắc Ninh) đã có thâm niên làm nghề chở hàng thuê hàng chục năm ở đất Thủ đô.

Anh Hà thừa nhận, không thể biết được “con ngựa sắt” thường ngày gắn bó với mình đã trải qua bao nhiêu đời chủ, chỉ biết rằng nó thuộc quyền sở hữu khi anh mua lại từ một người bạn trên phố Láng Hạ vào năm 1999.

Hiện tại, chiếc xe chủ yếu để chở những hàng hóa cồng kềnh như sắt, thanh inox dài, khung cửa sắt... để vận chuyển vào những khu vực ngõ, phố nhỏ khi xe ôtô không thể đi vào. Hơn nữa, tiền công vận chuyển của xe máy rẻ hơn rất nhiều, trong khi độ linh hoạt và tiện dụng lại rất cao.

“Xe này không có giấy tờ, không có biển kiểm soát. Đôi khi ra đường, cảnh sát giao thông có kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở bởi dân lao động nghèo tính công làm lãi như cánh chở hàng thuê thì lấy đâu tiền mà nộp phạt,” anh Hà thành thật nói.

Đặt câu hỏi đến việc quy định niên hạn xe, anh Hà bày tỏ chính kiến, xe dù đã cũ nát, tuổi đời cao nhưng đây chính là “cần câu cơm” của bốn miệng ăn trong nhà. Nếu mà tịch thu xe thì không biết làm nghề gì để kiếm sống.

Ngoài ra, anh Hà cho rằng, khi có quy định niên hạn xe, cơ quan chức năng cần thông tin rộng rãi đến người dân về các tiêu chí kiểm tra, cơ sở ban hành, lấy ý kiến chủ xe và có lộ trình cụ thể để người dân lao động nghèo ứng phó và chuyển đổi công việc, nghề nghiệp.

Lộ trình thực hiện trước ở các đô thị lớn

Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy đây là lượng xe lớn, trong số này có những xe đưa vào hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước kia nhưng giờ vẫn đang “bon bon” trên đường.

Khẳng định xe cũ xe có tuổi đời lớn nhưng nếu duy trì bảo dưỡng thường xuyên thì vẫn hoạt động bình thường, ông Trí nhìn nhận, kể cả xe mới mà không được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định của nhà sản xuất thì chất lượng vẫn kém. Đặc biệt, chất lượng xe ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông (hệ thống phanh, lái không an toàn), xe cũ nát ảnh hưởng đến xả khí thải ra môi trường đô thị.

“Hiện luật Giao thông đường bộ có quy định niên hạn sử dụng với hai đối tượng là xe vận tải hàng hóa và xe khách. Xe khách có thời hạn không quá 20 năm, xe tải không quá 25 năm. Xe ôtô con, xe du lịch, xe máy chưa có niên hạn sử dụng,” ông Trí quả quyết.

Phân tích thêm, theo vị Cục phó Cục Đăng kiểm, khi quy định niên hạn sử dụng hoặc là kiểm soát kỹ thuật xe máy cũng như kiểm soát khí thải, vấn đề này phải cân nhắc do hiện tại có hơn 40 triệu xe máy. Đối với xe có năm sử dụng dài, chất lượng kém đa số là của người dân có thu nhập thấp sử dụng vào mưu sinh, phương tiện đi lại làm việc trong khi điều kiện giao thông vận tải công cộng chưa đáp ứng nên quy định niên hạn xe gắn máy phải cân nhắc thận trọng.

Đưa ra lộ trình về niên hạn xe, ông Trí cho rằng, các đô thị loại 1 loại 2 nên có lộ trình quy định để đảm bảo nó không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông hay là việc đi lại của người dân. Lộ trình áp dụng nếu có đặt vấn đề thì phải xem xét đến tuổi đời xe máy với những xe trên 15 năm hoặc trên 20 năm để có những lộ trình khác nhau.

Nhìn nhận xe càng sử dụng lâu chất lượng càng giảm sút, tuy nhiên, theo ông Trí cũng còn một khía cạnh nữa đó là kiểm soát kỹ thuật với xe máy bởi qua việc làm này thì người dân sẽ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên để đạt tiêu chuẩn. Như vậy, chất lượng được nâng cao, đây cũng là biện pháp để giảm chất lượng xe máy xuống thấp khi có quy định về kiểm tra môi trường, kỹ thuật của xe trong quá trình sử dụng.

[Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải với mức phí từ 100.000-150.000 đồng]

Đề cập đến cơ sở nào để quy định niên hạn, ông Trí nêu ra 3 yếu tố đó chính là an toàn giao thông, môi trường, tính kinh tế. Có thế quy định niên hạn trước ở các thành phố lớn, đô thị vùng lõi hoặc đưa ra chính sách thuế, phí đánh nặng vào xe máy cũ so với xe mới đồng thời kết hợp với hạ tầng giao thông công cộng phát triển mới có thể thực hiện lộ trình.

“Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ có quy định thu hồi các xe quá niên hạn sử dụng thì tại thời điểm đó chỉ áp dụng được với xe tải, xe khách. Chưa thể tịch thu được xe máy vì chưa có quy định về niên hạn sử dụng. Chỉ khi nào có thì sẽ chính thức thực hiện thu hồi,” ông Trí khẳng định.

Trước mắt, Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu dự thảo quy định kiểm soát khí thải xe máy trong đó có đề xuất sẽ kiểm soát chất lượng xe thông qua kiểm soát khí thải. Trên cơ sở đó, có thể thời gian tiếp theo kiểm tra tình trạng kỹ thuật niên hạn nếu điều kiện xã hội khả thi về kinh tế và hạ tầng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nên cần có lộ trình để đỡ ảnh hưởng đến đi lại của dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục