Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng: Mở rộng ra hải đảo, thềm lục địa

Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2030, cả nước dự kiến sẽ cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 12/1, Bộ Xây dựng đã công bố công khai “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.” Trong đó phạm vi lập ranh giới lập quy hoạch lần này không chỉ tập trung vào diện tích ở trên đất liền mà còn mở rộng ra đến các đảo và thềm lục địa của cả nước.

Quy hoạch trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 25/12/2023.

Quy hoạch từ đất liền ra các đảo, thềm lục địa

Thông tin tại hội nghị công bố quy hoạch trên, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được lập cho tất cả các nhóm, loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ).

Cụ thể, đối tượng của quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030, bao gồm 5 nhóm phân theo mục đích sử dụng, trong đó nhóm khoáng sản làm ximăng gồm đá vôi làm ximăng; sét làm ximăng; cát kết, bazan, laterit, puzolan làm phụ gia xi măng. Nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ gồm đá dolomit, đá hoa, đá granit, đá gabro, đá bazan, đá metacarbonat.

Tương tự, nhóm khoáng sản làm gốm sứ, vật liệu chịu lửa gồm các loại cao lanh, felspat, đất sét trắng, đất sét chịu lửa, thạch anh, quarzit. Nhóm khoáng sản làm kính xây dựng, bao gồm cát trắng, felspat, đá vôi, dolomit. Cuối cùng là nhóm khoáng sản làm vôi công nghiệp, điển hình là đá vôi, dolomit…

Ranh giới các khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản làm vật liệu được xây dựng trên cả phần diện tích đất liền, hải đảo và thềm lục địa của cả nước.

Về lý do mở rộng phạm vi lập quy hoạch, ông Vũ cho hay trong quá trình lập quy hoạch và rà soát, đánh giá lại các quy hoạch đã được phê duyệt, bộ này nhận thấy khoáng sản cát trắng tại các khu vực Quan Lạn, Đông Xá, Ngọc Vừng, Minh Châu thuộc huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) là vùng thềm lục địa và trên các đảo của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2012; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã căn cứ Quy hoạch để cấp 2 giấy phép khai thác cát trắng tại các đảo và thềm lục địa, từ năm 2019.

“Để quản lý hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên cát đúng định hướng và đúng quy định pháp luật, việc tiếp tục cập nhật và quy hoạch các khu vực khoáng sản trên các đảo và thềm lục địa là cần thiết và phù hợp. Do vậy, trong nội dung quy hoạch kỳ này, phạm vi lập ranh giới lập quy hoạch đối với khoáng sản cát trắng không chỉ trên đất liền mà còn mở rộng cả đến các đảo và thềm lục địa,” đại diện Bộ Xây dựng nói.

anh-21-7090.jpg
Đánh giá đầy đủ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng để phục vụ hiệu quả cho quá trình kinh tế-xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo quyết định phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030, quy hoạch dự kiến cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến ngành sẽ cấp phép và thăm dò 177 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.

Đáp ứng tối đa vật liệu xây dựng cho nền kinh tế

Thay mặt đơn vị tư vấn lập quy hoạch, ông Đào Công Vũ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) nhấn mạnh công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng là cơ sở để cấp phép hoạt động khoáng sản, quản lý việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản, từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy hoạch trong thời gian qua cho thấy kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản còn hạn chế và chưa được cập nhật thường xuyên, có hệ thống vào quy hoạch; thông tin nhiều khu vực khoáng sản trong quy hoạch (địa danh, tọa độ khép góc, trữ lượng) chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, quy hoạch hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành Công nghiệp hiện đại, Công nghiệp Xanh, áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật vào quản lý và sản xuất; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây cũng không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác; các quy hoạch về khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái đang chồng lấn lên quy hoạch khoáng sản thời gian qua ở một số địa phương; công tác thăm dò khoáng sản chưa triệt để theo chiều sâu thân quặng nên việc đánh giá trữ lượng khoáng sản còn hạn chế, không khai thác hết trữ lượng khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên.

Ngoài ra, theo ông Vũ, quy hoạch trước đây hiện đang vướng mắc trong hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản nằm trong quy hoạch nhưng quá trình thực hiện bị khoanh định đưa vào khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản hoặc rừng tự nhiên…

anh-13-3174.jpg
Hướng đến ngăn chặn, chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng gây hại tới môi trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó theo quy định của Luật Quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc nhóm quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực sử dụng tài nguyên thuộc đối tượng phải lập lại theo quy định mới với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 30-50 năm.

“Do vậy, nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành,” ông Vũ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ, quy hoạch lần này nhằm phát triển bền vững hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng hiệu quả, tương xứng với tiềm năng khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng cho nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan.

Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu phát huy hiệu quả các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng hiện có như sản làm ximăng, vôi công nghiệp, đá hoa, cát trắng silic; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành.

Bên cạnh đó, quy hoạch hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành Công nghiệp hiện đại, Công nghiệp Xanh, áp dụng triệt để các giải pháp Công nghệ Thông tin sử dụng dữ liệu lớn, Trí tuệ Nhân tạo, internet kết nối vạn vật vào quản lý và sản xuất; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, quy hoạch trên đã giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của quy hoạch thời kỳ trước; đặc biệt là việc giao thoa, chồng lấn giữa các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong quy hoạch với các quy hoạch/dự án phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương cũng như với các khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã phê duyệt, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia do Bộ tài nguyên và Môi trường chủ trì lập và quy hoạch các loại khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì lập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục