Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: Chiến đấu trong vòng vây

Ký ức 75 năm trước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh dội về, nhắc tới nguồn cội sức mạnh của một dân tộc luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc, sắt đá đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: Chiến đấu trong vòng vây ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị quyết tử của Hà Nội đầu năm 1947. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,” hiệu triệu đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược. Thời khắc đó cũng là khởi điểm cuộc trường chinh vĩ đại chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Biết bao biến động từ dấu mốc lịch sử ấy nhưng những nhân chứng, những dấu vết thời cuộc vẫn còn đó. Và những ngày mùa đông này, ký ức 75 năm trước lại dội về, nhắc tới nguồn cội sức mạnh của một dân tộc luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc, sắt đá đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc.

Ở vườn hoa Vạn Xuân (Hàng Đậu, Quan Thánh, Ba Đình) có cụm tượng đài Cảm tử quân đắp nổi trên quốc kỳ là dòng chữ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.” Cụm tượng đài này do thành phố Hà Nội xây dựng để kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, nhớ tới những người con ưu tú ở mảnh đất ngàn năm văn hiến đã “sống chết với Thủ đô” để viết nên bản hùng ca tinh thần yêu nước bất diệt trong thời đại mới.

Nhắc đến lời thề sắt son này và hơn 60 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây quân thù, những cán bộ, chiến sĩ Liên khu I chiến đấu bảo vệ Hà Nội hồi mùa đông năm 1946, nay dù da mồi, tóc bạc, chân bước đã chậm nhưng giọng nói lại trở nên mạch lạc, sang sảng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”...

Trong ngôi nhà nằm giữa phố Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, nguyên Trưởng phòng Quân báo, Quân khu Thủ đô xúc động nhớ đến những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Trong tâm trí người Cảm tử quân năm 1946, nay đã ở tuổi 97 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, ánh mắt minh mẫn và nụ cười nở rộng trên khuôn mặt hiền hòa, những biến động trọng đại hồi 75 năm trước dường như mới ngày hôm qua.

Nhắc đến thái độ hung hăng và những hành động cướp nước của thực dân Pháp, ông Nguyễn Mạnh Hải kể giọng đều đặn: Đêm 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã tha thiết: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc... Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước...”

[75 năm toàn quốc kháng chiến: Lời thề quyết tử - Lời hịch non sông]

Trong trí nhớ của ông Nguyễn Mạnh Hải, Hà Nội lúc đó là chiến trường chính nhưng tương quan lực lượng giữa ta và địch không cân sức. Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Hồ Chủ tịch thôi thúc động viên quân và dân Thủ đô thực hiện tốt nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: Bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ các nhân sỹ, trí thức yêu nước và cán bộ, chuyển những gì cần thiết ra chiến khu; bảo vệ dân, vũ trang toàn dân. Cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân Hà Nội, nhất là tinh thần Quyết tử-Quyết sinh của các đội tự vệ, cảm tử quân đã làm phá sản âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.

Công sự, chiến lũy được dựng lên khắp các đường phố. Những người con của Thủ đô, từ các chiến sĩ Tự vệ phố Hàng Thiếc, phố Nhà Binh, anh công nhân, anh sinh viên y khoa, chàng kiến trúc sư, những thiếu nữ trường Trưng Vương, Đồng Khánh đến những cậu bé đánh giày, anh phu phen, bác cu li, chị tiểu thương, thanh niên nam, nữ của 36 phố phường quả cảm bước vào cuộc chiến. Đối diện lính Pháp, họ kết thành một khối, anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội, gây cho quân địch những thiệt hại nặng nề.

“Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Quân và dân Thủ đô kiên cường chiến đấu trong vòng vây hơn 60 ngày đêm, bảo vệ từng con đường, góc phố, từng ngôi nhà,” Đại tá Nguyễn Mạnh Hải bồi hồi nói.

Cố trấn tĩnh, ghìm nén đôi giọt nước trên khóe mắt đã mờ đục khi nhắc lại khoảnh khắc đồng đội hy sinh bởi đạn thù, tự tay ông đưa họ nằm xuống ba thước đất ở phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hải nói rành rọt, chiến tranh và cái chết là rất gần nhau nhưng lúc đó “không một ai sợ hãi." Một điều hết sức đặc biệt là tại các chiến lũy ở phố Hàng Bè, Hàng Ngang, Hàng Đào hay như nơi ông cùng các Cảm tử quân khác vây đánh lính Pháp ở gần Bắc Bộ phủ, cứ khi im tiếng súng là chiến sỹ ta lại cất cao câu hát: “Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam. Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam. Đài hạnh phúc đắp xây Tự do. Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm...”

“Bọn lính Pháp căm tức lắm, chúng bắn đại liên để át tiếng hát của ta. Nhưng chúng tôi cứ vừa hát vừa bắn lại chúng. Tiếng hát đó như sợi dây nối chặt quân dân Thủ đô một lòng giữ vững ngọn cờ Độc lập,” người cảm tử quân năm xưa kể rồi xúc động khẽ hát lời ca đã vang trên khắp các chiến hào ở Hà Nội hồi mùa đông 75 năm trước: “Bao chiến sỹ lên đường, lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”

Trong ký ức của Đại tá Vũ Kiểm, nguyên Chính ủy Cục Hậu cần, Tổng cục Tình báo (Bộ Quốc phòng)- người đã “rũ bùn đứng dậy”, từ bỏ thân phận “thằng quýt” để tham gia giành chính quyền trong mùa thu tháng Tám lịch sử.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: Chiến đấu trong vòng vây ảnh 2Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Đó cũng tiêu biểu cho truyền thống cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận với tinh thần thà chết chứ không chịu làm nô lệ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Niềm vui của hàng triệu người dân Việt Nam về sự khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kéo dài không lâu. Tháng 9 năm 1946, thực dân Pháp đưa quân vào nước ta rắp tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Đám lính mũ Đỏ bắn phá, giết hại thường dân ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị đánh vào Hà Nội. Ở Thủ đô, lính Pháp gây ra những vụ tàn sát đồng bào ta tại phố Hàng Bún, Yên Ninh…

Trước dã tâm của thực dân Pháp, Tổ quốc chỉ còn một con đường đứng lên chiến đấu giành lại Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho dân tộc. Ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Đêm 19/12, Hà Nội nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở những vị trí quan trọng như Bắc Bộ phủ, Nha Công an, Trụ sở Bộ Quốc phòng, Tòa Thị chính, Chợ Đồng Xuân…

“Ánh sáng, tiếng nổ của đạn, pháo vang rền khắp nơi. Ở Hàng Bè, Hàng Ngang, Hàng Đào, mỗi góc phố, ngôi nhà đều là nơi giao tranh ác liệt. Ta đục tường các ngôi nhà theo hình dích dắc để di chuyển và làm bẫy. Khi những tên lính lê dương to xác, hùng hổ chui qua các lỗ tường nhà này thì tự vệ đã dùng vũ khí thô sơ diệt địch. Từ tầng hai, ta tung lựu đạn xuống. Giặc chết ngổn ngang. Pháp dùng xe tăng, hỏa lực mạnh để vây quân ta. Nhiều chiến sĩ quyết tử liền ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch” - Đại tá Vũ Kiểm nhớ lại.

Cầm trên tay bức ảnh của Thông tấn xã Việt Nam với dòng chú thích Các chiến sỹ Vệ quốc quân với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), chỉ vào hình một chiến sỹ đang leo thang lên mái nhà, tay cầm dao găm, vị đại tá tuổi đã gần 100 sang sảng cười nói, đó là ông trong một tổ chiến đấu của Liên khu I và bảo, ngày ấy Hà Nội bốc cháy. Máu chiến sỹ loang đỏ phố. Song quân, dân Hà Nội vẫn kiên cường xung phong đánh địch. Tại nhiều chiến lũy, đồng đội dần dần hy sinh, nhưng người cuối cùng trụ lại vẫn không hề buông súng....

Tết Đinh Hợi 1947, trong lúc những cảm tử quân như ông Vũ Kiểm, ông Nguyễn Mạnh Hải ăn Tết giữa vòng vây của địch thì nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Bác viết: “...Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục