Ra mắt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2

Giai đoạn 2 của dự án Tủ sách Thăng Long được triển khai từ năm 2013 đến nay, với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long-Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử.
Ra mắt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2 ảnh 1Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 10/10, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức lễ ra mắt “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn 2 đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố Vì hòa bình.

Tiếp nối Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" giai đoạn 1 do Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010, giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ năm 2013 đến nay, với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long-Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử.

Ở hạng mục sưu tầm, Tủ sách đã được bổ sung tư liệu nước ngoài (tại Anh, Pháp và Hà Lan) về Thăng Long-Hà Nội với trên 9.000 trang tư liệu, gấp gần hai lần kế hoạch và xây dựng hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long trên địa bàn 30 quận, huyện.

Ở hạng mục biên soạn và xuất bản, tủ sách được bổ sung thêm 40 đầu sách với 74 tập thuộc tất cả các lĩnh vực: địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học-nghệ thuật, tư liệu tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang.

Các đầu sách được tổ chức nghiên cứu, biên soạn chặt chẽ, thông qua một quy trình nghiêm túc từ khâu đề cương cho đến hoàn thiện bản thảo sau nghiệm thu.

Ngoài ra, tủ sách còn xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần.

[Người Hà Nội tràn đầy cảm xúc với những ký ức tháng 10 lịch sử]

Ra mắt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2 ảnh 2Đại biểu tham quan Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ở hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, tủ sách đã được số hóa toàn bộ sách và tư liệu thuộc giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục tổ chức số hóa sách và tư liệu giai đoạn 2 nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội.

Số trang sách và tư liệu đưa vào số hóa lên đến hơn 200.000 trang.

Có được những thành công này là nhờ dự án đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo trên 300 cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương và địa phương cùng nhiều nhà khoa học ở nước ngoài trên các lĩnh vực, tham gia vào các hạng mục công việc.

Theo Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội Lê Tiến Dũng, ở giai đoạn 2, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long-Hà Nội từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ ở Trung ương, địa phương.

Đặc biệt, những vùng đất mới của Hà Nội mở rộng được tập trung nghiên cứu.

Giai đoạn 1 của dự án đã cho ra mắt 97 bộ sách với 139 tập, chủ yếu tập trung vào khu vực Hà Nội truyền thống trước ngày 1/8/2008.

Dự án được đánh giá là một thành công nổi bật của chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện một số mảng còn thiếu của giai đoạn 1 và nhất là bổ sung khoảng trống của khu vực Hà Nội mở rộng.

Tính chung đến nay đã có 137 bộ sách được xuất bản, với 213 tập, trên 154.000 trang in khổ lớn.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến,” tủ sách có giá trị vô cùng to lớn, trong đó có rất nhiều tư liệu quý về Thăng Long-Hà Nội lần đầu tiên được công bố.

Sự tiếp nối tạo nên những công trình sách giá trị về Thăng Long-Hà Nội giúp bạn đọc hiểu về Hà Nội đầy đủ, khái quát, sâu sắc hơn; từ đó kế thừa, phát huy truyền thống để phát triển Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục