Rác thải nhựa có phải là nhân tố gây căng thẳng giữa các nền kinh tế?

Một chuyên gia kinh tế WB cho rằng các chất thải độc hại nên được chuyển đến các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Luận điểm trên của ông này đã tạo ra một làn sóng chỉ trích dữ dội.
Rác thải nhựa có phải là nhân tố gây căng thẳng giữa các nền kinh tế? ảnh 1Ống hút nhựa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã dành rất nhiều "giấy mực" để phân tích những xung đột thương mại, trong đó điển hình là cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang ngày một nóng hay những căng thẳng xung quanh tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, cuộc chiến liên quan vấn đề rác thải nhựa toàn cầu dù không thu hút được nhiều chú ý như các cuộc thương chiến nhưng đã trở thành nhân tố rõ ràng gây nên những căng thẳng giữa các nền kinh tế mới nổi và những quốc gia giàu có, dẫn đến một xu thế đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa rộng khắp trên thế giới.

Sự vô tâm của người giàu

Năm 1991, khi còn làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia kinh tế trưởng Lawrence Summers, đã viết một biên bản, trong đó cho rằng các chất thải độc hại nên được chuyển đến các quốc gia thuộc thế giới thứ ba (từ ngữ chỉ các nước không thuộc thế giới phương Tây), nơi có quy trình xử lý rác thải hợp lý và hiệu quả hơn.

Chuyên gia Summers sau đó nói rằng đây chỉ là một trò đùa, nhưng luận điểm trên của ông đã tạo ra một làn sóng chỉ trích dữ dội, cho rằng các quốc gia giàu có là vô đạo đức về mặt chính trị và môi trường. Và đến nay, sự tức giận đó đã lan đến khu vực Đông Nam Á.

Công bằng mà nói, những suy nghĩ trên đã chính xác một phần. Chính phủ ở những quốc gia như Canada và Australia có truyền thống ít quan tâm đến các loại chất thải họ gửi ra nước ngoài. Những vật liệu tái chế được giao dịch thông qua các chuỗi trung gian phức tạp và thường bị dán nhãn sai, không tuân thủ quy định.

Trong khi đó, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á nói họ có ít quyền kiểm soát đối với những gì mình nhận được.

Chính phủ Indonesia cho biết những lô hàng mà họ gửi trở lại Australia hồi giữa tháng 7/2019 chứa đầy rác thải điện tử và các loại rác thải độc hại khác.

Sự bất lực của người nghèo

Trung Quốc từng là quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới cho tới đầu năm 2018, khi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm để bảo vệ môi trường cũng như chất lượng không khí.

Quyết định này đã khiến dòng chảy chất thải toàn cầu nhanh chóng chuyển hướng sang những nơi khác, trong đó chủ yếu là khu vực Đông Nam Á.

Một phản ứng chính trị dữ dội đã xảy ra sau đó, bởi quy trình xử lý chất thải sẽ tạo ra vô số vấn đề về môi trường tại khu vực kinh tế đang phát triển nhanh chóng của châu Á.

Indonesia hồi giữa tháng 7/2019 đã trở thành quốc gia mới nhất trong khu vực kiên quyết gửi 210 tấn chất thải quay ngược trở lại Australia.

Trước đó, vào tháng 5/2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã ra lệnh trả lại hàng chục container chất thải về Canada.

Thực trạng trên đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trên toàn thế giới, với hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường bị đẩy lên mức báo động đỏ. Có một điều không thể chối cãi, đó là sản lượng nhựa toàn cầu đang tăng và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.

Năm 2015, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra, cao gấp đôi so với hai thập kỷ trước.

Các nhóm vận động môi trường lo ngại con số này thậm chí sẽ tăng thêm hai lần nữa vào năm 2030, gián tiếp gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các đại dương và các bãi chôn lấp rác thải độc hại.

Tuy nhiên, những quan ngại về rác thải nhựa đôi khi lại dẫn đến suy nghĩ và giải pháp có phần lệch lạc.

Rác thải nhựa có phải là nhân tố gây căng thẳng giữa các nền kinh tế? ảnh 2Rác thải nhựa tái chế tại Heredia, Costa Rica. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để hạn chế rác thải nhựa, các phương tiện truyền thông khuyến khích sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, thậm chí một vài chính phủ đã ban hành lệnh cấm túi nylon và ống hút nhựa.

Trong khi đó, những biện pháp như đổi túi nylon để lấy túi vải chưa thật sự thuyết phục người dùng, bởi quá trình sản xuất túi vải phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng và nguồn nước hơn. 

Tìm kiếm một giải pháp chung

Chính vì thế, một bộ quy tắc toàn cầu mới về rác thải nhựa gần đây đã được thống nhất theo Công ước Basel của Liên hợp quốc.

Đây là một hiệp ước nhằm kiểm soát hệ thống chất thải của thế giới đã được gần 200 quốc gia phê chuẩn, nhưng không có Mỹ.

Bộ quy tắc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021 và được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia tiếp nhận rác thải có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với những gì họ nhận được.

Các nhà vận động môi trường ủng hộ ban bố lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa với hy vọng buộc chính phủ các quốc gia giàu hơn phải hành động đồng thời thúc đẩy các công ty trong lĩnh vực như thực phẩm và hàng tiêu dùng phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Rõ ràng, những phương án quyết liệt như vậy là cần thiết, song kết quả tốt nhất sẽ chỉ đạt được nếu xu thế "đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa" hệ thống tái chế của thế giới diễn ra mạnh hơn.

Các chuyên gia môi trường thường ủng hộ một hệ thống tuần hoàn xuyên suốt, trong đó chất thải được xử lý và tái sử dụng tại chỗ, thay vì chuyển ra nước ngoài.

Trong khi đó, những kế hoạch nhằm kiểm soát nghiêm ngặt việc xả rác thải cũng phải cần phải được thực hiện, ví dụ như biện pháp được đưa ra tại Thượng Hải khi chính quyền đe dọa sẽ phạt tiền và công khai danh tính những người không tuân thủ.

Mặc dù vậy, để đạt hiệu quả tuyệt đối, những biện pháp này cần phải được cân bằng thông qua hoạt động đầu tư vào các cơ sở tái chế trong nước.

Tất nhiên, việc yêu cầu những quốc gia phát thải phải giữ tất cả chất thải ở trong biên giới của họ là không thực tế, ít nhất là trong ngắn hạn.

Thay vào đó, sẽ là khôn ngoan hơn nếu những quốc gia này giúp đỡ các quốc gia tiếp nhận và xử lý rác thải bằng cách quan tâm hơn đến những gì họ xuất khẩu và chia sẻ công nghệ tái chế.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng cần đầu tư vào cơ sở xử lý chất thải và tái chế bởi vì hầu hết lượng nhựa sử dụng trên thế giới đều được sản xuất trong khu vực này, trong khi tỷ lệ tiêu thụ lại ngày càng gia tăng.

Nếu như khu vực Đông Nam Á từ chối hoàn toàn việc tái chế nhựa thì nguy cơ lượng chất thải sẽ được chuyển sang những nơi khác, có thể là các quốc gia ở Nam Á hoặc châu Phi.

Có thể nói, rác thải nhựa hiện là vấn nạn nhức nhối gây chia rẽ giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp. Và rõ ràng, một vấn đề toàn cầu sẽ phải được giải quyết ở phạm vi toàn cầu, nơi mỗi nền kinh tế riêng biệt thực hiện trách nhiệm của chính mình./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục