RCEP: 'Cửa ngõ để công nghệ Trung Quốc tiến vào thị trường Nhật Bản

RCEP: 'Cửa ngõ' để công nghệ Trung Quốc tiến vào thị trường Nhật Bản

Việc RCEP có hiệu lực sẽ giúp Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa thâm dụng lao động của Trung Quốc ở thị trường Nhật.
RCEP: 'Cửa ngõ' để công nghệ Trung Quốc tiến vào thị trường Nhật Bản ảnh 1Công nhân làm việc trong nhà máy của Foxconn. (Nguồn: AFP)

Theo Liên hợp buổi sáng, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản đã miễn trừ đến 86% thuế quan hàng hóa nhập khẩu của nhau.

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Nhật Bản đã vượt ngưỡng 370 tỷ USD. Hai quốc gia này đều là một trong những đối thương mại lớn nhất của nhau, do đó việc miễn thuế quan qua lại chắc chắn sẽ mang lại lợi ích phát triển lớn cho cả hai nước.

Nhật Bản ngày càng mất ưu thế?

Từ trước đến nay, kết cấu kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản thường được cho là sự bổ sung cao độ cho nhau. Ưu thế công nghệ và nhân tài của Nhật Bản kết hợp với ưu thế chi phí nguồn nhân lực và quy mô thị trường của Trung Quốc sẽ giúp giải phóng tiềm năng hợp tác to lớn.

Do đó, việc RCEP có hiệu lực sẽ giúp Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa thâm dụng lao động của Trung Quốc ở thị trường Nhật Bản.

Nhận định này xuất phát từ giả định trình độ công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ của Nhật Bản mạnh hơn Trung Quốc, nhưng trên thực tế đã có sự thay đổi.

Theo Chỉ số sáng tạo toàn cầu do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2021 Trung Quốc xếp thứ 12 toàn cầu, cao hơn Nhật Bản trong 3 năm liên tục (trong cùng thời gian, Nhật Bản xếp thứ 13).

Trong khi đó, về chỉ số phụ “xuất khẩu tri thức và công nghệ,” Trung Quốc xếp thứ 4, cao hơn vị trí thứ 11 của Nhật Bản.

Do đó, đối diện với Trung Quốc, công nghệ của Nhật Bản đã không còn là lợi thế so sánh nổi bật. Khi tính cạnh tranh của kết cấu kinh tế-thương mại giữa hai nước tăng mạnh, tính hỗ trợ lẫn nhau cũng suy yếu nhanh chóng. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sử dụng năng lực công nghệ của mình để mở rộng lợi ích hợp tác.

Thông qua xem xét biểu cam kết thuế của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong hiệp định RCEP, có thể phát hiện công nghệ Trung Quốc có nhiều cơ hội mới để khai thác thị trường Nhật Bản.

Về linh kiện lò phản ứng hạt nhân nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản cam kết ngay lập tức cung cấp hưởng đãi ngộ thuế quan 0%.

Trung Quốc là nước thứ tư sau Mỹ, Nga, Pháp nắm trong tay công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba, với sản phẩm tiêu biểu chính là “HPR 1000” (Hualong One) do Tập đoàn điện hạt nhân tổng hợp Trung Quốc (CGN) và Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) hợp tác phát triển, 4 tổ máy ở trong và ngoài nước đều đã hòa lưới phát điện.

Ngược lại, công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản vẫn đang ở thế hệ thứ hai, thiếu an toàn và vận hành lạc hậu đã dẫn đến sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima kéo dài đến hiện nay.

Kể từ năm 2015, Nhật Bản liên tục tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân trong nước. Hiện nay, tình hình Ukraine diễn biến xấu đã không ngừng đẩy giá dầu khí lên cao, điều này có thể đẩy nhanh tiến trình tái khởi động điện hạt nhân của Nhật Bản, từ đó tạo ra nhu cầu thị trường tiềm năng nhiều hơn.

Đối với linh kiện máy bay nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng cam kết ngay lập tức cho hưởng đãi ngộ thuế quan 0%.

Những năm gần đây, Trung Quốc không những có thể tự chủ thiết kế và sản xuất máy bay chở khách thương mại, mà còn cung cấp các linh kiện then chốt và hệ thống phụ cho khách hàng quốc tế.

Năm 2021, hãng sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới Airbus chứng nhận Trung Quốc có 107 nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn, trong khi Nhật Bản chỉ có 40.

Hiện nay, máy bay chở khách ARJ21 do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu và sản xuất đã chính thức đưa vào khai thác thương mại, máy bay chở khách C919 cũng đã tiến hành bay thử nghiệm.

Trong khi đó, công ty sản xuất máy bay Mitsubishi Aircraft chịu trách nhiệm nghiên cứu sản xuất máy bay chở khách MRJ21 của Nhật Bản đang bên bờ vực phá sản.

Ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc đã hình thành ưu thế dẫn đầu đối với Nhật Bản, điều này chắc chắn đặt nền tảng tốt để các doanh nghiệp sản xuất hàng không của Trung Quốc mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tương tự, Nhật Bản cũng cam kết ngay lập tức cho hưởng đãi ngộ thuế quan 0% đối với sản phẩm cáp quang nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2021, năm doanh nghiệp của Trung Quốc, hai công ty Yangtze Optical FC và Hengtong đã lọt vào top 10 nhà sản xuất cáp quang toàn cầu, ước tính chiếm 46,83% thị phần toàn cầu, vượt qua mức tổng thị phần 26,37% của các “ông lớn” Fujikura, Furukawa Electric và Sumitomo Electric của Nhật Bản.

Trung Quốc cần thay đổi tư duy hợp tác

Những năm gần đây, Trung Quốc đã bao thầu ngày càng nhiều công trình xây dựng cáp quang biển quốc tế, bao gồm dự án tuyến cáp quang biển AAE-1 và MIR, nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm công nghệ phong phú.

Cùng với sự phổ cập của công nghệ thông tin 5G, triển vọng ứng dụng của thị trường cáp quang biển dự kiến sẽ rộng hơn.

Tháng Giêng năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến cáp quang biển vòng quanh đảo để thu hẹp khoảng cách dịch vụ số giữa thành thị và nông thôn, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đón nhận cơ hội đấu thầu.

Ngoài ra, RCEP thực hiện quy tắc tích lũy xuất xứ, hạ thấp hơn nữa rào cản tiến vào thị trường Nhật Bản của các sản phẩm công nghệ cao Trung Quốc.

Theo quy tắc này, trong số các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản, nguyên liệu và linh kiện từ các nước thành viên như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... đều có thể được tính là thành phần giá trị đến từ Trung Quốc bởi chỉ cần thành phần giá trị nội địa chiếm hơn 40% thì có thể được miễn giảm thuế.

Trong khi đó, những sản phẩm công nghệ cao mà Trung Quốc chiếm ưu thế luôn có tỷ lệ nội địa hóa khá cao, chẳng hạn tỷ lệ nội địa hóa của HPR 1000 là trên 90%, các thiết bị hạt nhân như bình áp lực của lò phản ứng hạt nhân đều do trong nước sản xuất, thậm chí tỷ lệ nội địa hóa của máy bay chở khách C919 cũng đạt gần 60%.

Việc thúc đẩy nhiều công nghệ cao của Trung Quốc tiến vào thị trường cao cấp Nhật Bản không những có thể nâng cao đáng kể địa vị quốc tế của ngành sản xuất Trung Quốc, mà còn tăng mạnh giá trị gia tăng của ngành sản xuất Trung Quốc, hình thành hiệu ứng tích cực đối với việc nâng cấp các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời thúc đẩy hơn nữa phát triển chất lượng cao kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh thời đại cục diện thay đổi 100 năm hiếm có và tăng cường mở cửa, các doanh nghệp Trung Quốc cần tích cực thay đổi tư duy hợp tác, chủ động định hình cục diện phân công lao động quốc tế và quan hệ kinh tế-thương mại có lợi cho lợi ích của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục