Rộn ràng Lễ hội Tết Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Lễ diễu hành với hơn 1.500 diễn viên, người dân hóa trang thể hiện phong tục tập quán của các nhóm ngôn ngữ người Hoa, kết hợp biểu diễn lân-sư-rồng, xiếc... là tâm điểm của Lễ hội.

Đoàn diễu hành hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Đoàn diễu hành hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tối 24/2 (ngày 15 tháng Giêng), tại Trung tâm Văn hóa Quận 5, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Đêm hội Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Năm nay, Đêm hội có nhiều nội dung và hoạt động phong phú, hấp dẫn như Lễ Nghinh Ông quan thánh đế quân tuần du, Đêm thơ Việt Nam…

Đặc biệt, Lễ diễu hành với hơn 1.500 diễn viên, người dân hóa trang thể hiện phong tục tập quán của các nhóm ngôn ngữ người Hoa, kết hợp biểu diễn lân-sư-rồng, xiếc... là tâm điểm của Lễ hội.

Đoàn các diễn viên và người dân diễu hành trên các đường phố chính của Quận 5 như: Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hòa, Trung tâm Văn hóa Quận và các Hội quán của người Hoa.

Anh Dư Quang Vinh (trú tại Quận 5) cho biết, phần diễu hành đường phố trong Lễ hội Nguyên tiêu là một trong những nét đặc sắc, thu hút nhiều người dân tham gia, thưởng lãm, mang đến niềm vui, sự lạc quan sau những ngày tháng mưu sinh vất vả trong năm. "Bản thân tôi giờ lớn rồi vẫn thích đi theo xem đoàn rước diễu hành giống như thời nhỏ,” anh Vinh nói.

ttxvn_tet nguyen tieu 2.jpg
Đoàn diễu hành đi cà kheo tại đường Lão Tử (Quận 5) được nhiều người dân chú ý, đón nhận. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Cùng với đó, Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm nay còn diễn ra các hoạt động như: triển lãm mỹ thuật, tranh thủy mặc, thư pháp; hình ảnh Lễ hội Nguyên tiêu qua các năm; hình ảnh nghệ thuật; viết thư pháp; trò chơi dân gian: đố đèn, vớt cá vàng…

Theo ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, Lễ hội Nguyên tiêu ở tại địa phương đã được duy trì và tổ chức trong hơn 30 năm qua, trở thành sự kiện thường niên quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội, Lễ hội còn thể hiện giá trị của cộng đồng, dấu ấn của thời gian và cũng là tài sản tinh thần của người dân; là nét đẹp hài hòa được kết hợp giữa văn hóa Việt và văn hóa dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thông qua Lễ hội, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào người Hoa cũng được giữ gìn, phát huy; đồng thời phát huy tinh thần, tính nhân văn, tính đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Việt – Hoa.

Tết Nguyên tiêu, hay còn gọi là Tết Thượng nguyên, Tết Hoa đăng, là một trong những lễ hội cổ truyền đã có từ lâu đời. Vào dịp Nguyên tiêu, người dân thường đi chùa, miếu để cầu cho một năm mạnh khỏe, bình an, phát tài, phát lộc...

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

Tết Nguyên tiêu - Ngày lễ lớn của người Việt

Tết Nguyên tiêu - Ngày lễ lớn của người Việt

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu là ngày chính rằm rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên, tràn đầy sức sống.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.