Sắp hoàn thành dự án "Hạnh phúc Quảng Trị" do KOICA viện trợ

Đến nay, chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" đã thực hiện 62 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 66 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành với mục tiêu chính là nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo.
Sắp hoàn thành dự án "Hạnh phúc Quảng Trị" do KOICA viện trợ ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể. (Nguồn: quangtri.gov.vn)

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, tỉnh Quảng Trị và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) thực hiện chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" giai đoạn 2015-2018 tại bảy xã.

Gồm các xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; Hải Thượng, huyện Hải Lăng; Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; Cam Thủy, huyện Cam Lộ; Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa; Mò Ó, huyện miền núi Đakrông và Gio Phong, huyện Gio Linh.

Chương trình được thực hiện dựa trên kinh nghiệm thành công của Chương trình "Làng mới" ở Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư trên 11,6 triệu USD, trong đó KOICA viện trợ không hoàn lại hơn 9,6 triệu USD.

Chương trình có các dự án: nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, nâng cao năng lực y tế, trồng rừng bảo vệ môi trường, quản trị hành chính công, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Đến nay, chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" đã cơ bản hoàn thành, ​với mục tiêu chính là nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo đã đạt được.

Để giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn, chương trình đã thực hiện 62 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 66 tỷ đồng.

Xã Cam Thủy là một trong những địa phương ở Quảng Trị được KOICA hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án tăng thu nhập, nâng cao đời sống và sức khỏe người dân.

Trong ba năm từ 2015-2017, KOICA đã hỗ trợ Cam Thủy trên 12,3 tỷ đồng; trong đó hơn 8,4 tỷ đồng thực hiện các dự án nâng cao thu nhập cho 124 hộ thông qua xây dựng ​sáu mô hình phát triển kinh tế, gồm: ba mô hình chăn nuôi bò, một mô hình chăn nuôi dê, một mô hình nuôi cá và ​một mô hình làm hương, vốn hỗ trợ còn lại đầu tư xây dựng cơ hạ tầng, trang thiết bị y tế.

Ông Tạ Phước, Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân xã Cam Thủy cho biết, các mô hình phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập cho người dân, do KOICA hỗ trợ vốn đã và đang mang lại hiệu quả cao. Trong đó, các mô hình chăn nuôi như bò, dê, cá... đã giúp nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, KOICA còn trợ giúp bà con tập huấn kỹ thuật, giám sát vật nuôi...

Các dự án khác do KOICA hỗ trợ vốn cũng đang giúp "bộ mặt" nông thôn ở Quảng Trị đổi thay, đời sống và sức khỏe của người dân, chất lượng môi trường và giáo dục đào tạo được nâng lên.

[Việt Nam hoan nghênh Hàn Quốc tham gia đầu tư vào các dự án lớn]

KOICA hỗ trợ đầu tư xây dựng 60 công trình, chủ yếu là công trình thiết yếu phục sản xuất như kênh mương, đường giao thông nội đồng; cung cấp máy siêu âm cầm tay và các trang thiết bị y tế khác, chuyển giao kỹ thuật khám sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh; trồng 60ha rừng ở vùng cát ven biển để chống hiện tượng cát bay và 1ha rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, KOICA còn hỗ trợ Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp giảng đường, ký túc xá...

Các công trình, dự án do KOICA hỗ trợ vốn được thực hiện cùng lúc nhưng tiến độ và giải ngân vốn luôn kịp thời và đã đạt 100%.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị Nguyễn Huy, thành công trong hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với KOICA đến từ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc trong việc bố trí vốn, chỉ đạo thực hiện; cách thức tổ chức chương trình hợp tác khoa học, hợp lý; cơ chế vận hành tài chính rõ ràng nên rất thuận lợi cho giải ngân.

Những gì KOICA đã hỗ trợ để người dân Quảng Trị nâng cao hơn chất lượng cuộc sống là minh chứng sinh động cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển và sâu sắc hơn. Điều đó đúng như khẩu hiệu chung mà KOICA và tỉnh Quảng Trị cùng thống nhất khi bắt tay thực hiện Chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" là: "Cùng nhau vì một Quảng Trị hạnh phúc. Cùng nhau vì một Việt Nam tươi đẹp hơn."

Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" Hà Sỹ Đồng đánh giá, việc triển khai thành công chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao đời sống người dân.

Sắp hoàn thành dự án "Hạnh phúc Quảng Trị" do KOICA viện trợ ảnh 2Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham quan các mô hình nông nghiệp trưng bày tại chương trình. (Nguồn: quangtri.gov.vn)

Đặc biệt, với việc xây dựng nông thôn mới, người dân rất hưởng ứng và tích cực triển khai thực hiện. Các mô hình phát triển kinh tế đều phát huy hiệu quả cao... Thành công về nâng cao thu nhập cũng sẽ là cách làm mới, cách tiếp cận mới trong thực hiện hỗ trợ sản xuất ở Quảng Trị.

Bên cạnh đó, việc trồng rừng đã tạo nên rừng phòng hộ, giúp phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống hiện tượng cát bay, cát lấp và cải thiện sinh kế cho người dân Quảng Trị.

Đối với Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, qua đó giúp địa phương có cơ sở đào tạo quy mô, là nơi đào tạo và cung cấp nguồn lao động chất lượng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Tiếp nối thành công từ Chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị," hai bên đang cùng cộng tác để xây dựng một Quảng Trị thịnh vượng, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển của Việt Nam.

Sự "có mặt" của KOICA đang tiếp tục giúp hàng trăm hộ dân không chỉ có thu nhập cao, mà còn thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp.

Từ tháng 2017-2019, KOICA cùng Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ gần một triệu USD cho nông dân ở năm xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng thuộc huyện Triệu Phong để sản xuất nông sản sạch.

Tuy thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng dự án đã tạo ra thương hiệu "Gạo sạch Triệu Phong" được người tiêu dùng biết đến.

Để sản xuất sản phẩm gạo sạch Triệu Phong, người nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “ba không” gồm: không sử dụng các loại phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thay vào đó là các chế phẩm thảo mộc do tự tay họ làm ra.

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong cho biết, hiện nay trong khuôn khổ dự án đã trồng được 30ha lúa. Sản phẩm gạo sạch Triệu Phong không những được thị trường rất ưa chuộng, mà còn bán được giá cao gần gấp hai lần so với gạo bình thường. Địa phương đang tiếp tục xây dựng thương hiệu và chứng chỉ địa lý cho sản phẩm gạo sạch Triệu Phong...

Trong lĩnh vực đầu tư, ngày càng có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đến Quảng Trị tìm hiểu đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, cảng biển, năng lượng...

Theo đó, tại Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận cho doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn C&N Vina đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong khu kinh tế.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã cam kết và hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Daewon chính sách tốt nhất về thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế phí... khi đầu tư vào khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam.

Trong khi đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pinestrees Group góp vốn đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwa E&E đầu tư các dự án điện Mặt Trời.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục