'Sáp nhập Bờ Tây đe dọa tới mối quan hệ của Israel với các nước Arab'

Đại sứ UAE tại Mỹ cảnh báo kế hoạch sáp nhập của Israel, dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 1/7 tới, sẽ kích động bạo lực và các phần tử cực đoan.
'Sáp nhập Bờ Tây đe dọa tới mối quan hệ của Israel với các nước Arab' ảnh 1Khu định cư Do Thái Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 10/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef Al Otaiba cảnh báo việc Israel dự định sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan sẽ đảo ngược những nỗ lực của Tel Aviv nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước Arab.

Trong bài xã luận được đăng trên tờ Yediot Aharonot của Israel, Đại sứ Al Otaiba cảnh báo kế hoạch sáp nhập của Israel, dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 1/7 tới, sẽ kích động bạo lực và các phần tử cực đoan.

Động thái này sẽ gây ra làn sóng phản kháng trong khu vực, đặc biệt là tại Thung lũng Jordan, nơi sự ổn định thường được xem là mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực, đặc biệt là với Israel.

[Liên đoàn Arab lên án kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel]

Ông Al Otaiba cũng cảnh báo việc sáp nhập sẽ là một bước lùi lớn, chắc chắn ảnh hưởng tới mong muốn của Israel nhằm cải thiện mối quan hệ văn hóa, an ninh và kinh tế với thế giới Arab và UAE.

UAE, một đồng minh quân sự thân cận và có tầm ảnh hưởng của Mỹ, vẫn luôn là một trọng tâm mà Israel nỗ lực hướng tới nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước Arab vùng Vịnh trong những năm gần đây.

UAE và Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức, song UAE đã cho phép giới chức Israel tới thăm nước này và để quốc ca của Israel giành huy chương vàng tại giải Judo được tổ chức ở Abu Dhabi năm ngoái. Israel cũng có phái đoàn đại diện nhỏ tại Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế ở Abu Dhabi.

Israel dự định sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan, trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng Một vừa qua.

Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu tuyên bố kế hoạch sáp nhập có thể được triển khai từ đầu tháng Bảy tới.

Tuy nhiên, kế hoạch này lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Chính quyền Palestine tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye ngày 9/6 khẳng định sẽ tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine với các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1967 nếu Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây.

Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, cho tới thời điểm hiện tại. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định khu vực Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi khu vực Bờ Tây này là vùng "tranh chấp."

Trong số các chính sách gây tranh cãi nhất được chính quyền Tel Aviv thực thi như một phần trong kế hoạch chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem.

Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đồng thời là một trong những vấn đề lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào ngõ cụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục