Sẽ không có thỏa thuận hạt nhân Iran thứ hai?

Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt vẫn được tái áp đặt đối với quốc gia này.
Sẽ không có thỏa thuận hạt nhân Iran thứ hai? ảnh 1Tàu chở dầu của Iran cập cảng trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. Ảnh: (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Nationalinterest.org, sau khi rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đe dọa gây chiến tranh, phê chuẩn các hợp đồng bán vũ khí lớn chưa từng thấy cho những chế độ quân chủ vùng Vịnh, giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố một cách hào hứng rằng ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết.

Mặc dù một cuộc gặp như vậy là chưa từng có tiền lệ, giống như cuộc gặp thượng đỉnh của Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua, song có lẽ cuộc gặp này cũng chẳng có mấy giá trị.

Đó là nhận định của Gil Barndollar - Giám đốc phụ trách nghiên cứu tình hình Trung Đông thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Mỹ) - bởi theo ông, người Iran không quan tâm đến việc đàm phán với Mỹ, và Mỹ cũng không nên tự lừa dối mình rằng chính quyền đang trên đà đạt được bước đột phá ở Vịnh Persian.

Dường như chính quyền Trump rất tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ "bóp nghẹt" Iran và có thể buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán.

Thế nhưng, có một thực tế cần phải nhìn nhận là nước Mỹ có thể cô lập, làm kiệt quệ, thậm chí đẩy một quốc gia vào cảnh bạo loạn thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, song hầu như không có bằng chứng nào chứng tỏ các biện pháp trừng phạt có thể làm thay đổi một đất nước theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Và đúng 4 giờ 01 GMT ngày 7/8 (tức 11 giờ 01 theo giờ Việt Nam), Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.

Về phía Iran, Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari, nói: "Ngày nay, việc đàm phán với Mỹ là một sự sỉ nhục.”

Nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý nối lại đàm phán với Mỹ, ông sẽ bị dư luận trong nước lên án là kẻ phản bội.

Thậm chí, nếu Rouhani không giải thích được một cách rõ ràng vì sao ông vẫn tin tưởng Mỹ, thì có lẽ ông sẽ không còn cơ hội điều hành đất nước.

[Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt Iran đến khi có những thay đổi "triệt để"]

Thật nực cười khi rút Mỹ khỏi JCPOA và vẫn khăng khăng cho rằng sẽ có một thỏa thuận tốt hơn.

Hầu hết ý kiến ở Mỹ đều ủng hộ việc đặt điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, vốn được Ngoại trưởng Mike Pompeo nhắc lại gần đây bất chấp tuyên bố trước đó của Trump (rằng ông sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết).

Thế nhưng, cũng cần phải nhớ rằng số phận trái ngược nhau của hai nhà lãnh đạo Hosni Mubarak (Ai Cập) và Bashar al-Assad (Syria) luôn hiện hữu trong tâm trí của mỗi nhà lãnh đạo tại Trung Đông.

Những hội nghị thượng đỉnh chóng vánh trong năm qua giữa Mỹ và một số nước đã cho ra đời những bức ảnh, những tuyên bố tẻ nhạt và những hứa hẹn mơ hồ, chứ không mang lại những thay đổi nào cho các kẻ thù cũng như đồng minh của Mỹ.

Việc cùng lúc phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc đàm phán khó khăn với châu Âu và đưa ra những lời đe dọa Iran sẽ khiến cho Mỹ bị rơi vào một "mớ bòng bong."

Trong năm qua, Mỹ không hề đưa ra được một chiến lược tổng thể nào ở Trung Đông. Ngay cả chính sách “Nước Mỹ trước tiên” cũng chỉ mang tính chất khẩu hiệu chứ không đi vào thực tế.

Nói chung, ngoại giao thường là sự lựa chọn tốt nhất. Cựu Thủ tướng nổi tiếng của Anh, ông Winston Churchill, từng nói: “Đàm phán lúc nào cũng tốt hơn chiến tranh.”

Ví dụ như vấn đề Triều Tiên, những hội nghị thượng đỉnh vô nghĩa vẫn tốt hơn là những lời đe dọa rỗng tuếch. Tuy nhiên, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ sẽ chưa thể có cơ hội chụp ảnh chung với Tổng thống Iran trong tương lai gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục