Senegal kêu gọi LHQ cho can thiệp quân sự vào Mali

Tổng thống Senegal hy vọng HĐBA cho phép các nước châu Phi can thiệp quân sự vào Bắc Mali để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Alger, Tổng thống Senegal Macky Sall đã bày tỏ hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cho phép các nước châu Phi tiến hành can thiệp quân sự vào Bắc Mali để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này và đấu tranh chống khủng bố.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Alafrica ngày 30/9, Tổng thống Macky Sall cho rằng tình hình Mali hiện nay không những tác động đến vùng Tây Phi và các nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, mà còn trở thành vấn đề đối với toàn thế giới.

Theo ông, đây là lần đầu tiên các nhóm thánh chiến quốc tế chiếm giữ một phần lãnh thổ với nhiều sân bay, được tùy ý sử dụng và có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ và phương tiện.

[Thủ tướng Mali kêu gọi triển khai máy bay chiến đấu]

Ông Macky Sall cho rằng nếu cộng đồng quốc tế đứng ngoài cuộc, khủng bố quốc tế sẽ có điều kiện để mở rộng hoạt động khủng bố sang các vùng khác.

Trong khi đó, tạp chí Focus ngày 1/10 cho biết Đức và Pháp cam kết sẽ hỗ trợ hậu cần nếu chiến dịch can thiệp quân sự của các nước châu Phi vào Bắc Mali được triển khai, nhưng loại trừ khả năng đưa binh sỹ đến Mali tham chiến.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Guido Westerwelle, mọi can thiệp quân sự vào Mali cần phải được Liên hợp quốc cho phép và vai trò chỉ huy phải do các nước châu Phi đảm nhiệm.

Tạp chí Focus cũng cho biết cùng ngày, quan chức phụ trách các vấn đề châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Johnnie Carson, cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch quân sự vào Bắc Mali, với điều kiện chiến dịch này phải được chuẩn bị kỹ, do các nước châu Phi tiến hành và được sự nhất trí của tất cả các nước có liên quan trong khu vực, bao gồm Moritani và Algeria - những nước được cho là không ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự mà thiên về phương án chính trị.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng Ba vừa qua khi các binh sỹ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia).

[Mali đề nghị các nước Tây Phi can thiệp quân sự]

Trước tình trạng bất ổn trong nước, Thủ tướng Mali Mobido Diarra ngày 29/9 đã kêu gọi các nước phương Tây, đứng đầu là Pháp, gửi máy bay chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm tới nước này.

Trước đó, Mali đã gửi thư tới Liên hợp quốc chính thức đề nghị cho phép một lực lượng quân đội của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đến giúp chính phủ Mali giành lại lãnh thổ từ tay các phiến quân Hồi giáo, theo thỏa thuận giữa nước này và ECOWAS./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục