"Siêu" dự án nông nghiệp: Doanh nghiệp lật lọng?

Nông dân bốn xã ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang phải đối mặt với nguy cơ Công ty Sơn Trường đơn phương phá vỡ hợp đồng thuê đất.
Trả lại những diện tích đất mà doanh nghiệp cho là không có khả năng trồng rau màu theo yêu cầu của mình hoặc xin giảm giá thuê đất quá nửa so với giá hiện tại.

Những lời đề nghị trên chẳng khác nào chủ "siêu" dự án nông nghiệp ở Hải Phòng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sơn Trường đang lật lọng những bản hợp đồng thuê đất hồi tháng 10/2009 với hàng ngàn hộ nông dân.

Nguy cơ phá sản hoàn toàn

Sau sự cố Công ty Sơn Trường đơn phương phá vỡ hợp đồng thuê đất khiến hàng ngàn hộ nông dân và chính quyền xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng) lao đao vất vả thì nay đến lượt nông dân bốn xã ở Vĩnh Bảo đang phải đối mặt.

Trả tiền thuê đất vụ thứ hai (vụ hè thu) cho các hộ dân ở Vĩnh Bảo chưa đầy một tháng, đến tháng 7 Công ty Sơn Trường lại có công văn thông báo tới các xã đưa ra đề nghị trả lại đất hoặc giảm giá tiền thuê đất của nông dân. Trong đó, thông báo trả xã Trấn Dương 113ha, xã Cổ Am 35ha và Tam Đa 37ha. Riêng xã Vĩnh Tiến, doanh nghiệp chưa có thông báo gì vì toàn bộ 55ha đang trồng màu.

Lý do trả lại đất cho nông dân là doanh nghiệp viện cớ đất không phù hợp với trồng rau màu, đất sình lầy. Hơn nữa, mô hình tổ chức sản xuất mới theo kiểu liên minh nông trang tỏ ra bất cập trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Tại cuộc họp giao ban sản xuất vụ hè thu với các xã vào chiều ngày 30/6 do Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo và Công ty Sơn Trường tổ chức, người ta mới thấy hết sự lúng túng của doanh nghiệp trong việc đi tìm một mô hình quản lý, tổ chức sản xuất nông nghiệp của siêu dự án này.

Công ty Sơn Trường đã đưa ra ba phương án tổ chức sản xuất mới theo hướng trái ngược với mục tiêu ban đầu mà doanh nghiệp đặt ra đó là biến sự tập trung đất đai để sản xuất lớn thành sự phân chia nhỏ lẻ đất ra thông qua việc cho giao đất lại, hay cho nông dân, các tổ chức cá nhân khác thuê lại.

Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo cho biết cơ chế quản lý theo mô hình nông trang liên minh chưa gắn chặt quyền lợi của người nông dân với doanh nghiệp. Theo ông Nhưỡng, nếu tình trạng này kéo dài thì chỉ một đến hai vụ nữa là doanh nghiệp bị “sập tiệm.”

Lật kèo... bỏ cuộc

Từ tháng 9/2009, Công ty Sơn Trường tìm mọi cách để có trong tay 2.000ha đất với lý do công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Mức giá thuê đất được doanh nghiệp này đẩy lên mức kỷ lục bằng 125kg thóc/sào (gấp 2,5 lần so với giá thị trường), thời gian kéo dài năm năm.

Với mức giá này người nông dân ngồi chơi cũng có hiệu quả kinh tế cao gấp hai lần so với việc phải tự mình cày cấy trồng lúa. Vậy là hàng ngàn hộ nông dân ở năm xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Tam Đa, Cổ Am, Vĩnh Tiến và Trấn Dương (Vĩnh Bảo) đã vội vã cho Công ty Sơn Trường thuê gần 500ha đất lúa của mình.

Tuy nhiên, Công văn số 193/CV-ST ngày 21/7 do ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc của Công ty Sơn Trường ký gửi cho Ủy ban Nhân dân xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo) lại nói rõ do thấy một số xứ đồng không có khả năng sản xuất rau màu theo yêu cầu của công ty, nên công ty đã quyết định trả lại 151,2ha đất đã thuê để các hộ nông dân chủ động sản xuất.

Còn một số diện tích tạm trồng màu được nếu các hộ cho thuê với mức 100 kg/sào/năm (thấp hơn 150kg so với mức hiện công ty này thuê của nông dân) thì công ty sẽ ký hợp đồng giao khoán cho các cá nhân, tập thể, song cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào.

Mức giá 50 kg/sào/vụ (hay 100 kg/sào/năm) chỉ ngang bằng so với mức giá người nông dân cho nhau thuê để cày cấy. Và so với bản hợp đồng thuê đất năm năm với giá cao 125 kg thóc/sào/vụ thì những đề nghị doanh nghiệp đưa ra giống như đánh tháo hợp đồng với người dân.

Luật sư Lê Quang Hiệp, Văn phòng luật sư Á Đông thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng cho biết nông dân có quyền yêu cầu Công ty Sơn Trường tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê đất như đã cam kết.

Trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không đền bù thỏa đáng thì nông dân có quyền khởi kiện công ty ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc chấm dứt hợp đồng này gây ra. Trong đó, bồi thường giá trị hợp đồng, người dân có quyền yêu cầu Công ty Sơn Trường bồi thường với một tỷ lệ hợp lý trong tổng số giá trị hợp đồng của bốn năm còn lại (đến tháng 6/2014).

Phải chăng thuê đất để chờ dự án khác đền bù...?

Có nhiều luồng dư luận hoài nghi mục đích Công ty Sơn Trường ôm đất liệu có phải sản xuất nông nghiệp hay không? Thực tế minh chứng thấy, doanh nghiệp này đã tìm mọi cách để có trong hàng trăm ha đất, song khi có đất lại không thể tổ chức sản xuất, loay hoay tìm mô hình, tìm phương án sản xuất, thậm chí bỏ hoang cánh đồng.

Những luồng dư luận này xem ra cũng có cơ sở, bởi kề cận những cánh đồng mà Công ty Sơn Trường thuê của nông dân, đều có những dự án lớn của thành phố, của quốc gia như dự án xây dựng đường giao thông ven biển liên tỉnh, dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện trong tương lai rất gần và dự án sân bay quốc tế Tiên Lãng trong tương lai xa, hay những dự án khu công nghiệp đang dần hình thành ở các huyện này.

Trong một diễn biến khác, Công ty Sơn Trường đã có hợp đồng thuê khoảng 90ha đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Phù Long, huyện Cát Hải, án ngữ ngay đầu cửa ngõ cảng quốc tế Lạch Huyện.

Dư luận cũng cho rằng, chỉ vài năm nữa thôi, khi Cảng Lạch Huyện xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác thì những đầm nước ở Phù Long, nơi tàu bè thường xuyên đi lại liệu có còn phù hợp nuôi trồng thủy sản hay không, và khi ấy nó sẽ biến thành những gì thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục